Kết luận của cơ quan điều tra đã nêu lên những con số “khủng” với số tiền nhận hối lộ của quan chức lên tới cả tỉ đồng, thậm chí vài chục tỉ đồng.

Những con số khủng trong vụ ‘bay giải cứu’

Nhã Thanh | 07/04/2023, 13:00

Kết luận của cơ quan điều tra đã nêu lên những con số “khủng” với số tiền nhận hối lộ của quan chức lên tới cả tỉ đồng, thậm chí vài chục tỉ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hộ lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP.Hà Nội, các tỉnh thành...

Theo đó, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

chuyen-bay-5340.jpg
Một chuyến bay giải cứu - Ảnh: Internet

Tạm giữ 146 lượng vàng, 670.000 USD

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã tạm giữ 146 lượng vàng; 670.000 USD, 1 tỉ đồng tiền mặt...

Ngoài ra, quá trình điều tra, gia đình ông Nguyễn Quang Linh (nguyên Trợ lý Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh) đã nộp hơn 4,4 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

Ông Tô Anh Dũng (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã nộp 2 tỉ đồng tiền hưởng lợi bất chính; ông Vũ Hồng Nam (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã nộp lại 60.000 USD và 450 triệu đồng tiền đã nhận hối lộ.

Bị can Phạm Trung Kiên (nguyên thư ký, giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) đã liên hệ, trả lại hơn 12 tỉ đồng cho đại diện các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Gia đình bị can Chử Xuân Dũng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính…

Nguyên thư ký của Thứ trưởng Y tế nhận hối lộ hơn 42 tỉ đồng

Trong vụ án này, cơ quan điều tra kết luận tại Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) là các cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, khi giải quyết thủ tục cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước, các bị can cũng đã lợi dụng vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công đã cố ý tạo ra khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.

Trong đó, bị can Phạm Trung Kiên (nguyên thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) bị cáo buộc lợi dụng chức vụ được giao, đã nhận hối lộ hơn 180 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng từ các doanh nghiệp và khách lẻ.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Phạm Trung Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu, thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay và các cá nhân có liên quan với chi phí từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/chuyến, hoặc 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách. Với chuyến bay "combo" sẽ từ 7 - 15 triệu đồng/khách đối với khách lẻ.

Ngoài ra, bị can Phạm Trung Kiên còn cùng bị can Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn để doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, trả lời kịp thời văn bản và ngược lại.

Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 11.2021, bị can Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ hơn 180 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng từ các doanh nghiệp và khách lẻ. Trong đó, bị can nhiều lần nhận tiền ở trụ sở Bộ Y tế; hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Bích Ngọc (mẹ vợ Kiên).

bi-can-kien.jpg
Bị can Phạm Trung Kiên khi bị bắt - Ảnh: BCA

Tiền chạy án lên tới hàng triệu USD

Ngoài các nguyên lãnh đạo của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nguyên lãnh đạo cấp cao của Bộ Ngoại giao, vụ án “chuyến bay giải cứu” còn khiến các nguyên cán bộ công an vướng vòng lao lý.

Theo kết luận của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hành vi phạm tội của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng, các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích của công dân.

Chưa hết, cơ quan điều tra còn kết luận quá trình triển khai thực hiện đã có sự không rõ ràng về thẩm quyền, từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế "xin - cho" buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ…

Điển hình nhất, các bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (hai lãnh đạo của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky) đã gặp ông Nguyễn Anh Tuấn (lúc đó là Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội) để nhờ giúp đỡ.

Cụ thể, do sẵn có mối quan hệ với Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng Điều tra, Cục ANĐT) và với mục đích muốn giúp cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự nên ông Tuấn đã nhận lời làm trung gian, nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng; sau đó liên hệ, gặp gỡ, tác động, đưa tiền cho Hoàng Văn Hưng để “chạy án” cho 2 bị can.

Kết quả điều tra xác định, ông Tuấn đã nhận từ bà Hằng tổng cộng hơn 2,6 triệu USD. Ông Tuấn khai đã dùng cá nhân 400.000 USD, đưa cho Hoàng Văn Hưng tổng cộng hơn 2,2 triệu USD để “lo” cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định chỉ có đủ căn cứ kết luận ông Hưng đã nhận 800.000 USD (350.000 USD nhận vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11.2022; 450.000 USD nhận vào ngày 5.12.2022) từ bà Hằng thông qua ông Nguyễn Anh Tuấn để lo cho Hằng và Sơn.

CQĐT cho rằng chưa có đủ căn cứ kết luận ông Hưng đã nhận số tiền hơn 1,4 triệu USD còn lại.

Theo đó, hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn bị cơ quan điều tra xác định phạm vào tội “Môi giới hối lộ” với số tiền hơn 2,6 triệu USD. Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 1,8 triệu USD.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Loạt yêu cầu ‘trên trời’ buộc doanh nghiệp phải gặp mặt, thỏa thuận chi phí
Theo kết luận điều tra, những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn trong nước đã gây khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, khoa học công nghệ của cả nước
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Sáng nay 5.5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những con số khủng trong vụ ‘bay giải cứu’