Những người dân thành phố Vũ Hán là “những kẻ khốn khổ”, bị cấm lên máy bay, không thể đăng ký phòng khách sạn, khi người dân Trung Quốc của họ sợ họ làm lây nhiễm dịch coronavirus.

‘Những người khốn khổ’ khi Trung Quốc chống dịch coronavirus

Mỹ Trinh | 05/02/2020, 06:19

Những người dân thành phố Vũ Hán là “những kẻ khốn khổ”, bị cấm lên máy bay, không thể đăng ký phòng khách sạn, khi người dân Trung Quốc của họ sợ họ làm lây nhiễm dịch coronavirus.

Theo báo New York Times ngày 3.2, dù đã trang bị mạng lưới theo dõi rộng lớn sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, cùng các máy thu hình kiểm soát an ninh ngày càng được sử dụng để theo dõi 1,4 tỉ dân Trung Quốc, chính quyền nhiều địa phương vẫn sử dụng mạng lưới “chỉ điểm” và yêu cầu người hàng xóm báo tin về hoạt động của láng giềng, vào lúc chính quyền phải kiểm soát dịch coronavirus vốn phát tán từ Vũ Hán với 11 triệu dân và đã giết chết 425 người Trung Quốc.

Việc cần cô lập các ca nghi bị nhiễm dịch là điều cần thiết, nhưng cũng gây ra sự phẫn nộ, hoang mang và kỳ thị. Hàng triệu người Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đã bị cấm trở lại nơi sống và làm việc, vì hàng xóm sợ họ đã bị nhiễm dịch. Ngay cả người không có những triệu chứng bị nhiễm dịch cũng bị tẩy chay, bị ruồng bỏ.

Treo thưởng cho quần chúng báo cáo hoạt động của hàng xóm

Theo Times, một bộ phận không nhỏ các lãnh đạo địa phương chú trọng tìm và cô lập người Hồ Bắc. Trên các màn hình lớn và bảng quảng cáo, các vidéo tuyên truyền và áp phích đều cảnh báo người dân nên ở trong nhà, đeo khẩu trang và rửa tay.

Ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc, một huyện đề nghị khoản tiền 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 140 USD) thưởng cho bất kỳ người dân nào báo tin về người Vũ Hán.

Các hình ảnh trên mạng cho thấy các thôn làng đặt rào chắn trên đường, cử người chặn không cho người lạ vào làng. Các chung cư cũng dùng đồ vật để chặn cửa vào.

Ở tỉnh Giang Tô (đông Trung Quốc) biện pháp cách ly đã trở thành cách bỏ tù, sau khi chính quyền dùng các ống kim loại chặn cửa một gia đình vừa từ Vũ Hán trở về.Gia đình này phải nhờ hàng xóm ở tầng trên thòng dây chuyền thức ăn xuống lan can nhà họ, theo một tin tức địa phương.

Times kể chuyện chính quyền mất năm ngày để liên lạc với Harmo Tang, một sinh viên đang học ở Vũ Hán, sau khi anh về quê ở Lâm Hải (tỉnh Chiết Giang, đông Trung Quốc) để ăn Tết Nguyên đán.

Tang cho biết anh phải tự cô lập, sau khi quan chức địa phương yêu cầu anh cung cấp thông tin cá nhân gồm tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, số thẻ căn cước và ngày anh từ Vũ Hán về Lâm Hải.

Vài ngày sau, các thông tin của Tang bắt đầu phát tán trên mạng Internet, cùng danh sách những người từ Vũ Hán về Lâm Hải.

Quan chức địa phương không giải thích, nhưng vài ngày sau giao công an áp dấu niêm phong lên cửa nhà Tang, cùng một biển cảnh báo hàng xóm rằng một người từ Vũ Hán về đang ở trong nhà. Tấm biển còn có một đường dây nóng báo thông tin, để bất kỳ ai trông thấy Tang hoặc gia đình anh rời khỏi nhà thì gọi điện báo.

Tang cho Times biết là anh nhận khoảng 4 cuộc điện thoại từ các cơ quan chính quyền khác nhau: “Thực tế thì đấy không là giọng điệu tỏ ra quan tâm. Họ sử dụng giọng điệu cảnh cáo. Tôi cảm thấy hoàn toàn khó chịu với cách làm này” .

Người giao thức ăn đeo khẩu trang và mặc trang phục đặc biệt ở Vũ Hán - Ảnh: Getty Images

Times còn dẫn chuyện Andy Li, một công nhân kỹ thuật người Vũ Hán đã cùng gia đình đến Bắc Kinh để sống và làm việc. Vì lo sợ các con bị nhiễm dịch, Li thuê một xe con và bắt đầu chạy đến tỉnh Quảng Đông (nam Trung Quốc) nhằm tìm ra bà con cho gia đình anh ở nhờ.

Nhưng ở Nam Kinh, dù liên tục trình thẻ căn cước, anh vẫn không thể lấy phòng ở nhiều khách sạn, trước khi có được một phòng ở khách sạn hạng sang nọ. Ở đó, gia đình anh tự cách ly 4 ngày, cho đến khi chính quyền địa phương ra lệnh tất cả người Vũ Hán phải chuyển đến một khách sạn kề cận ga đường sắt của Nam Kinh.

Li nói xem ra khách sạn cách ly này không làm tốt việc cô lập người, vì người giao thức ăn vẫn có thể ra vào thoải mái: “Nơi này chỉ có tác dụng ngăn cách người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh. Họ không quan tâm nguy cơ người Vũ Hán cũng có thể lây nhiễm dịch cho nhau”.

