Có lúc như cùng với người yêu cùng bay trong mộng. Từ trong mộng thuyền bay, sợ chóng mặt lại kêu “thả neo, cắm thuyền lại”. Chưa bao giờ tôi cầm một bàn tay đẹp nào mà tôi đã cứ tưởng tượng mình có người yêu tên là Vân, rồi thương rồi nhớ!

Những mối tình của Lưu Trọng Lư (kỳ 2): Mây bốn phương trời

Một Thế Giới | 14/09/2015, 10:00

Có lúc như cùng với người yêu cùng bay trong mộng. Từ trong mộng thuyền bay, sợ chóng mặt lại kêu “thả neo, cắm thuyền lại”. Chưa bao giờ tôi cầm một bàn tay đẹp nào mà tôi đã cứ tưởng tượng mình có người yêu tên là Vân, rồi thương rồi nhớ!

Ngày tôi trở về quê, càng đến gần, tôi càng buồn mà hình như Loan cũng có một cái buồn nén đi. Loan hẹn ra tiễn tôi ở ga Hà Nội, lúc ấy tàu tốc hành Hà Nội - Sài Gòn mở máy vào giờ hoàng hôn. Tôi đưa mắt trông mãi, không thấy bóng Loan. Tôi đang thất vọng khi không phải Loan mà Hoan, người bạn gái thân của Loan đến. Hoan cho biết Loan không đến được và ngỏ ý với tôi là Hoan sẽ cùng đi với tôi đến Huế. Hoan vào tìm Thuần, người yêu của Hoan. Hoan cho biết buộc phải bỏ nhà ra đi vì gia đình bắt ép Hoan lấy một người công chức mà Hoan không quen... 
Đồ đạc quần áo, Hoan mang theo chỉ gồm một “cặp” nhỏ, tiền bạc không có bao nhiêu. Tôi hỏi Hoan có nên đánh điện vào Huế cho Thuần không? Hoan rưng rưng nước mắt, không đáp. Tôi bảo quê tôi ở Quảng Bình, tôi phải xuống ga Ngân Sơn. Đến ga này, chẳng nói chẳng rằng Hoan cứ lẳng lặng xuống theo tôi. Anh chị tôi ở bên sông. Một chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi qua sông. Nước sông phẳng lặng lạ lùng. Không chút sóng gợn. Mặt trời xuống nhanh sau núi... Hoan nhìn tôi hỏi một câu bằng tiếng Pháp:

- Tôi yêu hoàng hôn. Anh có yêu không?

Tôi sửng sốt, cúi đầu không đáp... Về nhà anh chị, tôi ở lại một hôm, tôi xin thêm tiền... rồi lại lên tàu, đưa Hoan vào Huế, tôi thuê cho Hoan một cái phòng nhỏ và xin được về nhà bạn nghỉ... Hoan khóc bảo đất lạ, tôi vất Hoan một mình ở một nhà hàng hay sao? Tôi buộc ở lại... Đêm, kê ghế nằm nghỉ không sao ngủ được. Hoan cả đêm cũng không ngủ.

Sáng hôm sau, tôi ngồi viết mấy dòng cho Loan ở Hà Nội kể hết sự việc xảy ra... Và tất nhiên tôi chân thành... nói nỗi lòng thương nhớ Loan, đồng thời lại có ý trách Loan vô tình không ra ga tiễn tôi! Viết xong bỏ vào phong bì không dán, tôi nói với Hoan: Viết thêm mấy chữ cho Loan đi!

Hoan có viết thêm gì không, tôi không rõ. Ý tôi chỉ mong Hoan đọc được những lời tôi viết cho Loan, rõ được tấm lòng chung thủy của tôi đối với Loan, có ý nhắc Hoan không nên đi quá giới hạn...

