Ra đời chưa lâu nhưng dự án phi lợi nhuận “The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường” do một nhóm sinh viên tại Hà Nội khởi xướng đã có tác động tích cực đến sự phát triển cá nhân của những trẻ em nghèo mắc bệnh bại não, tự kỉ, chậm phát triển… đang điều trị trong các bệnh viện tại Hà Nội.

Nhóm sinh viên mang ước mơ phi thường đến với trẻ chậm phát triển

Trí Lâm | 01/06/2016, 16:00

Ra đời chưa lâu nhưng dự án phi lợi nhuận “The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường” do một nhóm sinh viên tại Hà Nội khởi xướng đã có tác động tích cực đến sự phát triển cá nhân của những trẻ em nghèo mắc bệnh bại não, tự kỉ, chậm phát triển… đang điều trị trong các bệnh viện tại Hà Nội.

Đồng hành cùng trẻ chậm phát triển

Cơ duyên đến với những trẻ em không may mắc bệnh tự kỷ, bại não... xuất phát từ những chuyến tình nguyện tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương của một nhóm sinh viên tại Hà Nội.

Chứng kiến cảnh các em phải điều trị dài ngày (khoảng 1.5 tháng đối với một đợt điều trị, 6 đợt mỗi năm trong viện), mất đi cơ hội vui chơi, học tập như bạn bè cùng trang lứa, nhóm đã triển khai dự án “The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường”.

Nhóm sinh viên dạy trẻ mỹ thuật

Dự án này đượcbảo trợ bởiTrung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững Việt Nam (CSDS VN) - một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký hoạt động tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ. Thành viên dự án khoảng 20 người, là sinh viên đang theo học tại nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội, trưởng nhóm lúc đó là Nguyễn Minh Hằng.

Lý giải thêm về ý tưởng dự án, Bùi Thị Huyền - sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, khi đến khảo sát tại bệnh viện, gặp gỡ những hoàn cảnh trẻ em khuyết tật, nhóm chứng kiến sự thiệt thòi và cô đơn của các em, biết được không ít những câu chuyện bi thương, cảm động đằng sau từng hoàn cảnh nên quyết tâm theo đuổi dự án.

Những bức tranh đã hoàn thành

“Không phải dễ dàng để liên hệ thực hiện các hoạt động dạy học, vui chơi với các em trong bệnh viện. Sau khi nhận được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, nhóm tình nguyện thu dọn một khoảng hành lang làm địa điểm vui chơi, dạy học cho các em vì viện không có phòng trống”, Huyền nói.

Những hoạt động ban đầu của nhóm tình nguyện là dạy các bệnh nhi tập hát, tập vẽ và cùng chơi với các em. Song song với đó, nhóm còn tư vấn, khích lệ các bậc phụ huynh quan tâm và tin tưởng ở sự phát triển của chính con mình bởi không hiếm những phụ huynh cho rằng con mình bị khuyết tật là đã hết hy vọng.

Cách tiếp cận của nhóm là cung cấp các phương pháp học tập sáng tạo thông qua nghệ thuật, âm nhạc và các trò chơi với sự hỗ trợ của các giảng viên. Cứ đến chiều thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, các tình nguyện viên của dự án lại mang theo đồ chơi, bút màu, giấy vẽ đến bệnh viện.

Các em nhỏ tại đây được tập múa theo bài hát, tập tô màu và học cách thể hiện tình yêu thương với bố mẹ và các anh chị tình nguyện viên. Đồng thời, nhóm cũng khuyến khích các em chia sẻ, tự thể hiện những năng khiếu của bản thân mình.

Nhóm tình nguyện cũng đã thiết kế cẩm nang tập hợp các câu chuyện có thật về những bệnh nhân bại não, tự kỷ, chậm phát triển đã vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, rồi phát cho phụ huynh, giúp họ có niềm tin hơn về con cái của mình.

Để có thêm cơ sở khoa học, nhóm tình nguyện đã gõ cửa nhiều bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý, chuyên gia điều trị trẻ tự kỷ để tham vấn, hoàn thiện thêm phương pháp dạy trẻ, vui chơi với các em.

Những câu chuyện cảm động

Chỉ trong một thời gian ngắn, những hoạt động của các bạn tình nguyện viên tại đây đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Các tình nguyện viên cũng ghi nhận rất nhiều câu chuyện cảm động trong thời gian tiếp xúc, gặp gỡ với các em.

Như trường hợp của bé Hải Anh6 tuổi, khi em mới chào đời, biết em là con gái nên bố ruột đã bỏ mẹ con emđi lấy vợ khác với mong muốn tìm đứa con trai nối dõi. Khi bị bệnh hiểm nghèo, em mới vào viện và cực kì nhút nhát, luôn miệng khóc và đòi về nhà vì nhớ mẹ. Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với các tình nguyện viên, Hải Anh được học, được chơi cùng và bạo dạn hơn trông thấy. Hải Anh gắn bó nhiều hơn, có thể tự tin đứng lên ca hát trước đông người, thậm chí còn yêu cầu các anh chị tình nguyện viên thực hiện mong muốn của em.

Hoặc trường hợp em Nguyễn Đinh Thủy Nguyên (SN 2007), quê Nghệ An, bị khiếm thính bẩm sinh. Khi học mẫu giáo, Nguyên khép mình, không ai trong lớp chơi với em. Ở nhà, em cũng không bao giờ tự lấy đồ mà toàn nhờ ông, bà lấy hộ. Hơn nữa, Nguyên cũng không biết ngôn ngữ ký hiệu và tỏ ra không thích học. Em chỉ quan sát các anh chị dùng ký hiệu nhưng nhất định không làm theo.

Bé Nguyên và bà nội đang điều trị và có tiến triển đáng kể

Sau khi cùng học với các tình nguyện viên, Nguyên đã tự tin và cởi mở hơn với thế giới xung quanh. Nguyên có thể giao tiếp được với nhau thông qua kí hiệu, ông bà giao tiếp với Nguyên điều gì Nguyên đều hiểu ý và làm theo. Sự tiến triển đó là kì tích mà chưa bao giờ ông bà Nguyên nghĩ tới.

Hoặc trường hợp của bé Vũ bị liệt 1 tay và 1 chân. Khi bố em đang làm thuê việc chặt cây, cho em đi theo và em bị cành cây rơi trúng. Bất ngờ là bố em lại bỏ ra đi, không chăm sóc. Gia đình chủ nhà thấy thương em nên cưu mang, đưa em đi chạy chữa. Nhóm tình nguyện gặp em tại đây và nghe được câu chuyện, nhiều bạn đã khóc. Vào mỗi ngày thứ 3 và thứ 6, nhóm đến vui chơi cùng và cuộc sống của em vui lên trông thấy.

Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh tự kỉ, bại não đang điều trị tại các bệnh viện tại Hà Nội, nhất là những trẻ em từ nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm tình nguyện đem đến cho các em một không gian vui chơi thoải mái, chắp cánh cho những ước mơ của các em. Bởi trên thực tế, không ít trẻ em khuyết tật lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ trong tương lai nếu khả năng của các em được khơi dậy.

Trí Lâm

Ảnh: Trẻ em khuyết tật và gia đình được nhóm sinh viên tận tình hướng dẫn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm sinh viên mang ước mơ phi thường đến với trẻ chậm phát triển