Thông báo việc sẽ rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2024 của Nga đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh tương lai của tiền đồn không gian này.
Cuộc chiến tại Ukraine khiến quan hệ Nga - phương Tây lao dốc, loạt lệnh trừng phạt do Mỹ cùng đồng minh áp đặt đối với Nga ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, kể cả hàng không vũ trụ.
Vào tháng 3, cựu lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cảnh báo nếu không có phía Moscow hợp tác thì ISS có thể sẽ lao xuống Trái đất trên lãnh thổ Mỹ hoặc châu Âu. Tuy nhiên chỉ mới hai tuần trước, Nga - Mỹ còn cam kết đưa phi hành gia của nhau lên trạm.
Giám đốc Viện Chính sách vũ trụ (thuộc Đại học George Washington) Scott Pace nhận xét thông báo mới nhất từ Yury Borisov - người kế nhiệm ông Rogozin - không hẳn là xấu. Thông báo cho thấy Nga không định rút khỏi ISS sớm hơn năm 2024, trong khi mốc “sau 2024” chưa rõ ràng.
2024 là năm mà các đối tác đã thống nhất từ trước, mặc dù Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu giữ trạm ISS trên quỹ đạo ít nhất cho đến năm 2030, sau đó chuyển sang dùng một số trạm vũ trụ tư nhân nhỏ hơn.
Bước tiếp theo trong quy trình là thông báo cho một ủy ban quản lý đa phương tập hợp mọi đối tác ISS (Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada). Quá trình chuyển đổi sẽ được xác định.
Nếu làm đúng quy trình thì Nga cần mất thời gian để kết thúc chương trình không gian đáng tự hào của họ. Moscow dường như chưa định sớm thiết lập trạm không gian mới.
ISS liệu có thể hoạt động khi không có Nga?
Câu trả lời là có, nhưng sẽ rất khó khăn.
ISS được phóng vào năm 1998 - thời điểm thế giới kỳ vọng Mỹ - Nga hợp tác sau thời kỳ chạy đua lên không gian hồi Chiến tranh lạnh. Từ khi Mỹ dừng chương trình tàu con thoi, trạm không gian này lâu nay dựa vào hệ thống đẩy của Nga để định kỳ duy trì quỹ đạo ở độ cao 400km so với mực nước biển. Phía Mỹ chịu trách nhiệm hệ thống điện cùng hệ thống hỗ trợ sự sống.
Gần đây Mỹ tìm cách có được hệ thống đẩy độc lập thông qua tàu vũ trụ Cygnus của tập đoàn Northrop Grumman vừa thử nghiệm thành công vào tháng 6.
Tuy nhiên Cygnus còn khiếm khuyết. Nhà quan sát không gian Jonathan McDowell cho biết: “Tàu có thể đẩy nhưng không thể giữ cho ISS di chuyển đúng hướng khi đẩy”.
Bản thân ISS có thể tự điều chỉnh hướng ở mức nhỏ. Nhưng nếu Nga rút khỏi thì Mỹ cần tìm giải pháp lâu dài hơn, có lẽ là sử dụng tàu vũ trụ Dragon của SpaceX hoặc Cygnus, Orion của Northrop Grumman.
Nga sở hữu 2 hệ thống đẩy: một hệ thống gắn với ISS và module Zvezda. Cả hai đều do Nga vận hành.
Nhà quan sát McDowell cho biết sẽ rất tốt nếu Nga để lại những gì họ đóng góp thay vì tháo bỏ. Tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa chắc chắn.
Dự báo của giới chuyên gia
NASA hiện vẫn giữ thái độ tự tin. Theo giám đốc chương trình ISS Joel Montalbano: “Chúng tôi đang và sẽ vận hành đến năm 2030. Những ai nghĩ có kế hoạch khác thì họ đã lầm”.
Tuy quyết định rút khỏi của Nga đem lại cơ hội cho đơn vị tư nhân tham gia, nhưng nhà quan sát McDowell lưu ý rằng mức độ Mỹ thực sự muốn để ISS vận hành thêm vài năm vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
“Cố hết sức để cứu ISS có thể không phải hành động đúng đắn. Đặc biệt vì NASA có mục tiêu lớn hơn là xây trạm vũ trụ tên Gateway nhằm thiết lập hiện diện trên Mặt trăng tạo điều kiện tiến lên sao Hỏa. Có lẽ họ nên lấy quyết định rút khỏi của Nga làm cớ để nói “tạm biệt”, đầu tư tiền vào phát triển Gateway”, theo nhà quan sát McDowell.