Hợp tác xã cứ khất tiền mua lúa của nông dân, chỉ trả nhỏ giọt, viện cớ bị một doanh nghiệp khác nợ. Trong khi đã vào vụ lúa mới mà nông dân lại không tiền mua phân, mua thuốc...

Nông dân khốn đốn vì hợp tác xã chậm trả tiền mua lúa

27/05/2019, 12:56

Hợp tác xã cứ khất tiền mua lúa của nông dân, chỉ trả nhỏ giọt, viện cớ bị một doanh nghiệp khác nợ. Trong khi đã vào vụ lúa mới mà nông dân lại không tiền mua phân, mua thuốc...

Nhiều người dân ở xã Tân Đông tố cáo bị đơn vị bao tiêu nợ tiền mua lúa - Ảnh: Thanh Anh

Ngày 23.5, nhiều nông dân ở xã Tân Đông (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) khấp khởi hy vọng khi hay tin hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, do ông Võ Văn Tiếp làm giám đốc) sẽ đến địa phương để thanh toán tiền nợ mua lúa vụ đông xuân 2018-2019 cho nhà nông. Số tiền này hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phú đã thiếu gần 3 tháng, sau nhiều lần hứa hẹn trả nợ nhưng không thực hiện, khiến nhiều nông dân lâm cảnh khốn đốn.

Tuy nhiên, hy vọng của nông dân xã Tân Đông nhanh chóng tan thành mây khói vì đại diện Hợp tác xã Thạnh Phú lại tiếp tục bài ca… từ từ sẽ trả nợ.

“Đại diện đơn vị mua lúa tiếp tục kêu đang gặp khó khăn, chỉ chấp nhận mỗi tuần trả cho nông dân xã Tân Đông mỗi người ít tiền, hứa đến cuối tháng 6 sẽ thanh toán dứt điểm. Lúc đầu bà con nông dân không đồng ý, nhưng sau đó thấy làm dữ thì Hợp tác xã cũng không trả tiền liền, nên chấp nhận”, ông Trần Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa, người chứng kiến buổi đối thoại giữa nông dân và doanh nghiệp đang nợ tiền mua lúa, cho biết.

Nông dân xã Tân Đông thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 bán cho Hợp tác xã Thạnh Phú nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bán lúa - Ảnh: Thanh Anh

Vụ đông xuân 2018-2019 Hợp tác xã Thạnh Phú hợp đồng thu mua lúa của nông dân 4 xã Tân Đông, Tân Tây, Thủy Tây, Tân Hiệp với điều kiện: sau khi cân lúa, trong thời gian từ 1 - 2 ngày Hợp tác xã sẽ thanh toán đầy đủ tiền bán lúa cho nhà nông. Nhưng tính đến nay hàng trăm nông dân ở các xã này bị Hợp tác xã nợ hơn 3 tháng với tổng số nợ khoảng 12 tỉ đồng, trong đó xã Tân Đông là địa phương bị nặng nhất với hơn 170 người bán trên 1.600 tấn lúa, bị nợ số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Ông Bùi Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Đông cho biết, thời gian gần đây ngày nào cũng có hàng chục nông dân bức xúc kéo đến UBND xã yêu cầu chính quyền phải có biện pháp buộc Hợp tác xã Thạnh Phú trả nợ mua lúa, nhưng việc này nằm ngoài thẩm quyền của xã, nên chính quyền địa phương cũng rất bối rối, phải báo cáo đề nghị UBND huyện và các cơ quan hữu trách của huyện ứng cứu.

Theo UBND xã Tân Đông, trong vụ lúa đông xuân 2018-2019 Hợp tác xã Thạnh Phú kết hợp với đại lý vật tư nông nghiệp Ba Tiếp do bà Võ Thu Mộng làm đại diện và 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nguyễn Phú Vinh ký hợp đồng mua lúa của nông dân. Bà Mộng hiện giữ chức Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa và là con gái của ông Võ Văn Tiếp - Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Phú. Và ông Thành cho biết, Hội Nông dân huyện đã nhiều lần làm trung gian để Hợp tác xã và nông dân đối thoại giải quyết dứt điểm nợ nần, nhưng phía Hợp tác xã liên tiếp hứa rồi… thất hứa, khiến mọi người mất lòng tin.