Nhớ câu hỏi: “Em yêu hoàng hôn, anh có yêu không?”. Tôi vừa ngượng vừa giận. Lúc nào Hoan nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi rất lúng túng... Một tối, Hoan đòi tôi dẫn đi chơi núi. Tôi từ chối. Hoan mỉa tôi: Nhà thơ gì, không yêu trăng? Cuối cùng rồi tôi cũng phải dẫn Hoan đi. Khi lên dốc, Hoan ho, có khi ngồi xuống không bước tiếp được, tôi buộc đưa tay đỡ Hoan đi. Những ngày ở Huế, tôi mong Thuần ở Quảng Trị đến gặp Hoan, nhưng vẫn không thấy bóng Thuần, tôi buộc phải dẫn Hoan ra Quảng Trị tìm cho được Thuần. Ông Phủ thần sinh ra Thuần tiếp chúng tôi quá lạnh nhạt. Thuần sợ bố, cũng không dám nhận Hoan là người yêu của mình. 
Hôm chúng tôi trở về Huế, Thuần tránh mặt. Nhưng Bình, anh của Thuần, đã dám trốn nhà đi theo chúng tôi. Bình là con vợ bé của ông Phủ nên không được bố đối xử như Thuần. Anh bất chấp thái độ của ông bố và của Thuần. Bình cũng là bạn của tôi, rất bất bình về thái độ của em mình, khi trốn theo chúng tôi vào Huế trong túi anh không có một đồng xu... Bình nói với Hoan: “Bố tôi không từ tôi, thì tôi cũng bỏ nhà”. Cũng may, ở Huế chúng tôi có một người bạn mở hiệu sách “Thắng Thiên” nhận Hoan và Bình làm công cho mình, thế là tôi được “thoát thân” để trở về quê với các anh chị tôi. 
Trong hai tháng hè, mỗi tuần tôi viết cho Loan một thư, có kèm địa chỉ cho Loan trả lời. Nhưng tuyệt nhiên tôi không được một dòng nào từ Hà Nội. Ở nông thôn vắng vẻ nên lòng càng suy nghĩ lan man, không hiểu chuyện gì đã xảy đến cho Loan. Hết hè, tôi trở ra Hà Nội. Trong thư viện bà giáo Pháp, đã đành không thấy Loan... mà mỗi lần đi qua nhà Loan vẫn không thấy bóng Loan ra vào. Có lúc đứng thần người một góc phố. Viết thư này, tiếp thư khác vẫn không chút hồi ầm. Tôi nhớ có lần Loan đã nói với tôi là Loan có một người bạn học Luật, người miền Trung, thường đến nhà chơi. Có lần tôi hỏi một cầu hỏi vu vơ: “Bao giờ thì xác pháo đỏ trước nhà”. Loan cười...

Đến bây giờ thì một bức màn bí ẩn như trùm lên tôi từ đầu đến chân. Tôi không hiểu ra sao cả! Có hôm, tôi ngồi ở một quán nước cách nhà Loan độ mấy nhà, tôi hỏi ngươi chủ quán: Hè này, phố bà được nghe mấy lần pháo nổ? Vô duyên! Tôi làm sao mà có thể dám mở miệng hỏi một câu vu vơ như thế?

Loan có một người bạn gái ở đường Sinh Từ tên là Hạnh. Tôi đến thăm Hạnh. Hạnh thấy tôi, cười hỏi: “Anh giấu Hoan đâu rồi?”. Trời sụp! Tôi lúng túng không biết đáp thế nào... Nhưng câu hỏi của Hạnh cho tôi sức mạnh để hỏi thẳng điều mình muốn biết. Hạnh, cô gái nhanh nhảu ấy như đọc hết cả lòng tôi, đã mở miệng trước tôi: “Chim mới ra ràng, có người bắt mất rồi!”. Thấy tôi hoang mang, Hạnh đẩy thêm: “Loan vốn chúa ghét chuyện lăng nhăng”. Thương hại tôi, Hạnh nói thêm: “Ông cụ Loan hai vợ. Loan từng than rằng: nhà mình chẳng được một ngày yên ổn hạnh phúc!”.

Câu chuyện đến thế đủ cho tôi hiểu cả rồi, không cần đi sau thêm nữa. Mỗi ngày một cái bánh mỳ, tối lại ngồi ở thư viện Trung ương, từ trưa cho đến 9 giờ tối... Về đến nhà, giở cái thư độc nhất ra đọc. Cứ thế, cho đến lúc cái thư nát bẩn.

Có lúc tôi khóc, có lúc tôi như điên lên được. Cuối cùng tôi bấm vào thịt da mình, kiểm tra lời ăn tiếng nói của mình: quả mình vẫn sáng suốt mà trái lại, tại sao cứ tưởng tượng như nàng đã tự ý đi vào một nhà điên hay một nhà tù! Suốt ngày tay nàng nắm những song sắt, và qua song sắt nhìn ra ngoài... tìm ai...

