Không cần hộ chiếu, visa, mức lương lại hấp dẫn…nhiều lao động tại Nghệ An đã bất chấp mọi cảnh báo ồ ạt kéo nhau qua Trung Quốc làm việc. Đó là một cuộc sống chui lủi, làm việc quần quật và có cả chết chóc.
Nhiều lao động trẻ vị thành niên
Trở về nhà sau gần 1 năm lao động ‘chui’ ở Trung Quốc do tình hình căng thẳng trên biển Đông, anh Nguyễn Văn Long (trú huyện Yên Thành) lại tiếp tục chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc để làm việc.
“Ở nhà chẳng biết làm gì nên chán lắm, đợt tháng 5 vừa rồi tình hình hai nước căng thẳng nên bọn mình phải bỏ về đến giờ chưa dám qua lại. Giờ nghe nói cũng ổn định rồi nên ít bữa nữa mình sẽ qua làm tiếp mong thuân lợi kiếm thêm ít tiền gửi về phụ anh trai học tập”, Long cho biết.
Theo anh Long thì để qua Trung Quốc làm việc rất đơn giản, nhưng phải chấp nhận ‘hên xui’.
Hiện trên địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An) có rất nhiều ‘cò’ nhận đưa người sang Trung Quốc để làm việc. Không cần các loại giấy tờ tùy thân mà chỉ cần đưa cho ‘cò’ từ 6-8 triệu đồng/người để được làm việc tại Trung Quốc.
Lao động VN vượt biên bất hợp pháp bằng đường bộ qua các ngọn núi để sang Trung Quốc làm việc. |
Nguyễn V. Đ., một ‘cò’ chuyên đưa người sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp tại huyện Yên Thành cho biết, muốn sang Trung Quốc làm việc thì chỉ cần nộp cho Đ. 7 triệu đồng. Chỉ cần chuẩn bị các đồ dùng cá nhân cần thiết chứ không cần bất kể giấy tờ gì, mọi việc sẽ do Đ. lo.
“Công việc nhẹ nhàng, làm việc trong các xưởng sản xuất, mức lương mỗi tháng là từ 8-10 triệu đồng tùy vào công việc mình làm. Cơm nước được chủ bao nên không phải lo một khoảng gì”, Đ. giới thiệu.
Cứ như vậy, người đi trước trót lọt, người ở nhà tiếp tục đi, người này rỉ tai người kia theo nhau qua Trung Quốc. Rất đông người dân ở các vùng quê nghèo, chủ yếu là thanh niên, thậm chí thiếu niên mới học hết lớp 7, lớp 8 cũng bỏ học sang Trung Quốc làm việc.
Thu xếp vội mấy bộ đồ cho đứa con trai đang học giữa chừng lớp 9 chuẩn bị theo bạn qua Trung Quốc làm việc, ông Thái Viết Trí (trú huyện Yên Thành) phân bua: “Để nó nghỉ học giữa chừng như thế này cũng buồn lắm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá. Ở nhà nó cũng chỉ lo làm việc mà chẳng học hành chi, thấy bạn bè bằng tuổi đi qua đó làm kiếm được tiền nó cũng nằng nặc đòi đi nên tôi cũng chấp nhận cho đi chuyến xem sao”.
Nghệ An là một trong những tỉnh thành có số lượng người vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động ‘chui’ khá lớn, tập trung chủ ở các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Quế Phong… Chỉ riêng một xóm ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành đã có cả trăm người đi làm việc tại Trung Quốc.
Ông Phan Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết: “Khánh Thành là một xã thuần nông nghèo nên nhiều người muốn tìm cơ hội thoát nghèo bằng cách xuất khẩu lao động. Hiện trên địa bàn cũng có rất nhiều lao động đi xuất khẩu lao động tại các nước, tình trạng lao động ‘chui’ tại Trung Quốc thì xã cũng có nghe nói qua nhưng chưa nắm bắt cụ thể”.
Qua Trung Quốc làm đồ chơi
Nhớ lại lần sang Trung Quốc làm việc vừa rồi, anh Trần Văn Bằng (trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, khi đã giao nộp tiền đầy đủ, ‘cò’ bảo anh cùng 9 người khác trong địa phương bắt xe ra cửa khẩu Móng Cái.
Tới nơi, ‘cò’ liền gọi điện thoại cho một người nói tiếng Trung Quốc rồi bảo họ đứng chờ ở ven đường quốc lộ. Khoảng 30 phút sau, có 1 người đàn ông đến đem cả nhóm gần 40 người đi bằng đường bộ băng qua các ngọn núi.
“Hôm đó trời mưa tầm tã nhưng cũng không được nghỉ mà phải đi vội vàng vì sợ công an. Nhiều đoạn bùn lên tận đầu gối, cả nhóm mệt lử nhưng không ai dám nói gì, đi bộ gần 1 ngày bọn mình mới được ô tô chở tới nơi làm việc”, anh Bằng nhớ lại.
Thanh niên cũng bỏ làng qua TQ lao động. |
Cũng theo anh Bằng thì đoạn đường biên giới là khó nhất nên ‘cò’ phải dùng nhiều cách để cho lao động Việt Nam vượt biên. Nhiều trường hợp phải đi vòng bằng thuyền, thậm chí là chui vào gầm xe để vượt biên.
Theo tìm hiểu, đa số người lao động được ‘cò’ đưa qua làm việc chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu… trong các xưởng sản xuất đồ chơi, đồ điện tử, phụ hồ... và phải làm việc quần quật 12 giờ mỗi ngày. Các lao động Việt Nam khi sang đây làm việc đều không dám ra ngoài vì sợ bị bắt.
“Ở đó là khu vực khá nhộn nhịp. Các gia đình đều có xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em. Khi tới nơi, ‘cò’ sẽ phân chia công việc cho từng người. Chúng tôi chỉ biết có làm rồi ăn và ngủ chứ chẳng dám đi đâu cả vì không có giấy tờ gì nếu bị công an ‘tóm’ là xong”, anh Bằng cho biết.
Niềm Phạm