Mauna Loa là núi lửa lớn nhất thế giới còn hoạt động và sự phun trào của núi mới đây đã làm gián đoạn hoạt động quan sát sự phát thải khí nhà kính của trạm quan sát thực hiện phép đo Đường cong Keeling nổi tiếng.

Núi lửa phun trào ở Hawaii gây gián đoạn phép đo khí thải CO2

Bảo Vĩnh | 30/11/2022, 19:40

Mauna Loa là núi lửa lớn nhất thế giới còn hoạt động và sự phun trào của núi mới đây đã làm gián đoạn hoạt động quan sát sự phát thải khí nhà kính của trạm quan sát thực hiện phép đo Đường cong Keeling nổi tiếng.

Hoạt động quan sát này được tiến hành tại trạm của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA, Mỹ) đặt trên đỉnh núi lửa Mauna Loa ở bang Hawaii. Ngọn núi cao 4.169 mét so với mực nước biển này sau 38 năm “ngủ yên” đã bắt đầu phun trào dung nham từ lúc 23 giờ 30 khuya 28.11.    

hawaii-mauna-loa-ap-1.jpeg
Dòng dung nham chảy từ núi lửa Mauna Loa - Ảnh: AP

Theo các nhà địa chất, dòng dung nham cao từ 30 đến 60 mét đã phun trào từ miệng núi lửa Mauna Loa, và 4 vết nứt đã mở ra trên ngọn núi hùng vĩ. Những đám khói to lớn và hơi nước không ngừng bốc lên từ ngọn núi chiếm một nửa Đảo Lớn.

Có thể trông thấy núi lửa hoạt động từ Kona, một điểm đến du lịch ở vùng biển phía tây của đảo.

hawaii-mauna-loa-ap-2.jpeg
Khói dung nham nóng chảy trên sườn núi Mauna Loa - Ảnh: AP

Ngày 30.11, Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học bang California cho biết “thiết bị đo khí thải CO2 để duy trì phép đo Đường cong Keeling đã bị mất điện lúc 18 giờ 30 tối 28.11 và hiện không ghi dữ liệu”. 

Phép đo Đường cong Keeling được đặt theo tên nhà khoa học quá cố Charles David Keeling, là tiêu chuẩn toàn cầu cho mức carbon ổn định trong khí quyển. Vị trí trạm quan sát NOAA được ông Keeling chọn là điểm lý tưởng để đo lượng khí thải, do là một vùng hẻo lánh tương đối và không có cây cối. 

Ông Keeling từng theo dõi sự thải phát CO2 tại trạm NOAA từ năm 1958. Con trai ông là nhà khoa học địa chất Ralph Keeling đang làm việc ở Viện Scripps nói với Washington Post ngày 30.11 về sự phun trào dung nham trên núi lửa nằm ngay giữa Đảo Lớn của Hawaii: “Đó là một cuộc phun trào lớn” và mô tả viễn cảnh theo dõi khí thải CO2 từ trạm NOAA là “rất rắc rối”. 

Trước đó, Viện Scripps cho biết trên Twitter, sự phun trào “đang chảy sát gần trạm quan sát” và có lẽ phải đóng các thiết bị đo đạc. 

Người phát ngôn NOAA cho biết, vào khuya 29.11, dòng dung nham đã chảy lan sang một con đường lên trạm và làm mất nguồn điện tại đây. Nhân viên trạm vẫn an toàn nhưng không thể tiếp cận trạm vào lúc này. 

Tình trạng mất điện hiện nay không phải là lần duy nhất làm gián đoạn việc thực hiện các phép đo lượng khí thải CO2. Viện Scripps cho biết “đã có vài lần” không có được dữ liệu, và cũng có “những giai đoạn dài không đo được” vào năm 1964, khi nguồn kinh phí của các cơ quan liên bang bị cắt giảm, dẫn đến việc hoạt động ở trạm NOAA ở núi Mauna bị “treo” trong vài tháng. 

Mauna Loa đã phun trào 33 lần kể từ năm 1843, và lần gần nhất kéo dài 22 ngày hồi tháng 4.1984, tạo ra dòng dung nham di chuyển chỉ cách thành phố Hilo khoảng 8 km. Lần phun trào này cũng gây mất điện, khiến trạm NOAA không thể hoạt động từ ngày 26.3 đến 29.4.1984, trước khi máy phát điện được chở tới và nối lại hoạt động đo đạc.   

Các biện pháp đo đạc từ đỉnh núi Mauna Loa trong hàng chục năm qua đã quy trách nhiệm cho hoạt động của loài người khiến Trái đất nóng dần lên, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Mùa hè qua, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã phát hiện lượng khí thải carbon dioxide trong khí quyển đã tăng cao tới mức chưa từng thấy trong 2 triệu năm qua. 

NOAA tuyên bố có sự nhận định lan truyền rằng các phép đo ở Mauna Loa “phản ánh sự thật về khí quyển trái đất của chúng ta” vì nhiều lý do, gồm độ cao gần đỉnh núi là vị trí lý tưởng để đo đạc là “tượng trưng cho nhiều khu vực lớn”. NOAA nhấn mạnh tất cả các phép đo đều được thực hiện thường xuyên và kỹ lưỡng. 

Hiện tại, dòng dung nham không đe dọa nhà cửa hoặc các cộng đồng dân cư, chính quyền Hawaii không công bố lệnh sơ tán. Dòng dung nham có thể chảy xuống vùng ngoại ô dưới chân núi nhưng phải mất vài tuần nữa thì đá nóng chảy mới tràn tới các vùng dân cư. 

Mauna Loa đang phun trào khí sulfur dioxide cùng các khí núi lửa khác, tạo ra khói núi lửa khi chúng kết hợp với hơi nước, oxy và bụi mịn. Vì thế, các nhà y tế khuyến cáo người dân không nên hoạt động thể chất ngoài trời cùng các hoạt động khác khiến phải thở sâu. Dù dung nham hiện không là mối nguy cơ cho dân cư trong vùng nhưng các nhà khoa học vẫn cảnh báo, gió có thể phát tán khí từ núi lửa và bụi mịn. 

Bài liên quan
Khó khăn trong giám sát núi lửa vừa phun trào ngoài khơi Tonga
Giám sát ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai trở nên khó khăn vì vụ phun trào cuối tuần trước đã phá hủy miệng núi lửa trên mặt nước và một phần lớn của nó đã sụp đổ chìm xuống biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
28 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Núi lửa phun trào ở Hawaii gây gián đoạn phép đo khí thải CO2