Hơn 30 năm sống trong căn nhà ngay ngã ba sông, tôi cũng từng sống với quãng thời gian dài, mà ghe thuyền tíu tít suốt ngày. Người ta tha hồ mua bán, vận chuyển, ăn uống, cứ trên mặt sông, ung dung tự tại...

Nhớ một thời trên bến dưới thuyền, dọc ngang sông rạch...

16/01/2020, 11:12

Hơn 30 năm sống trong căn nhà ngay ngã ba sông, tôi cũng từng sống với quãng thời gian dài, mà ghe thuyền tíu tít suốt ngày. Người ta tha hồ mua bán, vận chuyển, ăn uống, cứ trên mặt sông, ung dung tự tại...

Chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Hồng Hiếu

Giờ, ghe thuyền chưa hẳn chỉ là ký ức. Trên những con sông, những chiếc ghe hàng, tàu lớn, vẫn thi thoảng lướt qua. Nhưng ít lắm rồi. Đã qua cái thời mà ở vùng quê, mỗi nhà có ít nhất 1 chiếc ghe hoặc xuồng. Đường sá mở khắp, giờ người ta chỉ cần xe, đi ghe xuồng chi cho chậm, hao xăng dầu nhiều...

Hồi tôi còn nhỏ, cứ cận Tết, ngã ba sông sát nhà như cái chợ. Chợ nổi thì bên kia sông, thì bên đây, cũng như xóm chợ. 4-5 giờ sáng, người trên ghe đã túm lại, nhấm nháp tách trà, pha vội ly cà phê, chuyện trò rôm rả. Người trên bờ, cũng bị cái không khí háo hức ấy cuốn theo, ai cũng thức sớm, xuống bến ngó xem họ bán gì, cần thì mua. Thậm chí, người trên ghe làm cái chuyện không thể ai thay thế là... tiểu tiện, đại tiện, cũng trên chiếc ghe ấy, chẳng sợ người trên bờ trông thấy. Cứ ngồi nép sát ngoài ghe, che mặt bằng cái nón lá, là cứ vô tư. Che mặt rồi, biết ai mà sợ.

Giờ cầu khỉ hầu như chỉ còn tái hiện lại trong những khu du lịch, nên ghe xuồng cũng ít dần, thay bằng xe máy - Ảnh: Hoàng Việt

Còn trên ghe, như cả chợ Tết. Đây dưa hấu, kia là bánh mứt, dừa tươi, có cả mấy ghe bán hột vịt lộn, ban đêm chong đèn dầu tù mù. Mấy ghe kia, chở cả thịt heo vừa xẻ. Hoa kiểng thì đầy, nhiều nhất là thứ đó. Cứ 10 ghe, đã có 6 ghe chở hoa kiểng bán Tết. Người trên bờ, muốn mua gì cứ ngoắc, họ ghé vào. Thuận mua vừa bán, khuân lên. Trưa 30 Tết, hầu hết các ghe đã hết hàng, chủ ghe chất đầy đồ cúng ông bà, thịt thà, dưa hấu, tíu tít về nhà, chờ giao thừa.

Lúc đó, có ông Sáu bán hủ tíu trên sông. Lâu lâu, tôi mới có đủ tiền ăn được một tô. Hủ tíu ông nấu ngon tuyệt. Chẳng biết ngon thật, hay thời đó quá thiếu thốn, ăn gì cũng thấy ngon. Trong ký ức mờ xa, tôi nhớ tô hủ tíu ấy nước dùng trong veo, đầy những thịt bằm. Xương heo thì là thứ xa xỉ, chỉ có vài lát thịt xắt mỏng. Vậy mà, tô hủ tíu ấy qua miệng những thằng bé như tôi, không còn một giọt nước dùng. Húp sạch. Vậy mà vẫn còn thèm.

