"Khi má qua đời, tôi đang đứng trên sân khấu tập tuồng. Các chị cận kề bên má suốt nhưng đúng lúc má trút hơi thở cuối cùng thì lại không thấy đứa nào", NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Nghệ sĩ Huỳnh Mai - mẹ của NSƯT Thành Lộc vừa qua đời ở tuổi 90. Tang lễ được tổ chức tại nhà riêng của nghệ sĩ Thành Lộc nằm trên một con hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo, TPHCM. Lễ động quan và hỏa táng nghệ sĩ Huỳnh Mai diễn ra vào ngày 16-5-2019.
Trước khi đưa mẹ về với cát bụi, NSƯT Thành Lộc đã dành cho phóng viên những chia sẻ thành thật nhất về người phụ nữ tới tận giây phút cuối cùng vẫn lo lắng vì cậu con út chưa lập gia đình.
NSƯT Thành Lộc kể: "Má tôi là em gái của nghệ nhân hát bội Minh Tơ, ba của NSND Thanh Tòng. Má tôi là thế hệ đàn em nhưng có thể nói là cùng thời với nghệ nhân hát bội Năm Đồ, cô Ba Út, Hữu Thoại, Thành Ôn.
Và cũng từ môi trường sân khấu hát bội đó mà ba má tôi gặp nhau. Sau 1975, hoàn cảnh sống thay đổi, má thôi không theo nghề nữa mà ở nhà "chạy chợ" nuôi mấy đứa con. Ba thì vẫn tiếp tục theo nghề. Đó là sự hy sinh của má cho chồng con".
"Thằng Lộc chưa có gia đình nên miếng ăn giấc ngủ của nó, tao phải lo"
Có. Má tôi thuộc dạng đa tài, có thể diễn các thể loại đào: đào thương, đào võ, đào văn, đào lẳng. Hồi xưa má đi theo gánh hát của ông ngoại, trong gánh hát của ông ngoại có các nghệ sĩ chính mà tôi vừa nhắc tên ở trên.
Má là con gái ông bầu mà ông bầu thời đó không bao giờ lăng xê con gái. Cho nên khi các nghệ sĩ chính trục trặc gì đó thì má mới lên thay vai, còn bình thường má chỉ đóng vai phụ.
Anh thần tượng hay ảnh hưởng điều gì ở mẹ nhiều nhất?
Như tôi từng chia sẻ, trong nghề nghiệp, tôi ảnh hưởng của ba nhiều. Ba là người chỉ dạy tôi nhiều về kỹ năng diễn, cũng như sự cạnh tranh nghề nghiệp bằng chính khả năng của bản thân.
Nhưng ngoài nghệ thuật, chuyện đời sống bên ngoài, ba không dạy. Má là người quán xuyến gia đình và nắm kinh tế chi tiêu trong nhà nên tất cả những gì liên quan tới đời sống, má rất nhạy bén. Tôi ảnh hưởng má cái đó.
Tôi nhìn nhận vấn đề rất thực tế, không mơ mộng, không để cái gì làm tổn thương mình quá nhiều, đặc biệt là những cái thuộc về sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. Sự nhạy cảm trong ba tôi mạnh lắm nhưng má thì không. Trong suy nghĩ, má rất đàn ông và tôi thích điều đó.
Tại sao mẹ lại quyết định ở chung với anh trong khi bà có 6 người con?
Sau khi ba tôi mất, mấy chị đi định cư, các chị có đặt vấn đề là muốn báo hiếu cho má, muốn má qua nước ngoài ở nhưng má không chịu. Má nói, "tao phải ở lại với thằng Lộc. Lộc nó chưa có gia đình nên miếng ăn giấc ngủ của nó, tao phải lo". Là vì má thương con út.
"80 tuổi vẫn độc thân thì trong mắt má, tôi vẫn chưa trưởng thành"
Nghe nói trước khi mẹ anh mất, bà trở bệnh nặng?
Sức khỏe của má như ngọn đèn cạn dầu, đúng với quy luật sinh tử của cuộc đời. Nhưng trước ngày má đi khoảng 1 tháng, má bị ngã từ lúc má trườn từ trên giường xuống và hình như đầu có va chạm. Từ lúc đó, sức khỏe của má suy sụp rất nhanh. Người già khi bị cú ngã đó giống như ngọn đèn bị tạt đi khá nhiều dầu nên sức khỏe xuống cấp tập.
Trong 6 anh chị em, có lẽ anh là người ở gần và gắn bó với mẹ nhiều nhất...?
Đúng hơn, những đứa con gần má nhất là các chị chứ không phải tôi. Khi các chị trưởng thành, có tên tuổi trong nghề hát, các chị gần má lắm, còn tôi lúc đó mới chỉ là đứa con nít 12, 13 tuổi thôi.
Khi các chị đi định cư ở nước ngoài, đó mới là thời điểm tôi được gần má hơn. Nhưng thời gian đó, mình không kịp suy nghĩ được, việc có má là quý như thế nào. Khi tôi có sự nghiệp thì lại ra ngoài nhiều hơn ở nhà.
