Gần cả một đời người mới rồi tôi mới về làng Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình quê me của cha tôi.
Theo xứ Quảng Bình cha tôi - nhà thơ Lưu Trọng Lư gọi “cha mẹ” là “thầy me”. Trong bài thơ “Nắng mới” mà cha tôi tặng cho thầy me của mình không một chữ “thầy” mà chỉ có chữ “me” nhưng lại hiện lên cả không gian xao xác tiếng gà trưa, hàng rào nắng mới từ con sông Gianh của quê người và nét cười sau tay áo của người vợ tảo tần của người.
Tôi mỗi lần một mình ôm bé Nê con trai tôi, lặng lẽ ru bé bài thơ này với giọng buồn buồn theo làn điệu chả ra ngâm thơ, chả ra hát ru. Khi con ngủ rồi thì nước mắt tôi mới chảy:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
“Những ngày không” là những ngày gì? Tôi ân hận vì chưa một lần hỏi cha tôi. Mỗi lần bâng khuâng đứng ở cánh đồng làng Cao Lao bên sông Gianh quê cha, chầm chậm những bước chân kẻ lưu lạc trên con đường làng nơi me của cha gọi cha mải chơi cùng trẻ xóm đâu đó về nhà, hay lùi lũi trên rú giữa rừng phi lao rì rào trên cao, rừng chổi xể là đà phía dưới với ngàn ngàn chuỗi hoa nâu cánh buồm, nơi thầy me của cha yên nghỉ, tôi cứ chập chờn cảm giác như vừa đó với bắt được “những ngày không” lại thổn thức tiếc nuối vì những ngày gọi là ...không ấy vuột mất.
Có điều cha ơi, con tin rằng với cha những ngày gọi là không ấy là những ngày đẹp nhất, yên bình nhất của tuổi thơ của cha, khi ấy bên cha là me của cha.
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi
Áo đỏ- áo cưới mà me của me của cha đã ấp ủ tại làng đồi Cự Nẫm này đây rồi một sớm trao cho me của cha lên kiệu trên sườn đồi ngát thơm bông bưởi này và me của me của cha giấu giọt nước sau tay áo khi nhìn theo người con gái xinh đẹp, nết na nhất làng Cự Nẫm tên là Nguyễn Thị Hạnh này mặc chiếc áo đỏ ấy đi lấy chồng là một nhà nho Việt nghèo tên là Lưu Trọng Kiến ở Cao Lao.
Cha tôi kể tôi nghe, cứ mỗi lần nắng mới - nắng đầu tiên sau một mùa đông ẩm ướt reo ngoài nội, bà nội con lại mở chiếc rương gỗ cũ kĩ lấy chiếc áo đỏ mặc ngày về làm dâu ra để phơi.
Hình dáng me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
Còn bao người đàn bà Việt như me của cha của tôi mỗi lần nắng mới đem hong lại, rũ lại, phơi lại chiếc áo cưới của mình? Hoặc mặc lại chiếc áo cưới của mình đứng trước gương, nở một nụ cười có thể vui, có thể bâng quơ, có thể ...buồn.
Và còn bao đứa con như cha tôi trên những ngã rẽ cuộc đời của mình bất chợt chùng lòng xuống để nhớ về, để sống lại... những ngày không?
Lưu Trọng Văn