Bất chấp các cuộc tấn công tên lửa và tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên, 190.000 học sinh còn lại ở Kyiv (Ukraine) vẫn tiếp tục học trực tuyến hoặc trực tiếp.
“Nếu không có ánh sáng, đôi lúc rất khó để nhìn thấy khi đang viết”, Yulia (13 tuổi) - học sinh ngồi hàng ghế đầu trong một lớp học tiếng Anh cùng khoảng chục bạn học ở ngoại ô phía tây thành phố - cho biết.
Dù trường học của em bị cắt điện thường xuyên như nhiều tòa nhà khác ở Kyiv, giới chức thành phố vẫn khẳng định học sinh có thể hoàn thành học kỳ hiện tại kết thúc vào ngày 23.12.
Cố vấn chính quyền Kyiv Oleksiy Kurpas nhấn mạnh: “Chúng ta cần cầm cự trong 3 tuần này”. Ông Oleksiy Kurpas hy vọng năm học sẽ vẫn kéo dài đến mùa hè nhưng tình hình rất ảm đạm. Gần 50% lưới điện Ukraine bị phá hủy và các cuộc tấn công tên lửa chắc chắn còn diễn ra.
Khoảng 85% nhân viên trường học vẫn ở lại Kyiv nhưng chỉ có 60% học sinh không rời đi. Nhiều học sinh sơ tán đến nơi an toàn hơn hoặc ra nước ngoài tị nạn. Vì vậy các trường áp dụng kết hợp học trực tuyến với trực tiếp.
Học trực tuyến thu hút đông đảo học sinh vì thành phố vẫn còn thiếu đến 35.000 hầm trú ẩn trong trường học cho nhân viên và học sinh mỗi khi có không kích. Khi thành phố mất điện, cả người học lẫn người dạy đều gặp khó khăn.
Masha (16 tuổi) - chăm chỉ ghi chép trong giờ học toán hình học - kể về tình trạng gián đoạn lúc học trực tuyến: “Nếu internet bị mất khi giáo viên kiểm tra, chúng em không tải được bài”. Giáo viên Olena Roman cũng cho biết không thể giao bài tập về nhà lúc mất điện đột ngột và học sinh học từ xa thường khó tham gia khi nhà không có điện.
Tầm phủ sóng điện thoại tại Kyiv giảm đáng kể vì trong thời gian mất điện, các trạm phát sóng phải sử dụng pin dự phòng với nguồn điện dự trữ hạn chế.
Cố vấn Kurpas thừa nhận đây là vấn đề lớn. Ông đảm bảo mọi biện pháp khả dĩ - chẳng hạn như chuyển qua ứng dụng nhắn tin - đang được thực hiện.
Giáo viên Roman khẳng định trường của bà vẫn giảng dạy bất chấp tình cảnh bấp bênh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc. Chúng tôi có một máy phát điện, cho phép chúng tôi làm việc trong mọi tình huống”.
Các trường tư thục có nguồn tài chính lớn để ứng phó tình trạng gián đoạn. Một trường nhỏ ở phía bắc Kyiv thậm chí còn lập trung tâm sưởi ấm cho phụ huynh muốn tìm nơi tạm trú ấm hơn căn nhà tối đen, lạnh lẽo.
“Tôi dành cả buổi sáng tại đây. Có khá nhiều phụ huynh, khoảng 15 người, tận dụng cơ hội làm việc”, phụ huynh Daria cho biết.