Không phải hôm nay tôi mới làm thơ, mà từ buổi mười lăm, mười bảy tôi đã sáng tạo nên cả một chùm thơ mộng:

Xin rước cô em bước xuống thuyển

Thuyền tôi sắp trẩy chốn thần tiên.

Có lúc như cùng với người yêu cùng bay trong mộng. Từ trong mộng thuyền bay, sợ chóng mặt lại kêu “thả neo, cắm thuyền lại”. Chưa bao giờ tôi cầm một bàn tay đẹp nào mà tôi đã cứ tưởng tượng mình có người yêu tên là Vân, rồi thương rồi nhớ!

Nhìn đám mày chiều lại nhớ Vân.

Hoặc khi ngồi trên bãi biển, trên cát lấy tay viết một chữ “Vân” - chờ cho sóng biển tràn vào, xóa đi tên yêu, để rổi ngồi thương khóc!

Có những gặp gỡ và chia li trong mộng rồi đến khi tỉnh mộng:

Ta mơ trong đời hay trong mộng

Vùng cúc bên ngoài động dưới sương.

Đó là vùng cúc động dưới sương và đây là nỗi đau của ta liền da thịt, nỗi đau của ta không phải là của ai khác:

Ta dí ngón tay vào mảnh kính,

Giật mình quên hết cả đau thương.

Sự tác động trở lại quá bất ngờ, nỗi đau của tôi áp vào mảnh kính - như một viên thuốc thần, làm cho nỗi đau chợt tan sạch.

Cái “sốc” kỳ diệu đầu tiên đó, tôi gọi là tình đầu. Một thứ tình đối với tôi, nửa mơ nửa thật. Một thứ tình không chăn không gối, chẳng hẹn bể thề non mà vẫn gọi là: Trăm năm chẳng bạc đầu.

Cái chuyện có thật đó sao thoáng qua như một giấc mơ. Và đâu phải chỉ một lần mà tôi gọi là “tình đầu”. Hà Nội - Huế rồi Huế - Hà Nội, tôi coi như “môi trường” của cuộc đời mơ mộng của tôi. Huế... trên hai bờ sông Hương phượng vĩ đỏ chưa tàn... và tiếng ve rắng rỏi suốt mùa. Bến đò Thừa Phủ phất phơ những màu áo tím nữ sinh trong những sớm, những chiều... Một lần từ bên nội thành, tôi qua đò, rồi thẳng đến ga xe lửa. Tàu tốc hành từ Sài Gòn ra đến Huế vào buổi sáng. Tôi sắp bước lên tàu, thì gặp Miên... một người bạn quen nhau giữa Hà Nội, nói thân cũng được mà nói sơ cũng chả sai, nhưng ít nhiều có cảm tình với nhau. Miên đưa một cô em gái lên tàu tốc hành đi Hà Nội. Miên nói với em: “Nhà thơ đấy! Thế là Cúc có người cùng đi Hà Nội rồi nhé”. Miên quay lại nói với tôi: “Dọc đường giúp em một chút”, một giọng thân tình quá! Chúng tôi cùng lên tàu và ngồi bên nhau, cạnh một cửa tàu.

Cúc có tiếng nói Huế đài các, có đôi mắt buồn, đồng thời là một vị thiên thần có má lúm đồng tiền. Suốt đường dài chúng tôi chẳng có gì mà nói với nhau nhiều, chỉ biết nhìn nhau thôi.

Khi đến Hà Nội, tôi thấy trên mặt Cúc đượm một chút lo... Tôi hỏi: Cô về đâu, Cúc đáp: 18 Phạm Phú Thứ...

-        Ở phía nào?

-        Em chưa biết ở mồ hết. Lần này lần đầu tiên em ra Hà Nội.

Cúc sợ muốn khóc lên, một cô bé mà! Tôi nói với mình: Thôi tôi sẽ đưa cô đến tận nơi phố Phạm Phú Thứ.

Có ngờ đâu cái tên ấy đã thành chữ tên khắc vào lòng tôi suốt một mùa đông. Tôi đưa Cúc lên tận gác, nơi có những người chị, người bạn của Cúc đang ở. Rồi tôi chia tay với Cúc. Khi vừa xuống gác, ra đến đường thì gặp Phạm Hầu, người bạn nhỏ của tôi lúc bấy giờ đang học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Tôi hỏi: Chú ở đâu?

Hầu chỉ lên một cái gác. Tôi theo Hầu lên gác ấy. Tôi mở cánh cửa sổ, thì ra bên kia là phòng của Cúc. Tôi giật mình. Tôi nói với Hầu: “Mình sẽ ở luôn với cậu được không?”. Hầu đáp: “Có chi mà không được! Ở đây, anh cùng ăn cơm tháng với em”.

Tôi đặt va li của tôi cạnh va li của Hầu, và cẩn thận đóng lại cánh cửa mà tôi vừa mở.

Ai chọn cho tôi cái cửa sổ này nhỉ? Tôi không thể nào tin chính là tôi.

Thế là từ đấy, tôi cùng ở một phòng với Hầu, con người mà sau này tôi gọi là “con nai nhỏ” của tôi... Hầu chỉ biết vẽ, đọc sách và đôi khi làm thơ rụt rè: thơ cũng như người. Rồi chẳng bao lâu, Hầu như xoá mình đi hẳn, tôi trở nên người chủ của căn phòng này. Cúc học ở trường Thăng Long, cùng học với Cúc có chị Hoạt sau này là phu nhân của một vị Đại sứ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Liên bang Xô Viết, có chị Thân Trọng Quế cũng người Huế và là vợ của một bác sỹ y khoa.

Rõ ràng, Cúc đã biết tôi ở bên phòng này bởi lần đầu, khi tôi mở cửa ra thì đã thấy cửa bên kia rõ ràng là Cúc, cô em nhỏ trên tàu, và bên này cửa rõ ràng cũng là tôi, người anh “dẫn đường” nàng, trong gần một ngày... Cặp mắt Cúc mở to, nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười.

Lúc ấy, sau này, thật lạ lùng là mỗi lần khi tôi bất thần mở cửa sổ, y rằng tôi lại thấy Cúc: khi thì đang ngồi đọc sách ôn bài, khi thì đang rứt một cánh hoa trên bàn. Có khi Cúc chẳng làm gì, ngồi suy tư hay mơ mộng. Lại có khi ở trường về, tôi chợt nghe một tiếng ho nhẹ. Tôi nhẹ nhàng mở hé một cánh cửa. Không phải chúng tôi chào nhau mà nhìn nhau một lát, rồi cúi đầu, e thẹn. Thường thì Cúc không để cho cái phút nhìn nhau đó được kéo dài. Cúc vụt đứng lên, rời cửa sổ kèm thêm một tiếng thở dài có vẻ như bực dọc. Tôi nhớ có lần, khi tôi mở cửa sổ, Cúc không ngước lên nhìn tôi, rồi cứ thế, cho đến lúc cánh cửa sổ như tự nó lại khép lại. Dầu tôi có viết đoạn “tình sử” này đến một vài trăm trang, thì cũng bấy nhiêu việc lặp đi lặp lại... Cũng chả có điều gì khác: Cửa sổ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở. Thế mà cái nhìn, cái trông, cái đợi đã thấm vào ruột gan từ ngày nào rồi. Một mùa đông đã trôi qua. Làm sao tôi nhớ được biết bao lần Cúc đã vào trong giấc mơ của tôi. Nhớ sao hết được những tiếng ho. Ấy thế mà lại kêu gào lên như giữa một ngàn trùng xa cách:

Em là dải Ngân Hà

Anh là chim Ô Thước

Sẽ bắc cầu nguỵện ước

Một đêm một lần qua

Cái gì đã xảy ra vậy? Với cũng chẳng muốn với tới, lui cũng chẳng thể lui cho. Và qua mấy mùa đông, từ hai đầu dây cũng chỉ còn một kết luận:

                                      Em chỉ là người em gái thôi!

Người em sâu mộng của muôn đời

Tình em như tuyết giăng đầu núi

Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời!

Cúc lại mỗi sáng cắp sách tới trường, ở trường về, ném qua tôi một cái nhìn đầy sóng gió, có phần như trách giận tôi nhiều lắm. Tất cả tội lỗi đổ cho tôi hết. Tôi lấy gương nhỏ soi mặt nhìn đôi mắt mình... Vẫn mình đó, hiền khô. Nếu Phạm Hầu là con nai nhỏ của tôi, thì bây giờ tôi cũng chỉ là con nai lớn của Phạm Hầu. Tôi nhớ tấm ảnh 17 tuổi của tôi chụp ở Khải Xương... sao mà vô tội đến thế. Tôi mà làm nên tội cho ai được? Tôi làm bài thơ Một mùa đông chuyện người trong mộng ảo rồi cuối cùng có nỗi đau thật, có giọt nước mắt thật, nước mắt người!
Ky 2: May bon phuong troi-hinh-anh-1
 

Quả nỗi buồn đã đến, và có phải, cái buồn đã dẫn tới cái giận? Dẫu sao tôi cũng đã tìm lời biện hộ cho mình:

Ai bảo em là giai nhân

Cho đời anh đau khổ?

