Chiều 6.4, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1, nhiệm vụ công tác quý 2/2023.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, trong quý 1/2023, TP.HCM triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đã xóa 2 điểm đen, hiện nay còn 9 điểm đen và 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Cấm xe ô tô khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 giờ đến 22 giờ.
Tai nạn giao thông trong quý 1/2023 giảm trên 10% cả ba mặt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, đã xảy ra 396 vụ, làm chết 147 người và bị thương 251 người; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 121 vụ, giảm 28 người chết và giảm 84 người bị thương; không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Phó ban thường trực Ban ATGT TP.HCM Trần Quang Lâm kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm thiết lập an toàn giao thông.
Thứ nhất, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nghiên cứu, triển khai xây dựng hầm bộ hành hoặc cầu vượt bộ hành kết nối nhà để xe TCP và nhà ga quốc nội; sớm triển khai thu phí không dừng ETC đối với xe ô tô ra vào sân bay; hỗ trợ miễn/giảm phí ra vào đối với các tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá phục vụ khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Thứ hai, về vấn đề xử lý xe hợp đồng và du lịch tổ chức hoạt động tương tự như tuyến cố định (xe dù, bến cóc), Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm nâng cấp, xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Cần tổ chức triển khai áp dụng thống nhất toàn quốc đảm bảo việc liên thông toàn bộ dữ liệu với các địa phương và ngành liên quan; sớm ban hành hướng dẫn làm rõ các hành vi, tình huống về xác định nội dung vi phạm lặp đi lặp lại hằng ngày trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc)...
Thứ ba, xem xét bổ sung nội dung thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải đưa đón trả khách tương tự như tuyến cố định (tháng, quý, 6 tháng, năm) vào quy định đối với các đơn vị vận tải có hành vi vi phạm nhiều lần, đối với trường hợp tổ định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tải hành khách bằng xe ô tô để nâng công tác quản lý, xử phạt vi phạm.
Thứ tư, đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe, TP kiến nghị Bộ GTVT xem xét sửa đổi một số quy định nhằm phù hợp hơn với thực tiễn, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cần điều chỉnh hình thức đào tạo lái xe từ học tập trung bắt buộc sang việc áp dụng linh hoạt các hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn đối với các môn học lý thuyết, điều chỉnh thời lượng và nội dung các môn học (cả lý thuyết và thực hành) trong quá trình đào tạo, nâng cấp và hoàn thiện theo hướng tự động hóa; phát triển và tích hợp thêm các phần mềm quản lý khác (về xe tập lái, giáo viên, kế hoạch đào tạo...) nhằm đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước.