Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) cho rằng niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn.

"Niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn"

Lam Thanh | 27/01/2021, 14:46

Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) cho rằng niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn.

Tham luận tại buổi làm việc thứ 2 của Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Lê Hồng Quang cho hay, nhìn lại 15 năm gần đây, các tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Năm 2020, Tòa án các cấp thụ lý 602.000 vụ việc các loại, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

le-hong-quang-dh.jpg
Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao - Ảnh: VGP

Theo ông Quang, mặc dù số lượng biên chế của các tòa án cơ bản không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng tòa án các cấp đã rất nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; hằng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý.

“Quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời ý thức được rằng “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”; thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đã được đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn”, ông Quang nói.

Ông Lê Hồng Quang cũng chia sẻ, hệ thống pháp luật về tố tụng và tổ chức tòa án đã được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; cơ chế hòa giải, đối thoại các tranh chấp được tăng cường và triển khai hiệu quả; các thủ tục hành chính-tư pháp được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân; đề cao sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong hoạt động tư pháp…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân làm gốc”, ông Quang cho rằng trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại.

Cụ thể là việc cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp chưa phát huy được thế mạnh; niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn; hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng tư pháp, còn bất cập, chi phí tuân thủ cao gây lãng phí nguồn lực của xã hội…

Phó chánh án TANDTC cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan và chủ quan; song nguyên nhân trước hết là do việc nhận thức, quán triệt, thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” vẫn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất. Do vậy, khi triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp, có lúc, có nơi thiếu quyết tâm, còn lúng túng và bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ.

Theo ông Quang, từ thực tế đó rút ra bài học kinh nghiệm là phải luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm "nhân dân là gốc", “nhân dân là trung tâm” của hoạt động tư pháp, quyền tư pháp. Mọi chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Lấy phương châm phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc và lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cải cách.

Trên tinh thần tiếp tục phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tại Đại hội này, Ban cán sự Đảng TAND Tối cao đề xuất nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020 là: Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp để bảo đảm thực hiện hiệu quả trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo; là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ, giữ vững, phát huy thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua; đẩy nhanh việc hoàn thiện các thiết chế của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền tư pháp vì nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng như bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của nền tư pháp nước nhà. Coi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của cải cách tư pháp.

Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Đề cao trách nhiệm tự giám sát trong nội bộ của cơ quan tư pháp; công khai, minh bạch hoạt động tư pháp; tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; giảm bớt thủ tục và chi phí xã hội không cần thiết.

Xây dựng cơ chế đánh giá phù hợp để hạn chế sự tác động, áp lực không chính đáng từ những thiết chế, chủ thể trong xã hội đối với hoạt động tư pháp; giảm thiểu những ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp và việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, cũng như sự vô tư, khách quan, liêm chính của hệ thống Tòa án nhân dân.

Bài liên quan
Vụ khiếu nại việc kê biên 13 sổ đỏ dự án 140 triệu USD: Bộ Tư pháp ra kết luận
Bộ Tư pháp vừa có văn bản số 2097 nêu kết quả giải quyết đơn khiếu nại của Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn"