Tác động từ vấn đề môi trường của Trung Quốc đối với thế giới hiện đang trải rộng ra hàng loạt các lĩnh vực, từ lượng khí phát thải nhà kính cho đến sự phát triển của công nghệ xe điện và thị trường hàng hóa toàn cầu.

Ô nhiễm của Trung Quốc đang tác động đến toàn thế giới như thế nào?

12/03/2018, 06:31

Tác động từ vấn đề môi trường của Trung Quốc đối với thế giới hiện đang trải rộng ra hàng loạt các lĩnh vực, từ lượng khí phát thải nhà kính cho đến sự phát triển của công nghệ xe điện và thị trường hàng hóa toàn cầu.

Ô nhiễm không khí tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc - Ảnh: Internet

Một trong những mặt trái sự trỗi dậy của Trung Quốc trên con đường trở thành nền kinh tế số hai thế giới của nước này, nhưng lại rất ít khi được đề cập đến, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ai cũng biết rằng Trung Quốc hiện đang là một trong những nước có mức độ ô nhiễm cao nhất trên thế giới, khi bầu trời ở các thành phố của nước này hiếm khi có màu xanh. Nhưng có lẽ ít người biết rằng cả thế giới cũng đang phải gánh chịu không ít tác động và hậu quả từ vấn đề tưởng như chỉ của riêng Trung Quốc này.

Tác động từ vấn đề môi trường của Trung Quốc đối với thế giới hiện đang trải rộng ra hàng loạt các lĩnh vực, từ lượng khí phát thải nhà kính cho đến sự phát triển của công nghệ xe điện và thị trường hàng hóa toàn cầu.

Trước hết là vấn đề lượng khí thải. Bốn thập kỷ tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế và các lĩnh vực sản xuất đã biến Trung Quốc thành nước phát thải Carbon lớn nhất trên thế giới, và nói cách khác, chính Trung Quốc là một trong những nước phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu trên toàn cầu, dù Bắc Kinh vẫn cố tỏ ra rằng ô nhiễm chỉ là vấn đề nội bộ của nước này.

Nhưng cũng đúng là Trung Quốc đang phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc cho vấn đề ô nhiễm môi trường do chính nước này gây ra. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu Berkeley Earth, tính đến năm 2015, ô nhiễm môi trường là lý do gây ra cái chết cho khoảng 1,6 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh công nghiệp phía Bắc như Sơn Tây - nơi cung cấp phần lớn lượng than cho cả nước - hay Hà Bắc - khu vực sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.

Ở các tỉnh này, nồng độ bụi PM 2,5 trong không khí đạt mức cao nhất trên thế giới, trong khi đây là loại bụi có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nhất do chúng có thể bị mắc kẹt trong phổi. Tình trạng ô nhiễm đó còn lan sang cả Mông Cổ và Hàn Quốc.

Những nỗ lực làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường của Chính phủ Trung Quốc vì thế không chỉ có tác động tích cực với người dân nước này, mà còn với cả vấn đề môi trường của thế giới. Khi lượng khí thải của Trung Quốc giảm, thì các vấn đề môi trường toàn cầu cũng sẽ được cải thiện. Quốc hội Trung Quốc vào năm ngoái đã cam kết một khoản chi khoảng 6,4 tỉ USD để cải thiện môi trường, và sẵn sàng giảm tốc độ tăng trưởng GDP để giảm ô nhiễm thông qua việc cắt giảm các ngành sản xuất gây ô nhiễm nhất như than và thép.

Cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc cũng hướng đến một mục đích khác, đó là hướng tới sự thống trị trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện trên toàn cầu. Dù Tesla có thể là nhà sản xuất xe điện nổi tiếng nhất thế giới, thì Trung Quốc mới đang là quốc gia đứng đầu thế giới về doanh số từ năm 2015 đến nay.

Theo ước tính đến năm 2025, mỗi năm thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 7 triệu xe điện. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang trợ cấp cho các hãng sản xuất trong nước và thắt chặt quy định đối với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Một trong những công ty được hưởng lợi nhất là Geely - hãng xe nội địa Trung Quốc mới đây vừa trở thành cổ đông lớn nhất của hãng xe danh tiếng Daimler của Đức. Không nghi ngờ gì việc Trung Quốc đang đặt mục tiêu để trở thành cường quốc sản xuất xe điện lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới.

Ngoài xe điện, Trung Quốc cũng đang đặt cược vào các loại năng lượng tái tạo khác, điển hình là năng lượng mặt trời. Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 toàn cầu. Ngoài ra nước này cũng đang khai thác các công nghệ mới về năng lượng gió và hydro để trở thành nhà sản xuất năng lượng sạch lớn nhất thế giới.

Theo tính toán, dự báo đầu tư toàn cầu vào các loại hình sản xuất năng lượng sạch trong giai đoạn 2017-2040 sẽ đạt hơn 10.000 tỉ USD, trong số này 72% sẽ là các loại năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Trung Quốc chắc chắn là đang hướng đến việc thu được càng nhiều lợi ích càng tốt từ xu hướng nói trên. Nó chứng tỏ tầm nhìn thực dụng của các nhà lãnh đạo nước này, kể cả trong các vấn đề tưởng như chỉ giới hạn trong nội bộ quốc gia như ô nhiễm môi trường.

Nỗ lực giảm ô nhiễm của Trung Quốc cũng đang tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa toàn cầu. Việc cắt giảm công suất trong các lĩnh vực gây ô nhiễm nhất như than đá và sắt thép của Bắc Kinh đang khiến giá cả các loại hàng hóa này tăng vọt bắt đầu từ năm ngoái.

Và đây có thể là một trong những lý do khiến Tổng thống Donald Trump tăng mức áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó có Trung Quốc. Khi giá thép bắt đầu tăng từ giữa năm ngoái, thì rõ ràng là ông Trump có lý do để tăng rào cản với hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nhà sản xuất trong nước.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm của Trung Quốc đang tác động đến toàn thế giới như thế nào?