Nhiều lãnh đạo trên thế giới đã lên án tình trạng hỗn loạn tại Mỹ sau khi người ủng hộ ông Trump tràn vào quốc hội ngăn chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Obama kể tội Trump, lãnh đạo nhiều nước kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình

Hoàng Vũ | 07/01/2021, 10:00

Nhiều lãnh đạo trên thế giới đã lên án tình trạng hỗn loạn tại Mỹ sau khi người ủng hộ ông Trump tràn vào quốc hội ngăn chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Trên Twitter hôm 6.1, Thủ tướng Anh - Boris Johnson nói tình trạng hỗn loạn "là cảnh tượng đáng hổ thẹn tại Quốc hội Mỹ”.

“Mỹ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là phải diễn ra chuyển giao quyền lực hòa bình, có trật tự", ông Boris Johnson cho hay.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự lo lắng và đau buồn trước các cuộc tấn công ông cho là nhắm vào nền dân chủ Mỹ.

"Bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc đánh bại ý chí của người dân. Nền dân chủ Mỹ phải được duy trì và chắc chắn sẽ như vậy", ông Trudeau nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi cảnh tượng diễn ra ở Quốc hội Mỹ ngày 6.1 là "gây sốc". Ông kêu gọi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ phải được tôn trọng.

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU - Josep Borrell Fontelles cũng lên tiếng chỉ trích sự hỗn loạn do người biểu tình Mỹ gây ra là "cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ, các thể chế và pháp quyền Mỹ".

"Đây không phải nước Mỹ. Kết quả của cuộc bầu cử ngày 3.11 phải được tôn trọng", ông Fontelles nhấn mạnh.

capitol-protest-17.jpg
Người biểu tình ủng hộ Trump tại tòa nhà quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao EU khác, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen cũng kêu gọi Mỹ phải thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, đồng thời khẳng định ông Joe Biden đã thắng cử.

"Tôi rất mong được làm việc cùng ông ấy với tư cách là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ", bà Ursula von der Leyen nói.

Ngoài ra, người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama cáo buộc Tổng thống Mỹ kích động biểu tình bạo lực ở trụ sở Quốc hội Mỹ. "Lịch sử sẽ ghi nhớ bạo lực ngày hôm nay ở Quốc hội như là một điều đáng hổ thẹn của nước Mỹ và nó được kích động bởi một vị tổng thống đương nhiệm, người tiếp tục đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về kết quả cuộc bầu cử hợp pháp", Obama khẳng định.

Hỗn loạn ở Mỹ xảy ra khi đám đông biểu tình đối đầu với cảnh sát, hò hét ủng hộ Tổng thống Trump và bắt đầu xông vào nghị trường của Đồi Capitol (thủ đô Washington) chiều 6.1 (giờ Mỹ), khiến các nghị sĩ đang họp để chứng nhận phiếu đại cử tri phải sơ tán.

Một phụ nữ đã bị lực lượng an ninh bắn bên trong tòa nhà và tử vong tại bệnh viện, một số người cũng bị thương. Sau vài giờ bạo loạn, tình hình an ninh đã được ổn định, Quốc hội Mỹ đã triệu tập lại phiên họp lưỡng viện vào tối 6.1 (giờ Mỹ).

capitolio-1-scaled.jpg
Các nghị sĩ núp xuống ghế sau đám đông ủng hộ Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội hôm 6.1 - Ảnh: AP

Nhiều nghĩ sĩ Cộng hòa rút lại nỗ lực phản đối kết quả bầu cử

Sau khi xảy ra bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Loeffler của bang Georgia đã thay đổi quyết định về việc phản đối kết quả bầu cử tại bang Georgia.

“Bây giờ tôi không thể phản đối việc chứng nhận các phiếu đại cử tri này”, bà Loeffler nói.

Bên cạnh đó, hai Thượng nghị sĩ Cộng hòa Steve Daines và James Lankford cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu để xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden và gọi cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội là “ngày buồn cho đất nước”.

“Điều cần thiết bây giờ là cả quốc hội phải đoàn kết với nhau và bỏ phiếu chứng nhận kết quả bầu cử. Chúng ta phải đứng dậy cùng nhau như những công dân Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ hiến pháp của chúng ta và luật lệ”, Steve Daines và James Lankford tuyên bố.

Hai thượng nghị sĩ này nằm trong số 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử từng tham gia vào nỗ lực do thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Ted Cruz dẫn đầu nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri.

Các quan chức Nhà Trắng cân nhắc từ chức

Hãng tin CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết một số trợ lý cấp cao của Tổng thống Donald Trump, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, đang cân nhắc từ chức sau khi xảy ra bạo loạn biểu tình tại tòa nhà Quốc hội.

Ngoài ông O’Brien, Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger và Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Chris Liddell cũng được cho là cân nhắc từ chức. Trước đó, Chánh Văn phòng Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, bà Stephanie Grisham cũng tuyên bố từ chức.

Bài liên quan
'Chuyên gia' thẩm mỹ Mr Lee bị bắt vì xúc phạm người khác
Ngày 18.1, Trương Thanh Tịnh bị Công an TP.Thủ Đức khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Obama kể tội Trump, lãnh đạo nhiều nước kêu gọi chuyển giao quyền lực trong hòa bình