Cái ghe của ông làm bằng gỗ tốt. Suốt ngày ông hầu như trên ghe, “chà lết” trên sạp ghe, nên nó lên nước bóng loáng. Cứ như gạch bông. Ghe của ông chỉ chứa tối đa vài thực khách, đã khẳm lừ. Bởi vậy, ai trên bờ kêu thì ông ghé ghe, bưng lên cho họ. Còn những người trên ghe đi mua bán, công việc... cứ tấp vào ghe ông, ngồi mà sì sụp. Gió sông thốc qua mát lạnh, tô hủ tíu thơm lừng, bốc khói, cái thú khó gì sánh bằng.

Bao lâu nữa, muốn tìm ghe xuồng phải vào các khu du lịch? - Ảnh: Hoàng Việt

Ngày ông Sáu lên bờ vì tuổi già, cả xóm tôi buồn hiu. Nhớ cái tô hủ tíu đầy hành ngò của ông, nhớ ông già còm nhom, ít nói, hay cười, nhớ chiếc ghe có cái sàn gỗ bóng loáng. Lên bờ không bao lâu, ông mất. Như cái nghiệp? Ông mất đành rằng vì tuổi già, nhưng những thằng bé như tôi, lúc đó cứ kháo nhau: “Ông chết vì nhớ ghe, nhớ sông, nhớ những tiếng sóng vỗ nhè nhẹ, lắc lư. Ổng không chịu nổi”...

Thời mà ở vùng sông nước chằng chịt miền Tây, hiếm hoi lắm mới có cây cầu khỉ - sang lắm là cầu ván (gỗ) bắc qua, thì ghe xuồng là phương tiện đi lại chính yếu! Đàn bà đau bụng đẻ, cũng cứ gom đồ chất xuống ghe, ra bảo sanh. Có mớ rau, muốn ra chợ bán, cứ chất lên ghe. Nhà thiếu gạo, cũng dong ghe ra nhà máy xay xát mà chở về. Chợ nổi Cái Răng thì sầm uất, cứ bơi ghe ra đó, thứ gì chẳng có.

Thiếu nữa, thì lên bờ, chợ Cái Răng, nằm ven sông. Ở chợ nổi, ghe nào cắm sào, mà trên đầu sào có treo thứ nào, thì trong ghe bán thứ đó. Treo củ sắn, thì cả ghe đầy củ sắn. Treo khoai mì, thì cứ ghé mua, cả chục ký khoai cũng có. Cũng may, thời đó, người ta không bán đồ lót dưới ghe, tại chợ nổi. Chứ không, sào treo lủng lẳng mấy thứ đó, xanh đỏ đủ màu, thiệt à!

Tôi nhớ nhất mấy cái ghe vó, thỉnh thoảng vài tháng lại dong về. Chủ ghe, đa phần là dân miền Bắc. Ghe dạng hình chữ nhật. Phía trước là khoảng “sân”, ở giữa gắn cái vó đưa ra trước. Cứ 5-10 phút, chủ vó lại từ trong bước ra, kéo vội. Vài bầy cá lòng tong, cá he, cá thiểu... trắng xóa giẫy vùng trong lưới. Tuyệt vọng, chúng lại rơi dần xuống dưới, lọt thỏm vào cái ống đan bằng tre gắn bên dưới, chờ đầy thì chủ vó gỡ, đổ vào thau.

Phía sau ghe, là cái ghe nhà nhỏ bằng gỗ, “nền nhà” là sàn ghe. Ăn uống, ngủ nghỉ của cả gia đình người chủ vó, cứ gom vào đó. Họ cứ thế, nay bến sông này, mai bến sông khác. Có người, cả đời, mưu sinh trên mặt nước. Chỉ khi chết, mới được lên bờ. Chuyện ăn học, là điều họ chẳng bao giờ mơ tới. Mấy đứa con của họ, cởi truồng, chà lết trên sàn ghe, vậy mà đứa nào cũng bơi lội cực giỏi. Nhưng hơn chục năm nay, những chiếc ghe vó ấy đã biến mất.