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

Cho vướng víu nợ thi nhân

Lý lẽ đến buồn cười! Làm giai nhân là một cái tội ư? Lý lẽ còn buồn cười hơn nữa, ngồi bên cửa sổ cũng có thể là một cái tội? Nếu cửa sổ tôi không mở thì đâu có chuyện thi nhân! Trong Chartreuse de Parmesau này tôi có đọc, tôi thấy giữa cửa sổ, qua vách có đục, có khoét và có giăng dây giữa anh chàng và chị chàng, nếu có tội, thì tự ý hai người đã làm nên tội. Còn tình yêu ở đây, có cơ sở lý luận riêng của mình.

Khi tôi viết:

Anh sẽ theo cánh gió chơi vơi

hoặc:

Anh là mây bốn phương trời.

Thì tôi không phải là mây gió giữa trời nên cuối cùng, đành lấy tuyết trong mà phủ cho người em gái! Đó là tất cả nguyện ước thật sự của người ghé chân bên cửa sổ một chiều đông. Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Đời đẻ ra mộng và mộng lại dệt nên đời. Thái Can vừa là một bác sỹ y khoa vừa là một bạn thơ của tôi. Can cũng là bạn của bác sỹ Cẩm Chương chồng chị Thân Trọng Quế. Có phải là do hai anh bàn với nhau hay chỉ là một sự ngẫu nhiên nên có một cuộc đi chơi ở chùa Thầy để rồi kết thúc lạnh lùng một câu chuyện cũng được gọi là một câu chuyện tình. 
Khi ấy đến giờ đã hẹn, chúng tôi tập trung ở chùa Thầy. Từng cặp, từng cặp xuống hang. Tôi thấy Cúc chả đi với ai. Tôi cũng không biết theo ai. Rồi tôi cũng ngẩn ngơ đi bên Cúc. Đường xuống hang, trên từng mô đá gập ghềnh mà chúng tôi tưởng như đạp trên mây; tránh mọi sự đụng chạm vào nhau. Đến trưa chúng tôi mới trở về sân chùa. Chúng tôi trải giấy nhật trình, bày bữa ăn trưa. Có ít gà quay và vài chai rượu vang Pháp. Thấy tôi uống, Cúc cũng bắt chước đưa cốc rượu chạm vào môi. Người em gái tuyệt vời khi trên đôi môi nhuốm màu nho tươi và hồng đôi má, rồi để rơi trên trán vài sợi tóc cô đơn vô tình tạo thành một hình tượng nghệ thuật khó phai. Cúc nhìn tôi với nước mắt khẽ rơi, có phải một cơn gió giận đã gieo những giọt lệ vào trong khoé mắt nàng? Cuối cùng từ trong lòng như có một lời cảnh báo:

Anh muốn van em đừng uống nữa

Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay

Tôi có cảm giác như bị dồn ép vào một tình cảm nghẹt thở. Năm 1973, 1974 gì đó, Cúc ở Paris về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Điềm Phùng Thị, bỏ cả nghề y (bà là một bác sỹ nha khoa) trở nên một nhà điêu khắc nổi tiếng... Trong bài tựa một cuốn sách nhỏ, bà đã nói nguồn gốc nghệ thuật của bà. Bà kể lại như một đứa trẻ: “Tôi thăm một người bạn, thấy đất ướt, bạ đâu tôi vất đấy. Thờ ơ tôi vất đất xuống bộc cửa sổ, đất lấy hình, đất thành cái này, cái nọ, con này, con nọ... 
Những bài thơ thủa nhỏ của tôi, nói cho cùng, cũng thế thôi: Một chút hồn mộng vất chỗ này một chút, vát chỗ kia một chút, nó thành hình gì thì nó là cái ấy. Hôm ấy, Hội nhà văn mở tiệc mừng các trí thức, nghệ sỹ ở nước ngoài về, trong đó có bà Điềm Phùng Thị và họa sỹ Mai Trung Thứ là người đã say vẽ một bức chân dung lúc 17 tuổi của Mừng - nhân vật chính của cuốn Hồi tưởng tình yêu này của tôi. Bức chân dung ấy theo kháng chiến đã tan nát đâu rồi bên những đèo suối nào? Còn Điềm Phùng Thị tức Cúc là đối tượng của một bài thơ của tôi.

