Không chỉ vi khuẩn đường ruột bị coi là thủ phạm gây rối loạn chức năng ở những người mắc bệnh Crohn. Nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng vi khuẩn trong miệng cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Những phát hiện gây sốc về hệ vi sinh vật trong miệng gây bệnh cho con người

Anh Tú | 27/07/2023, 21:38

Không chỉ vi khuẩn đường ruột bị coi là thủ phạm gây rối loạn chức năng ở những người mắc bệnh Crohn. Nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng vi khuẩn trong miệng cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Bệnh Crohn ảnh hưởng đến bốn triệu người trên toàn thế giới. Tình trạng này gây ra các triệu chứng suy nhược như mệt mỏi mạn tính, tiêu chảy, đau bụng, sụt cân và suy dinh dưỡng.

Một khi các triệu chứng tích lũy  đủ, tình trạng bệnh sẽ kéo dài suốt đời. Mặc dù có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng trong thời gian bùng phát, nhưng hiện tại không có cách chữa trị dứt điểm.

Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn chưa được biết và có thể là do một số yếu tố phức tạp và chồng chéo – chẳng hạn như di truyền, lối sống (như hút thuốc) và hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức trong ruột.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong căn bệnh này. Hệ vi sinh vật đường ruột là tập hợp hàng nghìn tỉ vi khuẩn, vi rút và nấm. Những vi khuẩn này có mặt từ khi chúng ta sinh ra và đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tế bào trong ruột của chúng ta hoạt động bình thường. Vi khuẩn trong ruột của chúng ta cũng giúp các tế bào miễn dịch trong cơ thể hoạt động bình thường, hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Crohn có cộng đồng vi khuẩn đường ruột ít đa dạng hơn, đồng thời cũng có mật độ một số loại vi khuẩn có thể gây viêm ruột cao hơn.

Nhưng không chỉ vi khuẩn đường ruột bị coi là thủ phạm gây rối loạn chức năng ở những người mắc bệnh Crohn. Khá bất ngờ, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vi khuẩn trong miệng cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong tình trạng viêm nhiễm này.

Hệ vi sinh vật trong miệng

Khi chúng ta còn trong bụng mẹ, ruột của chúng ta vô trùng. Nhưng hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta bắt đầu phát triển ngay khi chúng ta chào đời - đầu tiên là sau khi tiếp xúc với vi khuẩn âm đạo trong khi sinh, sau đó là từ các nguồn khác của mẹ như sữa mẹ và da, cũng như môi trường bên ngoài.

Khi chúng ta trưởng thành, ruột của chúng ta trở thành một cộng đồng đông đúc với hàng nghìn tỉ vi khuẩn. Theo một số ước tính, số lượng tế bào của chúng ta nhiều hơn gấp 10 lần.

Hầu hết các vi khuẩn xâm nhập vào ruột của chúng ta trước tiên phải đi qua miệng. Như vậy, miệng của chúng ta chứa số lượng vi khuẩn cao thứ hai sau ruột. Và, chúng ta nuốt hàng triệu vi khuẩn này hằng ngày trong nước bọt của mình.

Hệ vi sinh vật đường miệng rất phức tạp. Mỗi bộ phận trong miệng của chúng ta - cho dù đó là lưỡi, má hay nước bọt - gồm các vi khuẩn khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ pH và mức độ oxy.

Các cộng đồng vi khuẩn này sau đó có thể tạo thành các cấu trúc phức tạp gọi là màng sinh học, nơi vi khuẩn tự tổ chức trên bề mặt miệng (màng bám ở răng là một ví dụ). Sau đó, các vi khuẩn tương tác với nhau và với các tế bào miễn dịch của chúng ta để tạo ra một trạng thái sức khỏe cân bằng.

Có một số lý do tại sao các nhà nghiên cứu nghĩ rằng hệ vi sinh vật đường miệng có thể đóng một vai trò trong bệnh Crohn.

Đầu tiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng trong miệng những người mắc bệnh Crohn có vi khuẩn khác so với những người không mắc bệnh. Điều này có thể gợi ý rằng một số loài vi khuẩn có trong miệng có thể đóng một vai trò trong bệnh Crohn.

Thứ hai, một số loài vi khuẩn thường được tìm thấy với số lượng nhiều hơn trong ruột của những người mắc bệnh Crohn (so với những người khỏe mạnh) cũng có trong miệng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì đường xâm nhập của vi khuẩn vào ruột thường là qua miệng. Trên thực tế, không có gì lạ khi những người mắc bệnh Crohn thường xuất hiện các vết loét trong miệng, bên cạnh những vết loét thường thấy trong ruột.