Li nhấn mạnh: “Tôi không phàn nàn gì về chính phủ. Luôn có những lỗ hổng trong chính sách. Nhưng tôi thật sự lo lắng cho các con tôi”.

Báo cáo tạm trú-tạm vắng bị lộ thông tin cá nhân

Chính quyền Trung Quốc cũng sử dụng các hệ thống điện toán theo dõi thẻ căn cước - thứ cần có để chuyển đường dài và tạm trú ở khách sạn - để giám sát-theo dõi người Vũ Hán.

Nhưng một bài báo trên Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) kêu gọi tất cả các hành khách trên các chuyến bay và chuyến xe lửa chở người nghi bị nhiễm dịch cần trình diện chính quyền, khai báo tạm trú-tạm vắng.

Theo Times, cuộc vận động này khiến cuộc sống của người dân Trung Quốc bị “vần tơi tả”. Jia Yuting là một sinh viên 21 tuổi đang học ở Vũ Hán, đã về quê ở miền trung Trung Quốc suốt 18 ngày (lâu hơn quyđịnh cách ly 14 ngày) sau khi nghe tin ông nội bị bệnh ở một ngôi làng kề cận.

Trong một lần thăm ông, Jia tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương được phát trên loa làng, và cô đăng ký thông tin cá nhân với thôn ủy.

Nhưng khi một giáo viên trung học tình cờ liên lạc qua ứng dụng nhắn tin WeChat để hỏi thăm sức khỏe của Jia, Jia mới phát hiện các thông tin của mình đã bị tung lên mạng, và lan vào danh sách xác định người đến từ Vũ Hán.

Chính quyền không giải thích chuyện gì đã xảy ra, nhấn mạnh những thông tin của Jia bị rò rỉ không phá rối cuộc sống bình thường của cô.

Sau nữa, Jia nhận một cú điện thoại đe dọa, từ một người đàn ông: “Tại sao mày quay về Vũ Hán? Mày nên về đó ở luôn”.

Ba ngày sau chuyến thăm làng, ông của Jia qua đời. Cán bộ chính quyền địa phương lập tức nhắn nhủ gia đình cô rằng cô sẽ không được trở lại làng để dự đám ma, vốn diễn ra hơn ba tuần sau khi cô từ Vũ Hán trở về thăm ông.

Jia nói: “Tôi cảm thấy dân làng thiếu hiểu biết, và chính quyền cũng không giúp gì, thay vào đó lại xì thông tin khắp nơi mà không cho dân làng biết rằng tôi không hề mắc các triệu chứng nhiễm dịch”.

Jia cũng cảm thấy tội lỗi, vì không thể về làng an ủi bà nội: “Tôi rất gần gũi với ông tôi. Tôi nghĩ cách làm của chính quyền là phi nhân tính, và là một cách làm bạo tàn”.

Chốt kiểm soát thân nhiệt của người lái xe - Ảnh: Reuters

Chính quyền Vũ Hán “xin nhân dân thông cảm”

Dĩ nhiên Trung Quốc có lý do để theo dõi người có thể mang mầm dịch coronavirus. Dịch này đã khiến nhiều thành phố phải “đóng cửa”, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị tê liệt và cộng đồng quốc tế cô lập Trung Quốc vì sợ lây nhiễm dịch.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo sự tẩy chay chỉ phản tác dụng, vì nó càng gây tổn hại niềm tin của người dân và càng khiến người bị kiểm tra - theo dõi chỉ còn mỗi cách “độn thổ” vì mặc cảm.

Một vài quan chức chính quyền kêu gọi “thông cảm”, khi đã có sự lo ngại thành kiến chống lại người Vũ Hán càng phát tán trong đại bộ phận dân Trung Quốc.

Bí thư thành ủy Vũ Hán, ông Mã Quốc Cường nói tại cuộc họp báo ngày 28.1: “Chúng tôi đang chú ý vấn đề này. Tôi cho rằng vài người có thể nghi ngờ dân Hồ Bắc hoặc đã báo cáo về họ, nhưng tôi cũng nghĩ đa số người sẽ đối xử bình đẳng với người Hồ Bắc”.

Tờ báo Mỹ nêu trên toàn Trung Quốc, việc đáp ứng lời kêu gọi “chỉ điểm” của các chính quyền thường giống những cuộc vận động đông đảo quần chúng thời Mao Trạch Đông.

Các chính quyền cũng sử dụng lại các kỹ thuật phòng chống mà Bắc Kinh từng làm để đối phó Hội chứng viêm hô hấp cấp (SARS) hồi các năm 2002-2003. Lúc đó đã có 439 người Trung Quốc tử vong và 5.327 người nhiễm SARS.

Kỹ thuật phòng chống đó là lập chốt kiểm soát nhằm kiểm tra người bị sốt. Các chốt này mọc ở các trạm thu phí, cổng vào chung cư và khách sạn, cửa hiệu tạp hóa và ga đường sắt. Người kiểm soát dùng súng đo thân nhiệt thường không áp sát trán người được kiểm tra, nên thường cho kết quả thân nhiệt thấp đến bất thường.

Các cách kiểm soát này đã tỏ ra vô dụng, ít nhất với một người đàn ông ở tỉnh Thanh Hải (tây Trung Quốc) đang bị công an điều tra, vì nghi ngờ ông ta giấu các triệu chứng nhiễm dịch để có thể đi lại.

Mỹ Trinh (theo New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Những người khốn khổ’ khi Trung Quốc chống dịch coronavirus