Thời gian má còn khỏe, miếng ăn giấc ngủ của tôi má lo hết. Đi đâu thì đi, tôi cũng về nhà ăn cơm vì má tôi nấu ăn ngon lắm.
Má tôi làm nội trợ từ năm 1975, mà thời đó, người dân hầu hết dùng than tổ ong, than củi nên sức khỏe của má bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là phổi.
Khi tôi có sự nghiệp và thu nhập tương đối, tôi quyết định không để má nấu nướng nữa. Tôi để má nghỉ ngơi. Từ đó tới nay cũng gần 20 năm. Má đã hy sinh cho chồng và mấy đứa con quá lâu rồi.
Nghệ sĩ Thành Lộc và anh trai Bạch Long cùng cha mẹ
Người ta nói "giàu út ăn, lỗ út chịu" nhưng tôi cảm thấy mình không lỗ. Khi các chị đi định cư nước ngoài hết, mình tôi lo cho má. Nhưng tôi cảm giác giống như thượng đế muốn vậy, muốn cho tôi gỡ lại khoảng thời gian dài mình vô tâm với má, giờ được bù lại, được gần gũi lo cho má.
Lẽ ra phần đó là của các chị thì thượng đế lấy phần đó giao cho tôi. Tôi xem đó là diễm phúc của mình.
Khi má bắt đầu nằm 1 chỗ, má cũng vẫn lo lắng cho tôi: "không biết bữa nay thằng Lộc ăn cái gì", nhất là vào những đợt thực phẩm có dịch bệnh.
Mỗi lần như thế, má hay điện dặn "bữa nay ăn gì, ở đâu? đừng có ăn gà, đang dịch đó con". Tôi bảo "má ơi, con mấy chục tuổi rồi mà má còn lo chuyện đó". Má nói "mày có 70, 80 tuổi thì mày vẫn là con tao".
Không riêng gì má tôi mà bất cứ người mẹ nào cũng thế, khi còn tỉnh táo, không ai muốn từ bỏ chức năng làm mẹ của mình, dù con cái có bao nhiêu tuổi đi nữa.
Và tôi, dù gì vẫn là một người đàn ông độc thân. Đối với cách suy nghĩ của ba má thì độc thân vẫn là con nít, chỉ khi nào mình có gia đình thì mới là người trưởng thành.
Thế nên, dù tôi có 80 tuổi mà vẫn độc thân thì trong mắt má, tôi vẫn chưa trưởng thành, vẫn cần phải lo lắng. Bởi thế mà lúc nào má cũng nghĩ là không thoát được trách nhiệm với thằng con trai út. Và má càng nghĩ vậy thì mình càng thấy mình còn thiếu sót vì chưa làm cho má tin là mình trưởng thành.
"Má trút hơi thở cuối cùng khi tôi đang đứng trên sân khấu tập tuồng"
Cảm xúc hiện tại của anh thế nào khi mẹ mất?
Vào thời điểm má còn hấp hối, tôi cứ vuốt đầu má như má thường vuốt đầu mình lúc nhỏ và thì thầm vào tai má: "má ơi, má cứ ra đi đi, đi cho nhẹ nhàng. Ông bà, ba đang đợi má. Má yên tâm, con trưởng thành rồi, lớn rồi, con tự lo được rồi, má không phải lo lắng gì cả".
Tôi cứ thì thầm điều đó hoài trong lỗ tai má giống như lúc mình còn nhỏ, má hay thì thầm lỗ tai mình nói "mau hết bệnh nghe con, mau hết bệnh nghe con".
Giờ má đi rồi, tôi lại yên tâm. Má là người phụ nữ cả cuộc đời chỉ nghĩ tới chồng con mà giờ còn phải chịu đau thể xác nữa thì tôi không cam lòng.
Má tôi tuổi Canh Ngọ, cái tuổi mà tử vi nói lúc ra đi không được thấy người thân của mình. Khi má tôi qua đời, tôi đang đứng trên sân khấu tập tuồng "ngày xửa ngày xưa", không có ở nhà.
Thật ra, suốt buổi sáng má hấp hối, tôi ở nhà chờ nhưng không chờ được, phải đi tập vở. Tôi giao nhiệm vụ đó cho 2 chị lớn. 2 chị cứ đứng kế bên đọc kinh cho má nghe để má đi mà má không đi. Nhưng khi hai chị vừa bước chân quay ra nhà sau uống nước thì má đi.
Má ra đi mà con cái không ai thấy, dù đang ở gần đó. Má trút hơi thở cuối cùng mà không được thấy đứa con nào bên cạnh.
Tôi biết, trong cuộc đời má, chắc chắn cũng có lúc tủi thân vì có những lúc chồng và những đứa con không hiểu mình. Dù tới bây giờ, chúng tôi cũng không biết bà tủi thân vì chuyện gì. Tôi không biết mình có lỗi lầm gì mà tới lúc này, khi má đã ra đi, mình vẫn không hay biết về lỗi lầm ấy với người đã sinh ra mình.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguyễn Huy- Nguyễn Hương/Tri Thức Trẻ