Miền Tây sông rạch rất chằng chịt - Ảnh: Hoàng Việt

Những niềm vui tột bực của lũ trẻ chúng tôi khi đó, là những gánh hát, hoặc đoàn lô tô. Họ cũng đến bằng ghe, ghe lớn. Cả sân khấu chất hết lên ghe, từ diễn viên, đạo cụ. Sáng sớm, họ đã dong ghe tới. Xin phép chính quyền đâu đó, xế trưa họ bắt đầu khuân trên ghe xuống, từ cái trống, cây đàn, phông màn... Bày biện nấu nướng, ăn uống xong, là tối diễn. Vài ngay sau, cũng chính chiếc ghe ấy, đưa tất cả đi mất trong nỗi tiếc ngẩn tiếc ngơ của lũ trẻ tối ngày đánh đáo, đi chân không ở xóm tôi. Và cũng vài ngày ở xóm tôi, họ được lên bờ...

Ba tôi, mấy chục năm sống ở căn nhà ven sông, tiếng sóng, tiếng mái dầm khua nước, tiếng máy tàu, với ông, cũng đã như máu thịt. Ngày má tôi xây xong cái nhà ở khu dân cư mới, kêu ba tôi ra ở, ông ra nhìn một chút, thậm chí không thèm bước vào nhà. Ông về, về với những chiếc ghe hay neo đậu bến sông, với con nước lớn nước ròng mỗi buổi, với những cơn gió lồng lộng mát rượi suốt ngày.

Nhưng rồi như định mệnh, ông gắn bó sông nước, nhưng cũng chính sông nước đã xua đuổi ông. Mùa nước năm trước, nước dâng ngập nhà, tới đầu gối. Má tôi khóc, bảo rằng: “Già rồi, mà khổ vậy sao ông? Mình có nhà khác mà”. Ông ngậm ngùi, chia tay căn nhà ven sông. Vài tháng sau, ông mất. Tôi lại nhớ ông Sáu hủ tíu, và nhủ rằng: “Ba tôi mất, vì nhớ ghe, nhớ sông”.

Bán bún riêu tại chợ nổi - Ảnh: Quốc Trung

Hồi đi sang Lào, xe rong trên đường quốc lộ của họ, tôi từng thắc mắc vì có nhiều căn nhà mặt tiền, nhưng mặt căn nhà lại xoay ngược với đường, hướng vào rừng. Anh hướng dẫn viên giải thích rằng, có người, cả đời sống nhờ rừng. Họ sống nhờ hái củi, săn bắt... Và giờ nhà có dời đi đâu, họ vẫn nhớ rửng, cất nhà hướng mặt về rừng.

Và trong đầu nhiều người dân miền Tây cũng vậy. Cả đời gắn bó với sông nước, với những chiếc ghe, xa chúng, họ nhớ ray rứt. Bởi thế, sông bên lở bên bồi, nhưng bên nào cũng có người ở. Lở thì làm kè, trồng bần, cứ thế mà sống. Dù rằng, nhiều người trong căn nhà ấy, không hề chài lưới hoặc làm nghề gì gắn bó với sông nước. Nhưng họ đã sống rất lâu bên sông, đã quen với từng tiếng ghe, tiếng máy nổ. Xa chẳng được.

Hình ảnh tại chợ nổi Cái Răng - Ảnh: Hồng Hiếu

Dù rằng, cái xóm ghe một thời lừng lẫy, sung túc ở ngang chợ nổi Cái Răng đã lụn bại dần. Dù rằng, dưới lòng sông chẳng còn bao nhiêu cá tôm vì ô nhiễm. Chợ nổi Cái Răng vẫn còn, nhưng bao lâu nữa cái hồn sẽ mất, chỉ còn cái xác để mà làm du lịch, “dụ dỗ” du khách? Chợ này rồi chỉ sẽ mua bán với nhau cho có, chủ yếu mồi chài khách phương xa? Nhưng sông vẫn là sông, ghe vẫn là ghe, chẳng gì xóa mờ được cả ký ức một thời...

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ một thời trên bến dưới thuyền, dọc ngang sông rạch...