Mới đây, một bộ sưu tập của nhà thiết kế Trung Quốc trông y chang áo dài của Việt Nam và công chúng Việt tỏ rõ sự phẫn nộ về vấn đề này.
Có một số ý kiến cho rằng áo dài của Việt Nam xuất phát từ chiếc sườn xám của Trung Quốc là hoàn toàn không chính xác.
Chia sẻ với phóng viên, NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng bản thân chiếc áo dài của Việt Nam vốn dĩ có từ lâu đời. Một NTK của Trung Quốc lấy áo dài của Việt Nam và cho rằng đó là bộ sưu tập mới của họ thì chứng tỏ chiếc áo dài của Việt Nam rất là đẹp. Anh cho rằng chiếc áo dài Việt Nam phát triển từ chiếc áo tứ thân của các cụ ngày xưa hay mặc. "Ngay cả việc thiết kế cũng khác chứ không thể nói là chiếc áo dài Việt phát triển từ sườn xám được. Chiếc áo dài từ cổ của nó đến phần xẻ tà đều được cắt sao cho khéo, cổ áo được phát triển lên như cánh hoa, còn sườn xám chính là cổ có cúc, tay dài hoặc tay lỡ đều rộng. Quan trọng hơn hết là sườn xám chính là chiếc đầm không có quần, còn áo dài Việt phát triển từ áo tứ thânvà có quần."
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam với bộ sưu tập của mình
Áo dài từ xưa đã là bộ trang phục truyền thống Việt Nam, xuất hiện từ năm 1744. Năm 2002, áo dài đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam, riêng biệt hẳn với các nước khác trên toàn thế giới. Mặc dù, sườn xám Trung Quốc và áo dài Việt có nhiều nét tương đồng nhưng không khó để nhận ra mẫu thiết kế là áo dài khác biệt khá nhiều so với sườn xám, hay nói cách khác hoàn toàn không có thể biến tấu từ sườn xám. Với những mẫu thiết kế của một NTK bên Trung Quốc, rõ ràng những gì được xem là thiết kế mới đấy, chính xác là áo dài.
Chia sẻ về việc cần bảo vệ hình ảnh cũng như thiết kế chiếc áo dài của người Việt Nam trong tương lai, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: "Việc bảo vệ ý tưởng của chiếc áo dài Việt Nam, tôi cho rằng từ thế hệ trẻ phải có ý thức trong việc bảo tồn cũng như phát huy hình ảnh của người Việt. Việc Trung Quốc cho rằng chiếc áo dài như sườn xám của họ chẳng khác nào âm mưu "đường lưỡi bò" thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc. Chúng ta phải lập luận, bảo vệ hình ảnh, thiết kế của chiếc áo dài của nước mình trong các bộ sưu tập mới được trình diễn ở trong và ngoài nước. Thay vì chúng ta chia sẻ phản đối chúng ta có thể tổ chức các chương trình tôn vinh áo dài Việt. Ví như cá nhân tôi cũng mang bộ sưu tập áo dài của mình đi sang các nước trong các tuần lễ thời trang, hay ra bộ sưu tập áo dài in hình quốc kỳ của các nước để giới thiệu. Đó chính là một trong những cách bảo vệ hình ảnh áo dài Việt một cách tốt nhất."
Những mẫu thiết kế áo dài Việt Nam bị một NTK của Trung Quốc bắt chước
Cũng đồng ý với quan điểm của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, NTK Anh Thư cho bết chiếc áo dài Việt được thiết kế với vai và tay áo ráp lăng, phát triển từ chiếc áo tứ thân và duy nhất chỉ có áo dài Việt Nam là có quần để mặc kèm áo xẻ tà. Còn sườn xám chỉ là kỹ thuật cắt may theo mảnh và ráp vào với nhau, liền thân như chiếc váy liền vì chính sườn xám là phát triển từ váy, một dạng đầm hiện đại. "Tôi không hiểu từ một bộ sưu tập từ năm 2018 được trình diễn khá lâu giờ lại bị khui ra, đây không biết có phải có vấn đề gì không nhưng tôi cho rằng mọi việc cần phải có động thái bảo vệ tà áo dài của người Việt Nam từ xưa đến nay." - NTK Anh Thư cho hay.
Cũng chia sẻ trên báo chí, NTK áo dài Sĩ Hoàng cũng khẳng định từ năm 2008 anh đã có dịp nhìn thấy trang phục áo dài của VIệt Nam trong tủ trang phục của họ vì Trung Quốc có 56 dân tộc trong đó có cả dân tộc Kinhnên việc họ có âm mưu khuyếch trương chiếc áo dài, nón lá của người Việt về mặt văn hóa là điều dễ hiểu. "Bản thân tôi sau phát hiện năm 2008, trở về nước cũng nhanh chóng có hành động, cố gắng thành lập Bảo tàng Áo dài một cách nhanh nhất, tất cả tên miền có tên bảo tàng áo dài tôi đều mua hết. Và tôi đã ra mắt được Bảo tàng áo dài của mình vào năm 2012”- NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, Tuần lễ thời trang xuân/hè 2020 Trung Quốc có sự tham gia của hơn 200 nhà thiết kế trong và ngoài nước. Tuần lễ này cũng sẽ trình diễn hơn 100 chương trình biểu diễn và các cuộc thi thời trang, bên cạnh đó là hơn 30 sự kiện đặc biệt. |