Đó là các di tích hoặc công trình kiến trúc mang dấu ấn về văn hóa, lịch sử của vùng đất được khái quát trong các logo của một số tỉnh như Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang…

Những địa danh du lịch nổi tiếng xuất hiện trên logo một số tỉnh miền Tây

thyhang | 21/09/2020, 12:07

Đó là các di tích hoặc công trình kiến trúc mang dấu ấn về văn hóa, lịch sử của vùng đất được khái quát trong các logo của một số tỉnh như Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang…

Vĩnh Long: Di tích Văn Thánh Miếu

Theo nội dung thuyết minh biểu trưng trên Cổng thông tin điện tử (CTTĐT), logo tỉnh Vĩnh Long thể hiện hình ảnh khái quát di tích Văn Thánh Miếu, mang thông điệp về vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Logo tỉnh Vĩnh long

Di tích này được được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn, sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ. Hai Văn Thánh Miếu khác nằm ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đất Gia Định xưa. Công trình được khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866 do Đốc học Nguyễn Thông khởi xướng, thờ Khổng Tử và các học trò của Ngài. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Công trình gồm cổng tam quan theo lối cổ lâu 3 tầng mái, điện Đại Thành, gác Văn Xương.

Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình cũng nhiều lần qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007 nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

Hàng cây sao hàng trăm tuổi tại khu di tích

Ở khu di tích này có cụm 26 cây sao cao vút chia thành 2 hàng dẫn vào điện Đại Thành ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Hàng cây này từng được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận cây di tích lịch sử - văn hóa. Theo các tư liệu, hàng cây này có cùng niên đại với di tích, tuổi đời hơn trăm năm. Trước cổng là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công.

Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giãn vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Vào dịp diễn ra lễ hội, Văn Thánh Miếu đón đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long tọa lạc tại làng Long Hồ, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Nam thành Vĩnh Long nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Đi du lịch Vĩnh Long muốn ghé thăm Văn Thánh Miếu, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, bạn theo đường Trần Phú chạy ven dòng sông Long Hồ, chỉ một đoạn ngắn khoảng 2km là đến nơi.

An Giang - Đền tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Theo lý giải trên CTTĐT của tỉnh An Giang, logo của tỉnh mang hình ảnh đền tưởng niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của quê hương An Giang.

Logo tỉnh An Giang

Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng có tổng diện tích hơn 3.000m2 tọa lạc tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bên dòng sông Hậu hiền hòa. Quần thể khu lưu niệm gồm ngôi nhà sàn cổ là nơi Bác Tôn sinh ra, sống suốt thời niên thiếu, đền tưởng niệm, nhà trưng bày... Năm 2012, nơi đây được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Khu tưởng niệm xây dựng 5.1997, hoàn thành 8.1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cạnh ngôi nhà cổ của gia đình Bác. Đền thờ kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý.

Đài tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngôi nhà cổ là nơi Chủ tịch đã sống thời thơ ấu, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng năm 1887, kiến trúc hình chữ "Quốc", khung cột sàn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m. Phía sau ngôi nhà này có 4 ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu và vợ chồng người em trai của Bác Tôn. Ngôi nhà này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích tháng 12.1989.

Tại đây, khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng như ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn, mô hình nhà sàn Bác Tôn tại An toàn khu (ATK), chuyên cơ Yak 40, ca nô Giải Phóng, tàu Giang Cảnh…

Kiên Giang - Cổng tam quan

Cổng Tam Quan từ lâu đã trở thành một biểu tượng của thành phố Rạch Giá nói riêng và của cả Kiên Giang nói chung.

Logo tỉnh Kiên Giang

Cổng Tam Quan này được xây dựng vào năm 1955 vào thời kỳ Pháp thuộc. Mục đích ban đầu xây dựng chiếc cổng này là tạo điểm son cho Rạch Giá và cũng là cổng thành khi vào trung tâm thành phố. Lúc ấy, cổng Tam Quan có vai trò là cổng làng khi đi vào Rạch Giá từ phía các huyện.

Ảnh tư liệu cổng Tam quan xưa

Cổng Tam Quan Rạch Giá được xây dựng theo phong cách truyền thống của Việt Nam, bao gồm 3 ô cửa (tam quan) hình vòm cung. Cổng tam quan mang ý nghĩa “3 cách nhìn” của Phật là “hữu quan”, không quan” và “trung quan”, thể hiện cái giả, cái vô thường và trung dung của cả hai.

Cổng Tam quan ngày nay, biểu tượng của Rạch Gía, Kiên Giang

Khác với cổng tam quan khác, chiếc cổng này có thiết kế 3 ô hình vòng cung mềm mại. Trên mỗi vòm cổng đều có 2 tầng mái. Và trên mái lại được trang trí những hình tượng mang ý nghĩa riêng.

Cổng tam quan có 3 lối đi và cửa giữa lớn hơn của hai bên. Trước đây, cổng Tam Quan Rạch giá có thiết kế đậm chất truyền thống với hai câu đối đắp hai bên và phần trán cửa có ghi tên “Châu Thành Rạch Giá” không dấu.

Cần Thơ – Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ

Trên logo TP Cần Thơ có hình ảnh khái quát nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được cách điệu đơn giản, cô đọng.

Logo tỉnh Cần Thơ

Chợ có diện tích 1.723m2 hình chữ nhật, mặt trước chợ nhìn thẳng ra chợ đêm ngày nay và mặt sau hướng ra dòng sông Hậu rộng mênh mông. Đây được xem là ngôi chợ có kiến trúc đẹp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chợ cổ Cần Thơ vào thế kỷ trước

Nhà lồng chợ Cần Thơ (mà người dân quen gọi là Chợ cổ Cần Thơ) ngày trước có tên là chợ Hàng Dương hay “chợ lục tỉnh”, nằm trên đường Hai Bà Trưng, cạnh bến Ninh Kiều. Chợ được xây dựng khoảng năm 1915 cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (TP. Hồ Chí Minh). Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, đây là nơi tập kết, buôn bán hàng hóa của khu vực Nam Kỳ lục tỉnh, gắn liền với nếp sinh hoạt xưa của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Khu chợ ngày nay là địa điểm du lịch

Hiện Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được trùng tu gần như nguyên trạng lúc mới xây với trần cong xương cá, mái ngói lợp kiểu âm dương, có không gian thoáng mát, cổ kính, hài hòa, mang đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, đáp ứng nhu cầu giao thương mua bán, vừa giữ được bản sắc văn hóa cổ đồng bằng gây ấn tượng đẹp, sâu sắc với du khách gần xa bởi nét kiến trúc hài hòa, vừa hiện đại, vừa cổ kính, nên thơ.

Chợ là biểu tượng, điểm nhấn du lịch và là một trong những điểm phải đến khi đến Cần Thơ.

Chợ có cửa hàng mini bán quà lưu niệm đặc trưng miền Tây như: nón lá, vật dụng bằng dừa, bằng gỗ, áo bà ba, và nhiều mặt hàng thời trang, mỹ nghệ truyền thống khác. Phía trong chợ còn có nhà hàng Sao Hôm với không gian lãng mạn chuyên phục vụ các du khách nước ngoài với món Việt, Á và Âu đặc trưng.

Minh An - Ảnh: TL/Internet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những địa danh du lịch nổi tiếng xuất hiện trên logo một số tỉnh miền Tây