Hôm ấy Nguyễn Tuân dắt Cúc lại ngồi một bàn với tôi và vợ tôi là Mừng. Tuần cười xì xì: “Đây rồi, đối mặt ngâm gì thì ngâm đi!”. Tất cả chúng tôi cùng cười với nhau vui vẻ, tưởng như cuộc sống, chẳng có điều gì xảy ra, có khi thật mà như đùa vậy.

Trong đời, có được một câu thơ nào, hình như đều do cuộc đời gợi ý cho. Tuy vậy, cũng có những bài thơ đôi khi một mình ngẫm lại vẫn không biết từ đâu tới.

Với bài thơ: Khi thu rụng lá, nào có biết mình nhớ ai, mình thương, mình mong, mình đợi ai? Có thể người chẳng bao giờ gặp, có thể người đã đi qua như một cái bóng nghiêng nghiêng không nhìn rõ. Cũng có thể lướt qua, rồi mất hẳn... Bài thơ này không phải là một bài thơ hay của tôi, và chẳng có vẻ gì sáng tạo rõ nét. Nhưng sao tôi yêu đến thế, khi chỉ một mình, tôi thường ngâm:

Cười chim cợt gió nào ai biết

Chua chát lòng anh biết mấy tình

Từ trong man mát hư không mà bị chích, bị châm, bị xé, lấy cái đau xót làm cái đau xót của mình, như một tín đồ lấy đó làm hạnh phúc trời cho, được triền miên sống trong hạnh phúc yêu thương mãi mãi.

Ngày tháng anh mong chầm chậm lại!

Hững hờ em mặc tháng ngày qua...

Yêu thuần chất, mộng thuần chất, đẻ ra thơ thuần chất... Sẽ đẩy lui những ý xấu, đắp thêm mộng đẹp cho tâm hồn.

Trong thơ có thu lạnh, có hè ấm để rồi chờ cho đông đến, một cách đột ngột cướp đi cái bóng yêu vất trả cho nhà chồng...

Mùa đông đến ở bên sông

Vội vã cô em đi lấy chồng...

Em có biết chăng? Ngày hạ thắm!

Tình anh lưu luyến một bên lòng?

Tuổi thơ của tôi thật là tuổi mộng - đến lúc xin giơ tay cao: Chào bạn nhé! Vĩnh biệt chào bạn thì anh bạn nhỏ ơi, tình duyên đâu còn là chuyện đùa bỡn được, nếu khi trong cuộc đời mình một con người thật đã đến, trên mái tóc thật sự chia sẻ với mình từng nỗi đắng cay.

Sau khi rời nơi có hai khung cửa sổ đầy kỷ niệm, tôi về ở với hai người bạn mới là Thái Can và Lê Trọng Huyến ở phố Ngọc Hà, Hà Nội. Lê Trọng Huyến, em nhà học giả Lê Thương, học đâu nhớ đấy, “nói tiếng tây như gió”, nhưng mấy lần đi thi “Bắc một” không thấy khoe đỗ. Huyến là một người lạc quan lạ lùng, lúc nào cũng đùa giỡn, và muối cà Nghệ rất ngon. Giữa một ngày hè Hà Nội, Huyến nói cho tôi biết một “cô gái Huế” sắp đến thăm tôi... Cũng không hiểu sao, Huyến lại bảo cô ấy được coi là cô gái Huế? Và cũng không hiểu sao Huyến dám quyết đoán là khách của tôi.

