Nghệ sĩ Bạch Long sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha anh là cố NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai, đều là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu hát bội. Các chị gái Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu và em trai - NSƯT Thành Lộc đều là những nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc, kịch và cải lương.
Dường như được dọn sẵn một con đường đến với thánh đường sân khấu, suôn sẻ và dễ dàng hơn với rất nhiều người nhưng Bạch Long chọn cho mình hướng đi để không phải sống trong cái bóng những tên tuổi lớn trong gia tộc nghệ thuật. Con đường ấy dù gian nan nhưng anh được thoả sức tung hoành trong không gian của riêng, tạo ra đóng góp lớn của Bạch Long cho nghệ thuật truyền thống là sáng lập đoàn Đồng Ấu Bạch Long. Đây cũng là cái nôi phát hiện, đào tạo những nghệ sĩ, những tên tuổi nổi tiếng của sân khấu ngày nay. Một con người hết mình vì nghệ thuật, sống âm thầm trong cuộc đời riêng, nghệ sĩ Bạch Long luôn nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp, đàn em và sự yêu mến của khán giả.
Đào hoa, trải nhiều mối tình nhưng chỉ toàn “vết thương lòng
Nhìn lại thời huy hoàng, Bạch Long không khỏi xúc động khi nghĩ về quá khứ. Những bức ảnh chàng trai Bạch Long 26 tuổi trẻ trung, điển trai, hút hồn khá nhiều fan nữ thời đó. Anh kể, nhiều bóng hồng yêu mến, từng có lúc muốn lập gia đình, có con với anh nhưng đường tình duyên của Bạch Long liên tục gãy đổ. Anh thú nhận thời đó rất nghèo, dù nổi tiếng nhưng vẫn lọc cọc với chiếc xe đạp. Đến năm 1995 – 1996, anh mới mua được “chiếc Cup chứ không mua nổi Honda Dream”. Đến hiện tại, thu nhập của Bạch Long vẫn đủ lo thân mỗi ngày hai bữa. Anh vẫn sống trong một căn phòng thuê ở một con hẻm đường Lê Văn Sĩ đã gần 20 năm nay. “Tôi nghĩ bản thân đi hát, lãnh lương như nhiều nghệ sĩ khác mà sao cuộc đời tôi cứ mãi nghèo, dù tôi luôn lạc quan sống”, anh thú nhận.
Dù trải qua nhiều mối tình nhưng với Bạch Long chỉ toàn vết thương lòng: “Cuộc đời tôi như ông lão đưa đò, học trò đến tôi đào tạo thành nổi tiếng, bạn gái đến, tôi cứ đưa đò cho họ đi lấy chồng khác”. Chàng nghệ sĩ 1m5 đào hoa nhưng… tình duyên lận đận, cay đắng kể lại một mối tình“lãng nhách” nhưng ghi dấu trong tim. Trong ngày sinh nhật của người yêu, anh mua chiếc nhẫn hình con rắn để tặng vì cô gái tuổi Tỵ. Bạch Long dặn người yêu nếu đeo không vừa thì ra tiệm vàng đổi. Ai ngờ, cô gái đổi nhẫn xong lấy luôn anh chủ tiệm vàng. Mười năm sau, anh gặp lại người em của cô gái ấy, biết chuyện, anh chỉ biết cười trong nước mắt.
Nam nghệ sĩ thổ lộ, bây giờ ông hơn 60 tuổi, bản thân mình còn lo chưa xong, nên không muốn nghe ai hỏi về chuyện gia đình, con cái nữa. “Tôi ghét nghe ai đó hỏi vì sao tôi không lập gia đình, để có con cháu cầu cạnh khi về già. Tôi nghĩ vậy là lợi dụng đứa trẻ trong khi chúng ta đã đủ trách nhiệm nuôi con nên vóc nên hình, cho con ăn học đến nơi đến chốn, không thua kém bạn bè chưa? Nếu lập gia đình, tôi phải có trách nhiệm với vợ con. Phụ nữ thích con cái khi nghe tôi thổ lộ không muốn có con sẽ thấy quan điểm hai người khác nhau, dẫn đến chia tay”, anh kể.
Khổ cực với nghề, không muốn con cái nối nghiệp
Từ khi Bạch Long, Thành Lộc còn nhỏ, cố NSND Thành Tôn không muốn con cái nối nghiệp gia đình, bởi ổng hiểu quá rõ cái nghề lắm vinh quang nhưng cũng quá nhiều tủi cực này. Ông chỉ muốn hai con học chữ, có nghề nghiệp ổn định như người ta.
Bạch Long kể: “Khi thấy hai đứa bước ra sân khấu là ở phía sau cha tôi cầm sẵn roi mây. Ông đúng chứ không sai vì ông không muốn các con khổ khi theo nghề này. Đến một ngày, ông phát hiện Thành Lộc diễn kịch, tôi hát với đoàn Đồng Ấu Bạch Long ông ấy cười vì biết không cấm được các con nữa. Tôi thấy con cái nếu có tố chất, hát hay, diễn giỏi làm nên tên tuổi thì nên theo nghề, còn mãi bấp bênh với nghề thì đừng làm. Trong dòng họ của tôi, ai cũng giỏi, nếu suốt đời làm quân sĩ, tôi cũng sẽ bỏ nghề. May mắn, tôi dù sắc vóc nhỏ bé, lùn nhưng còn có cái duyên, cố gắng hát cũng được lòng khán giả. Tôi đi diễn, khóc với nghề cũng nhiều nếu không có bản lĩnh hay lập trường đã bỏ nghề từ lâu”.
Vì thế, để “di sản” của gia đình được tiếp nối, Bạch Long mở ra Đồng Ấu Bạch Long để dạy học trò. Anh muốn đào tạo những nghệ sĩ, diễn viên, mang cái nghề của gia tộc truyền cho lớp trẻ, nhân rộng đến nhiều thế hệ sau nữa: “Tôi thấy, tụi trẻ ngày nay sướng quá, chúng tôi ngày xưa để đóng vai ông hoàng, bà chúa phải “trầy vi tróc vảy”, qua nhiều gian truân. Tôi đi từ quân sĩ lên ông quan có câu báo, từ từ mới đến kép chánh nhưng vì sự khổ đó nên mới có con đường nghệ thuật như hôm nay”.
Phan Phan