Đêm nay là rằm tháng Tám, nhưng ngoài kia không có ánh đèn lồng lung linh, không có nhịp trống lân giòn giã. Không có tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Tất cả chầm chậm trôi qua, tự nhiên nhớ nhớ quê, nhớ những đêm Trung thu của những ngày thơ ấu đến nao lòng…
Trong tất cả những truyền thuyết về ngày Tết Trung thu mà ngày xưa bà kể, tôi ấn tượng nhất về sự tích Thỏ Ngọc. Hình ảnh chú Thỏ Ngọc thật cao đẹp và cảm động đã ăn sâu vào kí ức thơ ngây của tôi cho đến tận bây giờ.
Mùa Trung thu năm cũ, dưới ánh trăng ngà, bên chiếc chõng tre, lũ trẻ chúng tôi ngôi xung quanh nghe bà kể chuyện: “Ngày xưa lâu lắm rồi, năm đó mùa màng thất bát, người và vật ăn thịt nhau để tranh giành sự sống. Thỏ là loài vật yếu đuối không đi được xa để kiếm ăn đành rủ nhau quay quanh bên đống lửa để chống chọi với đói và rét. Trước cảnh khổ ải, khó khăn như vậy, một con thỏ đã nhảy vào đống lửa, thui mình làm thức ăn cho đồng loại của mình để cho giống nòi của loài thỏ được tồn tại. Khi đó có một bà tiên đi qua, thương cảm vì nghĩa khí của chú Thỏ Ngọc, bà tiên đã nhặt đám xương tàn của nó rồi phù phép biến xương thỏ thành hình hài bằng ngọc, từ đó Thỏ Ngọc được trường sinh bất tử và sống trên cung trăng. Cứ mỗi độ rằm tháng Tám, chú thỏ lại ra gốc cây đa ngắm về trần gian”.
Câu chuyện của chú Thỏ Ngọc, rồi đến sự tích Hằng Nga, Chú Cuội mà bà kể đã đi theo lũ trẻ chúng tôi qua biết bao nhiêu mùa Trung thu ở quê nhà. Rồi chúng tôi lớn lên, tứ tán bốn phương, không biết đến hôm nay có đứa nào còn nhớ câu chuyện xưa bà kể nữa không. Riêng tôi xa quê lên phố, lòng vẫn mang theo câu chuyện cổ tích đẹp như mơ về sự tích ngày Tết Trung thu. Tôi thương chú Thỏ Ngọc, tôi nhớ bà, nhớ những mùa Trung thu xưa giờ chỉ còn trong kí ức.
Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo ở miền Trung, tuổi thơ của chúng tôi là những đêm trăng rằm chân trần cầm những chiếc đèn lồng khung tre tự chạy quanh xóm trong tiếng trống lân rộn ràng thôi thúc. Tuổi thơ chúng tôi là những đêm Trung thu nao nức ham chơi quên cả lối về. Còn gì vui hơn khi được nô đùa dưới ánh trăng treo lơ lững giữa bầu trời trong xanh nơi làng thanh bình yên ả. Ngõ xóm lung linh ánh đèn, người lớn xong chuyện đồng áng ngồi uống bát nước chè xanh ngắm trăng. Trẻ con thì tự do vui rong ruỗi khắp nẽo đường quê.
Hồi đó mỗi khi đến mùa trung thu là lũ trẻ trong xóm xôn xao cả chục ngày liền. Riêng chuyện dán đèn lồng thôi cũng đã thấy vui rồi.Chúng tôi tập trung lại, chia nhóm, phân công công việc. Vừa tan học về cất sách vở là bọn trẻ xúm lại trên một khoảng sân nhà nội. Mỗi đứa mỗi việc, đứa vốt tre làm khung, đứa cắt giấy màu, đứa bôi hồ, đứa dán, tiếng cười nói xôn xao cả một khoảng trời. Những chiếc đèn lồng bằng giấy bồi, giấy kính mà bọn trẻ chúng tôi tận dụng xin về đểtrông rất vụng về, nhưng hồi đó ai thấy cũng đẹp cũng vui sướng vô cùng. Với chúng tôi, Trung thu không chỉ là đêm rằm mà trước và sau đó đến 10 ngày được vui chơi thỏa thích.
