Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng nhìn tổng thể, triển vọng đầu ra trái xoài Đồng Tháp là một bài toán khó, nhưng vẫn có nhiều cơ hội.

Nhìn từ Lễ hội xoài Đồng Tháp - Bài 2: Đặc sản xoài vẫn có nhiều cơ hội

Văn Kim Khanh | 25/04/2023, 06:55

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng nhìn tổng thể, triển vọng đầu ra trái xoài Đồng Tháp là một bài toán khó, nhưng vẫn có nhiều cơ hội.

z4270818732710_6717ed77d0e31750e284d3df2b38152c.jpg
Một điểm thu mua xoài xuất khẩu ở Đồng Tháp - Ảnh: Đ.T

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, tổng diện tích trồng xoài ở nước ta là trên 115.000ha, riêng ĐBSCL chiếm 1/2 diện tích. Sản lượng xoài cả nước đạt gần 1 triệu tấn, đứng thứ 13 trong các nước trồng xoài trên thế giới. Nước đứng đầu là Ấn Độ (chiếm 55% sản lượng toàn cầu), kế đến là Trung Quốc với 18 triệu tấn/năm. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ nâng lên 650 triệu USD.

z4285846214901_1e88a447d7c0213d4836d4eee4426827.jpg
Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất ĐBSCL - Ảnh: Đồng Tháp

Xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của ĐBSCL, năng suất bình quân đạt từ 11 - 13 tấn/ha, sản lượng khoảng 567.732 tấn/năm. Xoài còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nhưng hiện nay số lượng xuất khẩu còn khá khiêm tốn. Năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 180 triệu USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là các thị trường Nga, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Úc, Nhật Bản...

xoai-dong-thap-1.jpg
Phần lớn vườn xoài ở Đồng Tháp diện tích nhỏ hơn 1ha - Ảnh: Đ.T

Trở lại chuyện trồng xoài của nhà vườn ở Đồng Tháp, ta sẽ hiểu được những cái khó của nhà vườn và ngành xoài tỉnh này cũng như ở ĐBSCL.

Ông Trần Văn Trạng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tịnh Thới (Đồng Tháp) cho biết: “Diện tích trồng xoài của xã khoảng 900ha nhưng có đến 1.500 hộ. Chính vì vậy nên mỗi vườn xoài có thể có từ 1 đến 3 giống xoài được trồng. Đây là cái khó khi phải áp dụng khoa học, kỹ thuật cho ra hoa, rải vụ và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác theo hướng hữu cơ”.

Theo ông Trạng, HTX Tịnh Thới trước đây có 106 thành viên, nay còn 70 thành viên. Tổng diện tích đất vườn của các thành viên trước đây là 130ha, nay chỉ còn khoảng 30%. Đây cũng là những cái khó của người trồng xoài Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần tập trung phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch. Việc này giúp tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sau thu hoạch, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, phải sớm nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng Tháp cần khai thác và tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu xoài bền vững.

Cạnh tranh về xuất khẩu xoài ngày càng gay gắt, năm 2022, Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép Campuchia được xuất khẩu chính ngạch xoài keo với số lượng lên tới 500.000 tấn. Đây là một lượng xoài rất đáng kể, cạnh tranh ráo riết với xoài Việt Nam, trong đó có xoài Đồng Tháp.

Chính vì vậy, để không bị bỏ lại phía sau, ta phải chuẩn bị mọi mặt. Dù có những bước tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn còn rất khiêm tốn (năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỉ USD, trong đó Việt Nam chỉ có 180 triệu USD).

xoia.jpg
Hơn 80% xoài xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc - Ảnh: ĐPN

Trung Quốc năm 2020 đã có diện tích xoài rất lớn, trồng nhiều ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến… Sản lượng xoài của nước này vào khoảng 18 triệu tấn.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, dù Trung Quốc có diện tích xoài, thanh long và sầu riêng lớn, sản lượng nhiều nhưng trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn là những trái ngon được người Trung Quốc từ lâu ưa thích vì chất lượng và hương vị đặc biệt.

Để trái cây đi xa hơn, Bộ NN-PTNT khuyến nghị các địa phương tiếp tục đăng ký vùng trồng xoài, cấp mã số; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo. Đối với cơ sở đóng gói, xử lý, phải kiểm tra giám sát định kỳ và có sự chấp nhận của nước nhập khẩu… Yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc. Cần cải tiến mẫu mã bao bì đẹp hơn, áp dụng các kỹ thuật thu hái, bảo quản xoài được tươi lâu để có thể đi xa vào các địa phương ở các nước.

z4285722232223_a412a0cb59a0965b87f682297ac94cbf.jpg
Xoài được chế biến thành nhiều loại thực phẩm bán ở các siêu thị - Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, cần tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Và một điều lưu ý nữa, nên áp dụng kỹ thuật để rải vụ xoài, tránh tình trạng dồn đọng số lượng thu hái cùng lúc, không thể tiêu thụ hết khiến hàng hóa bị giảm giá.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, thu nhập người dân nước này đã cao nên hàng hóa, nhất là thực phẩm xuất bán cho họ phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP), mẫu mã trái đẹp, đạt trọng lượng yêu cầu, chất lượng ngon, có mùi vị hấp dẫn đặc trưng.

Chỉ có thực hiện được các yêu cầu trên thì ngành hàng rau quả Việt Nam, trong đó có “xoài Đồng Tháp”, mới có triển vọng phát triển tốt, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn từ Lễ hội xoài Đồng Tháp - Bài 2: Đặc sản xoài vẫn có nhiều cơ hội