Nghiên cứu ở người cũng cho thấy rằng một loại vi khuẩn đặc biệt ở miệng, được gọi là Veillonella parvula, có nhiều trong ruột của những người mắc bệnh Crohn. Loại vi khuẩn này có liên quan đến các bệnh như viêm nha chu và thậm chí là viêm màng não.

Veillonella parvula thường được tìm thấy trong hệ vi sinh vật đường miệng, nhưng một nghiên cứu đáng chú ý đã chỉ ra rằng nó đã phát triển một cách để sống ở ruột dưới.

Nếu các thủ phạm vi khuẩn khác của bệnh Crohn được tìm thấy trong ruột cũng được tìm thấy trong miệng, thì điều này có thể cho phép các nhà nghiên cứu phát triển các xét nghiệm tốt hơn. Họ chỉ cần một mẫu nước bọt để chẩn đoán bệnh và như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc yêu cầu bệnh nhân cung cấp mẫu phân hoặc mô ruột.

Các nhà nghiên cứu cũng sẽ cần điều tra xem liệu hệ vi sinh vật đường miệng có thể gây ra bệnh Crohn hay không.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy tình trạng viêm (xảy ra khi hệ thống miễn dịch được kích hoạt bởi mầm bệnh) khiến một số loại vi khuẩn dễ dàng phát triển hơn – dẫn đến tình trạng viêm thậm chí còn nghiêm trọng hơn và kích hoạt quá mức các tế bào miễn dịch.

Nếu điều tương tự cũng đúng với vi khuẩn miệng có liên quan đến bệnh Crohn, thì điều đó dẫn đến suy đoán rằng sự phát triển quá mức của vi khuẩn và viêm nhiễm trong miệng có thể là nguyên nhân gốc rễ của bệnh Crohn.

Nguồn cơn những căn bệnh khác

Crohn không phải là bệnh duy nhất liên quan đến một số vi khuẩn trong miệng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai hóa chất độc hại được tạo ra bởi vi khuẩn đường miệng Porphyromonas gingivalis (có liên quan đến bệnh nướu răng) được tìm thấy ở vùng não liên quan đến trí nhớ khi kiểm tra hơn 96% người tham gia xét nghiệm. Đáng ngại, những hóa chất độc hại này lại tấn công tế bào của con người.

Trong bệnh ung thư vú, vi khuẩn miệng Fusobacterium nucleatum có liên quan đến sự phát triển nhanh của khối u và sự lây lan của các tế bào ung thư. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loại vi khuẩn tương tự thường được tìm thấy trong các mô ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, lâu nay người ta cho rằng vi khuẩn đường miệng có thể có tác động đáng kể đến bệnh tim mạch, trong đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và cư trú trong các mảng xơ vữa ở tim, dẫn đến viêm nhiễm khiến mạch máu bị nghẽn có khả năng bị vỡ mạch cao hơn.

Mặc dù hệ vi sinh vật đường miệng có liên quan đến sự phát triển và tiến triển của bệnh Crohn, nhưng nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn tìm ra cách thức chính xác mà vi khuẩn có thể di chuyển từ miệng đến các bộ phận của ruột. Và mặc dù có rất nhiều dữ liệu từ các nghiên cứu trên chuột, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn cho thấy mối liên hệ này ở người.

Hiểu rõ hơn về cách vi khuẩn miệng liên quan đến bệnh Crohn - và vi khuẩn nào có thể liên quan - sẽ giúp phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt hơn, không chỉ đối với bệnh Crohn mà còn nhiều loại bệnh khác.

Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính thường ảnh hưởng đến đoạn xa của hồi tràng và ruột kết nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Triệu chứng bao gồm tiêu chảy và đau bụng. Áp xe, rò trong - ngoài và tắc ruột có thể phát sinh. Có thể có các triệu chứng ngoài ruột, đặc biệt là viêm khớp. Chẩn đoán bằng phương pháp nội soi và chẩn đoán hình ảnh. Điều trị bằng axit 5-aminosalicylic, corticosteroid, thuốc điều biến miễn dịch, kháng cytokine, kháng sinh và thường là phẫu thuật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phát hiện gây sốc về hệ vi sinh vật trong miệng gây bệnh cho con người