Người con gái đó là Thanh Thủy, mặc một áo dài trắng và che một cái ô màu. Thanh Thủy quê ở Hội An, một lần ra Huế, có gặp tôi, cùng với vài người bạn, chúng tôi đã đi chơi hồ Tịnh Tâm. Đi chơi một vòng quanh hồ, nghe tiếng chim trên đầu, hai người không nói với nhau một lời. Lúc chia tay, Tài (tên thật của người con gái) hỏi tôi: Sao anh làm thơ nói chuyện đâu đâu, lại ký tên “Thanh Thủy”, lại dám đăng báo? Tôi cười không biết thế nào mà trả lời... 
Tài cũng cười một cách độ lượng, Thanh Thủy củng hỏi tôi có trở ra Hà Nội không. Tôi bảo là có. Tôi gửi địa chỉ. Quả, Tài ra Hà Nội thật và tìm đến tôi. Tài có người anh ở Hà Nội, và Tài ra Hà Nội lần này để quảng cáo cho dầu “Thanh Thủy” của mình. Nguyên có người quen cũng đã tìm hiểu cách chế tinh dầu tràm, Tài cũng hùn vốn sản xuất dầu và tung ra thị trường. Tôi cũng chẳng hiểu gì lắm về sự kinh doanh của Tài. Chỉ biết hôm đi hội chợ ở Đấu Xảo (nay là cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô) chúng tôi cùng đi bên nhau. Bọn trai Hà Nội tung “xéc-păng-tanh”(b) lên đầu Tài. Tài chỉ nhìn mọi người một cách độ lượng. Khi Tài ở Hà Nội, ngày nào chúng tôi cũng đi chơi với nhau. Có lần, tôi đưa cho Tài xem mấy bài thơ mới làm của tôi. Tài đọc một cách thích thú. Lúc chia tay, chúng tôi cũng chẳng gửi trao một điều gì cụ thể. Tôi bảo, Tết này, tôi về ăn Tết ở làng. Và tôi lại gửi lại nàng cái địa chỉ của tôi.
Tết tôi về làng. Lệ làng tôi sáng mồng một Tết có lễ “cướp cù”. Làng chia ra hai giáp. Giáp trên cướp về phía trên. Giáp dưới cướp về phía dưới. Tôi không hiểu động lực gì làm cho người làng say mê hăng hái đến thế? Có thể nói hàng trăm, hàng trăm người, già có trẻ có, lao vào tranh nhau một hòn cù to bằng gốc chuối sứ. Nếu có những thanh niên nào, mặc áo sạch sẽ đứng ngoài xem, tức thì có những ông già và những cô gái trẻ ném bùn vào áo mới của người thanh niên đó buộc họ nhảy vào cuộc... 
Có người dũng cảm bám theo hòn cù, lưng thịt bị nát nhừ, có khi bị đứt tóc, rách mặt mà vẫn ôm níu lấy cù. Là con quan, thư sinh, tôi cũng không thể đứng ngoài nhìn. Tôi đã xông vào, đến lúc chiều tối, “thanh la” đã xổ ba hồi, báo kết quả được thua, thì mọi người mới ra về... Tôi cũng như mọi người, mặt mũi bết bùn, áo quần rách nát. Tôi nằm chết một nơi trên ổ rơm, không nói được, không đi được, không thở được. Bỗng em gái tôi chạy lại, một tay cầm một phong thư, một tay lấy nước xối vào mặt tôi cho tỉnh rồi nói: “Thư anh đây”. Tôi xé phong bì, chao ôi, Thanh Thủy - tóc búi, áo hoa, một kiểu ngồi gần Sài Gòn hơn Huế... càng xa Bắc. Người còn dính bùn, tôi trố mắt nhìn ảnh nàng rồi tôi ôm vào ngực!

Sau ảnh, kèm mấy chữ: “Chưa đi đâu, mời anh vào nhà chơi một chuyến. Nhà số 4, đường Nhật Bản, Faifoo”.

