Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ có được vai trò lớn hơn ở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (của Liên Hợp Quốc, UNESCO) sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố rút khỏi cơ quan này.

Những toan tính của Trung Quốc sau khi Mỹ rời UNESCO

Cẩm Bình | 14/10/2017, 12:42

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ có được vai trò lớn hơn ở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (của Liên Hợp Quốc, UNESCO) sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố rút khỏi cơ quan này.

UNESCO tuần qua đã chịu một cú sốc khi Mỹ và Israel tuyên bố rút khỏi tổ chức này,với lý do UNESCO có thái độ “chống Israel”. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng bất ngờ rút ứng viên Đường Kiền của Trung Quốctranh cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO để dồn phiếu cho ứng viên của Ai Cập Moushira Khattab.

Nói về quyết định ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Ai Cập là một quốc gia lớn và có ảnh hưởng tại châu Phi lẫn thế giới Ả Rập quyết định ủng hộ một người Ai Cập (bà Moushira Khattab) cho thấy Trung Quốc đánh giá cao khả năng thắng cử của ứng viên này”.

Cũng theo bà Oánh: “Trung Quốc trân trọng tầm quan trọng của UNESCO và muốn đóng góp nhiều hơn cho sự hợp tác của tổ chức”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết Trung Quốc là nhà tài trợ đứng thứ ba, đóng góp 7,9% kinh phí của UNESCO, sau Mỹ (đóng góp 22%) và Nhật Bản (9%). Trước đó vào năm 2011 Mỹ đã từng cắt giảm tiền đóng góp khi UNESCO cho Palestine trở thành thành viên của tổ chức.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tư cách thành viên của Mỹ sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31.12.2017, tuy nhiên nước này sẽ là quan sát viên thường trực.

Giám đốc đương nhiệm của UNESCO Irina Bokova lấy làm tiếc với quyết định của Mỹ

SCMP dẫn lời giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang muốn dùng hành động ủng hộ ứng viên Ai Cập để “lấy lòng” cả thế giới Ả Rập lẫn Ai Cập. Trung Quốc muốn nước này tham gia vào kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường", chuyên gia Lưu Nãi Á thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho hay.

Còn về quyết định rút khỏi của Mỹ, nhiều nhà phân tích đánh giá Mỹ đang tự khiến mình bị cô lập và Trung Quốc đang có cơ hội tăng vai trò tại UNESCO.

Trang Sputnik News dẫn lời giáo sư Sergei Sudakov thuộc Học viện Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow cho biết quyết định rời UNESCO của Mỹ được dựa trên tính toán rằng do Mỹ có rất ít di sản thế giới được UNESCO công nhận nên nước này sẽ không bị thiệt hại gì nhiều khi rút khỏi. Tuy nhiên, theo ông Sudakov, Mỹ đang tự cô lập mình khi quyết định rút khỏi UNESCO. Hành động này của Mỹ chỉ khiến hình ảnh quốc tế của nước này trở nên tệ hơn.

Đồng tình với ông Sudakov, giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Zunes đến từ đại học San Francisco cũng cho rằng quyết định “kỳquặc” của Mỹ đang khiến sự tự cô lập của Mỹ trở nên rõ nét. Ông Zunes khẳng định động thái này gây hại nhiều cho Mỹ hơn là cho UNESCO.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân (Bắc Kinh), việc mất đi nhà tài trợ số 1sẽ làm UNESCO suy yếu nghiêm trọng, và Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tổ chức.

“Tầm quan trọng của Trung Quốc trong tổ chức này tăng lên là điều không tránh khỏi, nhưng tôi không cho rằng Trung Quốc muốn đoạt lấy vai trò của Mỹ”, ông Kim cho biết.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ lại tham gia UNESCO sau khi ông Trump không còn làm tổng thống.

Theo ông Kim: “Đây chỉ là chuyện ý muốn của lãnh đạo. Ông Trump không tin tưởng chủ nghĩa đa phương, nhưng người kế nhiệm ông sẽ tin”.

Trước đó Mỹ dưới thời ông Ronald Reagan đã rút khỏi UNESCO vào năm 1984 và gia nhập lại vào năm 2003 khi ông George W.Bush làm tổng thống, SCMP cho biết.

Còn theo người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu LHQ và Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) Trương Quý Hồng: “Do Mỹ rút khỏi nên UNESCO cần được Trung Quốc và các thành viên khác ủng hộ nhiều hơn. Khi sức mạnh tăng lên thì Trung Quốc tất nhiên sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình tại các tổ chức quốc tế trong đó có UNESCO, bất kể tổ chức còn có Mỹ tham gia hay không”.

Giáo sư chính trị học Alexander Gusev cho biết rút khỏi UNESCO chỉ là bước đi mới nhất trong việc tự cô lập mình của chính quyền Washington. Quá trình cô lập đã bắt đầu khi Mỹ quyết rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và sẽ kết thúc khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, theo giáo sư Gusev.

Trước đó khi ông Trump đòi rút khỏi Thỏa thuận Paris vào tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận này.

Trong chuyến thăm trụ sở UNESCO tại Paris vào năm 2014, ông Tập đã không tiếc lời khen ngợi tổ chức này. Bà Bành Lệ Viện, phu nhân của ông Tập, hiện đang là đặc phái viên của chương trình tăng cường giáo dục cho phụ nữ và trẻ em của UNESCO, SCMP cho biết.

Cẩm Bình (theo SCMP, Sputnik News)
Bài liên quan
Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những toan tính của Trung Quốc sau khi Mỹ rời UNESCO