Semeru, ngọn núi cao nhất Indonesia phun trào vào chiều 4.12, gây ra những cuộn mây khí và dòng nham thạch tuôn chảy như sông.
Tro bụi phủ trắng nhiều làng, che khuất mặt trời, nhưng chưa có thông tin về số thương vong, tổn thất. Hàng trăm cư dân mặt lấm bụi tro ướt vì mưa nhiệt đới đã chạy đến các điểm trú ẩn hoặc những nơi an toàn khác. Chính quyền nói có gần 2.000 dân đã được sơ tán.
Núi lửa Semeru ở phía đông đảo Java, cách thủ đô Jakarta (Indonesia) khoảng 640km. Chính quyền Java đã nâng mức báo động núi lửa lên mức cao nhất, có nghĩa các vùng dân cư đông đúc trên đảo Java bị đe dọa, và sự hoạt động của núi lửa Semeru có thể gia tăng, buộc chính quyền phải mở rộng vùng nguy hiểm lên 8km tính từ chân núi, theo người phát ngôn Hendra Gunawan của Trung tâm Đối phó thiên tai địa chất (PVMBG). Ông còn cho biết người dân được khuyến cáo tránh xa vùng đông nam cách sông Besuk Kobokan, bởi đó là tuyến chảy của dòng dung nham.
Mùa mưa nhiệt đới làm xói mòn và cuối cùng làm sập vòm nham thạch trên miệng ngọn núi lửa cao 3.676m, gây ra phun trào, theo người phát ngôn Abdul Muhari của Cơ quan Đối phó thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB).
Người dân ở các làng lân cận được khuyến cáo tránh một khu vực dọc sông theo hướng dòng nham thạch chảy xuống.
Núi lửa Semeru từng phun trào mạnh hồi tháng 12.2021, khiến 51 người chết tại các ngôi làng bị vùi trong lớp bùn nóng. Hàng trăm người khác bị thương, bị phỏng và chính quyền phải sơ tán hơn 10.000 người, chuyển 2.970 căn nhà ra khỏi vùng nguy hiểm.
Núi lửa Semeru, còn có tên núi lửa Mahameru, đã hoạt động nhiều lần trong vòng 200 năm qua. Indonesia có 129 núi lửa hoạt động, nhiều núi lửa gần các vùng dân cư đông đúc.
Indonesia có hơn 270 triệu dân, gồm hàng ngàn đảo, nằm trong khu vực xảy ra nhiều động đất, do nằm trong “Vành đai lửa Thái Bình Dương” gồm nhiều núi lửa và vệt đứt gãy quanh vùng chậu Thái Bình Dương.