Tôi nhớ mãi mùa Trung thu năm ấy, lần đầu tiên tụi nhỏ xóm tôi quyết định tự dán một chiếc đầu lân. Những đứa khéo tay nhất được “triệu tập” để lên khế hoạch “vĩ đại” này. Bọn chúng tôi mày mò bắt đầu sáng chế. Phải tự làm thôi vì người lớn suốt ngày bận công việc đồng áng không ai có thể hỗ trợ được. Việc khó nhất là làm khung, chúng tôi đi xin tre về chẻ ra làm cốt. Sau những lần thất bại “ê chề”, cuối cùng phần khó nhất là chiếc khung cũng hoàn thành. Việc trang trí đầu con lân cũng dễ dàng thôi, màu sắc hoa văn, mắt mũi của lân chúng tôi đều căn cứ vào hình đầu lân trong sách lớp ba để tô màu vẽ theo. Màu trang trí cho lân cũng được tận dụng từ ruột cục pin, mực học trò, thuốc đỏ…Chiếc đầu lân hoàn thành trong niềm hân hoan của tất cả bọn trẻ trong xóm. Năm đó lần đầu xóm chúng tôi chơi Trung thu “hoành tráng” nhất, không còn đi qua xóm bên để coi múa lân ké nữa.
Những ngày Trung thu của chúng tôi không giống như những gì sách báo đã mô tả. Không có phá cổ, không có bánh nướng, bánh dẽo, không có bánh trung thu, cũng khôngcó đêm hội trăng rằm, nhưng lại thừa niềm vui. Dưới ánh trăng bàng bạc của mùa thu, lũ trẻ chúng tôi khua trống lân vang trời. Hết múa lân nhà này rồi sang nhà nọ. Phần thưởng mà người lớn dành cho chúng tôi cũng chỉ là những đồng tiền lẻ, những nãi chuối chín, nồi chè đậu đen, mấy trái bắp luộc, nhưng chung tôi vui đến vô ngần.Kỷ niệm về những mùa Trung thu cũ vẫn còn đi theo tôi trên suốt chặng đời.
Chiều nay tôi lại đi qua những con phố lớn, nhìn thấy mùa Trung thu đã về rộn rã với đèn hoarực rỡ lung linh. Hai bên đường nhiều tiệm bánh trung thu “tranh thủ” mọc lên tấp nập người mua. Một chiếc xe hơi bóng lộn dừng, một người đàn ông vội vả mở cửa xe chọn những hộp bánh sang trọng rồi luôn miệnggiục anh bán hàng “Gói nhanh còn để kịp đi biếu sếp…”
Tôi lại đến phố đồ chơi trẻ em với hi vọng tìm lại một chút gì của kí ức tuổi thơ. Ở đây đồ chơi trung thu hiện đại với đủ các hình thức bày la liệt, đa số là hàng điện tử của Trung Quốc, những chiếc đèn lồng bằng dùng pin phát raánh sáng đủ màu cùng âm thanh vô cùng xa lạ đã thu hút rất nhiều trẻ em đòi cha mẹ phải mua. Nhìn những chiếc mặt nạ “Thề Thiên Đại Thánh” “Trư Bát Giới” “yêu quái” đã khiến tôi chạnh nhớ chiếc mặt nạ “Ông địa” hiền lành mà ngày xưa lũ trẻ chúng tôi tự dán.
Tôi quay về với con hẻm quen thuộc nơi tôi ở. Con hẻm nhỏ Sài Gòn sâu và dài hun hút. Vầng trăng tròn bị che lấp bởi những ngôi nhà cao ngoài phố. Đêm nay là rằm tháng Tám, đêm Trung thu, nhưng con hẻm nhỏ nơi tôi ở không có ánh đèn lồng lung linh, không có nhịp trống lân giòn giã . Không có tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Tất cả chầm chậm trôi qua, tự nhiên nhớ nhớ quê, nhớ những đêm Trung thu của những ngày thơ ấu đến nao lòng.
Khi tôi viết những dòng này thì ở ngoài Trung quê hươngtôi cơn bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với những cơn mưa kéo dài. Lũ cũng đã tràn về ngập cả xóm làng ngay trong dịp tết Trung thu. Lại một năm nữa trẻ em miền Trung không có mùa Trung thu trọn vẹn. Ánh đèn lồng lung linh, tiếng trống lân giòn giã đành tạm gáclại chờ mùa trăng sautrong tiếc nuối của trẻ thơ. Lòngtôi chợtse lại thương hoài những mùa Trung thu cũ ngày xưa và thương mùa Trung thu mưa bão bây giờ:
Không còn qua xóm cũ
Rưng rưng nhớ quê mình
Miền Trung đang mưa lũ
Đèn lồng có lung linh?
Tiểu Vũ