Nicole Mann là người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên du hành vũ trụ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy một phi hành đoàn gồm 4 thành viên bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hôm 5.10.

Nữ phi hành gia người Mỹ bản địa đầu tiên choáng ngợp trước vẻ đẹp của Trái đất

Bảo Vĩnh | 20/10/2022, 13:40

Nicole Mann là người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên du hành vũ trụ khi nhận nhiệm vụ chỉ huy một phi hành đoàn gồm 4 thành viên bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hôm 5.10.

firt-woman-ap-1(1).jpeg
Phi hành gia Nicole Mann trên ISS - Ảnh: AP

Phi hành gia Nicole Mann đang có nhiệm vụ nghiên cứu dài 5 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cô mô tả việc nhìn ngắm Trái đất từ trên ISS: "Cảm xúc hoàn toàn tràn ngập, đó là một khung cảnh tuyệt vời của màu sắc, mây và đất. Thật khó để không ở trong vòm quan sát cả ngày để nhìn thấy hành tinh của chúng ta đẹp, duyên dáng và mong manh dường nào".

Nicole Mann mang theo một chiếc vòng “bắt lấy giấc mơ” - một đồ vật truyền thống của bộ tộc được cho là “bùa bảo vệ”. Cô từng là một quân nhân thủy quân lục chiến Mỹ tham gia chiến trường Iraq, trước khi được nhận vào làm việc ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2013.

Mann nói chiếc vòng là món quà mà mẹ tặng khi cô còn bé. Cô luôn trân quý vì nó đem lại sức mạnh và năng lượng tích cực vào những lúc cô phải đối mặt với những thách thức.

Mann luôn nhớ lời dạy của mẹ về tầm quan trọng của năng lượng tích cực vốn giúp kiểm soát thái độ của bản thân, nhất là vào ngày cô được phóng lên ISS hôm 5.10. Mann còn cho biết gia đình và cộng đồng tộc Wailacki ở Bắc California đã cầu nguyện cho cô.

Nicole Mann (45 tuổi) hiện là đại tá thủy quân lục chiến và phi công bay thử nghiệm. Cô có chồng là một cựu phi công chiến đấu cơ của hải quân Mỹ, và một cậu con trai 10 tuổi. Mann kể lúc còn bé cô rất thích ngắm sao trời và không gian, nhưng không biết ai đã trở thành phi hành gia hoặc thậm chí không biết họ làm việc gì trên không gian.

Mann không ngờ bây giờ cô lại là người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên du hành vũ trụ, bay vòng quanh Trái đất ở cao độ 420 km trong tình trạng không trọng lực, và cô hy vọng được nhìn thấy tận mắt các tinh tú. Mann cũng khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi ước mơ của mình.

Cô nói: “Tôi rất tự hào được đại diện cho người Mỹ bản địa và di sản của tôi. Điều quan trọng là phải tôn trọng sự đa dạng của nhóm tham gia sứ mệnh, nhận thức tầm quan trọng của nó khi chúng tôi cộng tác và đoàn kết. Điều này có thể mang lại những thành tựu đáng kinh ngạc”.

Trước đó, người Mỹ bản địa duy nhất từng khám phá không gian là John Herrington, người từng thực hiện sứ mệnh vào năm 2002. Ông đã về hưu và là người của bộ lạc Chickasaw.

Nicole Mann được đưa lên ISS bằng tàu vũ trụ của SpaceX vào ngày 5.10 và đến ISS từ ngày 7.10. Cô sẽ ở trên trạm cho đến tháng 3 năm sau. Cùng bay với Mann là đại úy hải quân Mỹ Josh Cassada và Anna Kikrina (38 tuổi) - nhà phi hành Nga đầu tiên lên ISS kể từ 25 năm nay. 

Anna Kikrina là người phụ nữ Nga thứ 5 được phóng vào không gian. Việc Kikrina tham gia chuyến bay này cho thấy sự hợp tác giữa Nga - Mỹ trong lĩnh vực không gian vẫn được duy trì, bất chấp các căng thẳng địa chính trị.

Trước đó hai tuần, nhà phi hành NASA Frank Rubio người Mỹ được tên lửa Soyuz của Nga đưa lên ISS cùng với hai người khác. Nga đã cam kết tham gia hoạt động trên ISS cho đến năm 2024, trước khi lập một trạm riêng trong quỹ đạo vào cuối thập niên này.

ISS đang là “nhà” của 3 người Mỹ, 3 người Nga và phi hành gia người Nhật Koichi Wakata (59 tuổi). Đây là chuyến bay lên ISS thứ năm của ông Wakata, người sẽ ở trên ISS 6 tháng để thực hiện các thí nghiệm cho chương trình thám hiểm Mặt trăng.

Chuyến bay lên ISS mới nhất do tàu vũ trụ Crew Dragon và tên lửa Falcon 9 của công ty tư nhân SpaceX thực hiện. Các phi hành gia dự kiến sẽ thực hiện khoảng 200 thí nghiệm trong suốt thời gian 150 ngày trên ISS, trong đó có nhiều thí nghiệm tập trung vào nghiên cứu y học như in 3D mô người, nghiên cứu vi khuẩn được nuôi cấy trong môi trường vi trọng lực.

Bài liên quan
NASA có thể không có trạm vũ trụ thay thế khi ISS ngừng hoạt động
Ban cố vấn về an toàn của NASA đã cảnh báo rằng cơ quan này có thể không kịp thời chuyển đổi từ ISS sang các trạm vũ trụ thương mại và sẽ để lại khoảng trống trong sự hiện diện của Mỹ ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ phi hành gia người Mỹ bản địa đầu tiên choáng ngợp trước vẻ đẹp của Trái đất