Vâng! Một tấm ảnh, chưa hẳn là một người thật, nhưng không còn là ảo mộng! Mùa hè, tôi đi vào Faifoo của Tài, gia đình Tài vui vẻ, chân thành tiếp đón tôi. Lần đầu tôi gặp người anh cả của Tài - một “trợ giáo” có tên trong “sổ đen” đang bị mật thám theo dõi. Và tôi được gặp người chị gái của Tài là dâu cụ Nguyễn Hiệu, một lãnh tụ của phong trào Cần Vương, một nhà khoa bảng lớn, đã bị Pháp mang chém ở An Hòa. Tài có một người bạn tên là Hạnh - một người con gái rất vui, xinh, cười nhiều hơn nói... Faifoo là một thị xã cổ kính đầy màu sắc Á đông... Thế rồi tại cái thương cảng cổ xưa ấy tôi và Tài quyết định sống với nhau... Nhà gái yêu cầu điều kiện thủ tục gì tôi cũng chấp nhận. 
Trong đám cưới, tôi cũng chịu mặc áo gấm, đội khăn xếp và lạy bao nhiêu lạy trước ông bà tổ tiên. Cưới được ít lâu, chúng tôi về Quảng Bình. Chúng tôi có một ngôi nhà nhỏ ở bên sông Gianh, sớm leo núi, chiều bơi thuyền. Những lúc rảnh, tôi viết. Trong bài Túp lều cỏ tôi khoe rằng tôi giàu hơn ông Thạch Sùng ngày xưa. Sự sáng tác từ đây cực kỳ phong phú. Tôi làm thơ, tôi viết tiểu thuyết, viết cả lý luận. Ở núi Ngân Sơn quá hẻo lánh, sống thanh đạm, khi tiền vốn cạn dần, chúng tôi dọn vào Huế, để mở rộng xã giao hơn, và để tìm đường sinh sống. Tôi gặp lại Hoài Thanh lúc ấy đang ở Huế làm một công việc rất khiêm tốn: sửa “mo-rát” cho nhà in Đắc Lập, một nhà in ở Huế. Ông Cao Xuân Huy, con cụ Cao Xuân Dục, một trung thần triều đình, chính là giám đốc nhà in này. Những tiểu thuyết và thơ tôi đã viết ở núi Ngân Sơn tôi đưa cho Hoài Thanh xem. Không ngờ truyện Người sơn nhân lại gây một ấn tượng mạnh ở Hoài Thanh. Hoài Thanh liền trao cho Cao Xuân Huy, một người vốn tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đồng thời là người đang say Trang-Lão. Ông Huy viết một bức thư cho Hoài Thanh khẳng định đây là một sự sáng tạo mãnh liệt, lấy tư cách giám đốc, ông Huy sẽ đứng ra bảo lãnh cho quyển sách được in chịu ở nhà in Đắc Lập. Thế là Ngàn Sơn tùng thư ra đời và Người sơn nhàn được xuất bản. Cả thơ lẫn truyện ngắn của tôi được tập hợp in sách đều do Hoài Thanh giới thiệu. Tập truyện ngắn đã được nhiều báo Tây, ta, lúc bấy giờ hết sức chú ý, nhất là bài phê bình của cụ Phan Khôi đã đưa cuốn truyện của tôi lên tận mây xanh! Ông Phan Khôi cho rằng văn đoàn đến nay chưa có một tác phẩm nào có giá trị sáng tạo như thế! Được những lời khen tôi đâm ra hoang mang. Nhưng từ đấy, tôi cảm thấy con đường văn chương đã rộng mở trước mắt tôi. Cùng lúc ấy những bài “thơ mới” của tôi cũng đã bước đầu làm xôn xao dư luận. Một hôm anh bạn Bửu Tuất hiện đang cộng tác với một hãng tiết kiệm lớn của Pháp, ngỏ lời mời gia đình tôi ra Hà Nội, nơi có một môi trường hoạt động lớn rộng hơn. Như con chim lông cánh chưa đầy đủ, vừa mới ra ràng chúng tôi đã dám vỗ cánh bay một mạch ra khỏi tổ ấm.

Ngân Sơn tùng thư chết yểu nhưng tiếng tăm của tôi xa gần có người biết tới. Rời Huế chúng tôi kéo cả một tổ ấm treo vào Hà Nội, không hay gì số phận một chiếc thuyền nan bé nhỏ giữa ngàn sóng đại dương. Hà Nội, với chúng tôi, là cả một thế giới lạ lùng, nhiều ánh sáng mà đầy bóng tối. Thích ứng được với dòng nước mới này, con cá cũng phải trầy da tróc vẩy bao phen... Có lần chúng tôi như ở một địa ngục. Ở trong cái địa ngục ấy, đôi khi chúng tôi cũng tìm được một dòng Ngân Sơn trong vắt. Giữa Hà Nội, đôi khi chúng tôi cũng được thấy ánh trăng xanh. Giữa cuộc sống vẩn đục bị đau quật từ bốn phía, tôi vẫn đi tìm lại những dòng thơ trong sáng nhất:

Còn đâu ánh trăng vàng

Mơ bên làn tóc rối

Chân nâng trên đường sỏi

Hoa lá đổ rộn ràng

Trăng nội vẫn mơ màng

Trên những vòng tóc rối

Đêm ấy xuân vừa sang

Em vừa hai mươi tuổi.

Lưu Trọng Lư


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những mối tình của Lưu Trọng Lư (kỳ 2): Mây bốn phương trời