Ông Nguyễn Văn Bảo (ấp 4, xã Tân Đông) chua chát nói: “Hợp tác xã Thạnh Phú còn nợ tui hơn 150 triệu đồng tiền bán lúa, nhưng hẹn cả chục lần mà chưa trả đồng nào. Hiện tui đang chuẩn bị canh tác vụ hè thu nhưng không có tiền để mua lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, vì nợ cũ chưa thanh toán do không lấy được tiền bán lúa, nên các đại lý vật tư nông nghiệp không ai cho thiếu nợ mới, chẳng biết phải làm sao”.

Mới đây, Hợp tác xã Thạnh Phú có cam kết với chính quyền và người dân sẽ thanh toán hết nợ trong thời gian từ ngày 6 đến 10.5, nhưng đến ngày 15.5 người dân vẫn chưa nhận được đồng bạc nào.

Ông Nguyễn Văn Bảo (xã Tân Đông) kể chuyện bị Hợp tác xã Ba Tiếp nợ gần 150 triệu đồng - Ảnh: Thanh Anh

Tại xã Thủy Tây, Hợp tác xã Thạnh Phú mua 230 tấn lúa, trị giá khoảng 1,8 tỉ đồng và hứa trả nợ cho nông dân Thủy Tây nhiều lần, nhưng đến hẹn vẫn không chịu trả nợ. Hôm đầu tháng 5, nhiều nông dân kéo đến xã và Hợp tác xã làm dữ, yêu cầu trả nợ để bà con có tiền mua lúa giống, phân bón chuẩn bị canh tác vụ lúa mới, nên Hợp tác xã hứa đến ngày 14.5 sẽ trả trước 200 triệu đồng vì… đang gặp khó khăn. Nhưng đến hẹn, người của Hợp tác xã chỉ đem đến 100 triệu đồng. Số tiền này được chia tính theo đầu tấn lúa nông dân đã bán và mỗi tấn lúa nhà nông chỉ được trả 300.000 đồng, sau đó Hợp tác xã… làm thinh luôn đến nay.

Bà Võ Thu Mộng giải thích: Hợp tác xã chậm thanh toán tiền mua lúa do đang gặp khó khăn về kinh phí, mà nguyên nhân chủ yếu là một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang chậm thanh toán tiền bán lúa của Hợp tác xã, nên Hợp tác xã chưa có tiền trả nợ cho nhà nông. Trên thực tế, trong vụ đông xuân 2018-2919 Hợp tác xã Thạnh Phú ký kết hợp đồng thu mua khoảng 1.500ha lúa của nông dân các xã nêu trên, nhưng hiện chỉ còn nợ tiền mua 500ha lúa. Theo bà Mộng, khi nào được doanh nghiệp phía An Giang thanh toán tiền thì Hợp tác xã sẽ trả nợ dứt điểm cho nông dân. Tuy nhiên ông Thành không đồng ý với quan điểm này của người đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phú.

Theo ông Thành, việc Hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua lúa của nông dân thì phải thực hiện thanh toán tiền sòng phẳng theo hợp đồng, không thể đổ trách nhiệm cho bên thứ 3.

“Nếu doanh nghiệp ở An Giang không trả tiền mua lúa cho Hợp tác xã Thạnh Phú thì Hợp tác xã phải khởi kiện doanh nghiệp kia ra tòa để đòi tiền, còn trách nhiệm trả nợ cho nông dân thì Hợp tác xã phải thực hiện nghiêm túc”, ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Kinh Kha - Trưởng Phòng NN-PT-NT huyện Thạnh Hóa, Phòng đang tiếp tục phối hợp với UBND các xã, các cơ quan hữu trách của huyện mời người dân và doanh nghiệp tiếp tục đối thoại, trao đổi trực tiếp với nhau để giải quyết dứt điểm số tiền nợ. Nếu Hợp tác xã cứ kéo dài chuyện trả nợ cho nông dân thì các cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương sẽ tập hợp hồ sơ, hợp đồng ký kết mua bán giữa doanh nghiệp với nông dân, làm cơ sở để hướng dẫn người dân khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Ông Nguyễn Văn Tạo - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cũng khẳng định, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã chốt lại chính thức ngày Hợp tác xã phải trả nợ dứt điểm cho nông dân. Nếu đến ngày đó Hợp tác xã không trả nợ thì phải hỗ trợ nông dân chuyển hồ sơ ra tòa án xử lý.

Thanh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
38 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân khốn đốn vì hợp tác xã chậm trả tiền mua lúa