Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền đã góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu test xét nghiệm và Công ty Việt Á nhưng thông tin tuyên truyền này không đúng sự thật.

Ông Chu Ngọc Anh ký quyết định khen thưởng nhằm ‘đánh bóng test xét nghiệm của Việt Á’

Nhã Thanh | 19/08/2023, 12:22

Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền đã góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu test xét nghiệm và Công ty Việt Á nhưng thông tin tuyên truyền này không đúng sự thật.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Bị can Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN) là 2 cựu lãnh đạo của Bộ KH-CN bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gây thiệt hại gần 19 tỉ đồng.

Bị can Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH-CN) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

viet-a.jpg
Sản phẩm của Công ty Việt Á giới thiệu tại họp báo - Ảnh: T.L

Tổng giám đốc Việt Á thông đồng với lãnh đạo Vụ

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước trên thế giới, Chính phủ và Bộ KH-CN có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm do Bộ KH-CN phê duyệt, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (khi đó là Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH-CN) để công ty này phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Cụ thể, sau khi nhận được văn bản và phiếu đề xuất đặt hàng của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho văn thư Bộ KH-CN mà làm tờ trình báo cáo trực tiếp Chu Ngọc Anh đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN độc lập cấp quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và được Bộ trưởng đồng ý, đồng thời Bộ trưởng cũng ký Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn.

Trên cơ sở kết quả làm việc và kiến nghị của Hội đồng tư vấn, ông Chu Ngọc Anh ký Quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona. Trong đó, nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019” giao trực tiếp cho Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp.

tuan-lien-hung-6654.jpg
Bị can Trịnh Thanh Hùng - Ảnh: Bộ Công an

Ngày 5.2.2020, Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ KH-CN) ký Quyết định thành lập Hội đồng giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN nêu trên. Trên cơ sở làm việc của hội đồng và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN, Chu Ngọc Anh ký Quyết định phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức thanh toán và thời gian thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tổ chức chủ trì là Học viện Quân y, tổng kinh phí thực hiện là 18,98 tỉ đồng…

Do biết đề tài được Bộ KH-CN cấp kinh phí từ ngân sách, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước nên Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu đề tài.

Kết quả điều tra thể hiện để có kết quả nghiệm thu test xét nghiệm làm căn cứ cho Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, Trịnh Thanh Hùng đã báo cáo, được Phạm Công Tạc đồng ý cho nghiệm thu đề tài. Theo đó, Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu chủ nhiệm đề tài có văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1, từ đó Hùng đề nghị Thứ trưởng ký Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật không quy định việc nghiệm thu giai đoạn mà chỉ quy định nghiệm thu khi kết thúc đề tài.

Từ biên bản nghiệm thu của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1, đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho test xét nghiệm (không đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á). Từ đó, Phan Quốc Việt sử dụng biên bản này để Việt Á lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

pham-cong-tac.jpg
Ông Phạm Công Tạc tại buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu - Ảnh: T.L

Ông Chu Ngọc Anh giúp Việt Á nhận hàng loạt bằng khen

Theo kết luận điều tra, sau khi Bộ Y tế có Quyết định cấp số đăng ký tạm thời test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, 2 lãnh đạo Bộ KH-CN là Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã chỉ đạo để Bộ KH-CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu đề tài và ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng test xét nghiệm cho Việt Á và năng lực sản xuất của công ty này.

Tiếp đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo Trịnh Thanh Hùng tham mưu, phối hợp với Vụ Thi đua và Khen thưởng (Bộ KH-CN) hoàn thiện thủ tục để ký Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng KH-CN, ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt, cùng các thành viên nhóm nghiên cứu.

Chưa hết, ông Chu Ngọc Anh còn chỉ đạo một Thứ trưởng khác của Bộ KH-CN ký văn bản đề nghị để UBND TP.HCM đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho Việt Á về thành tích trong nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng test xét nghiệm.

Theo kết luận điều tra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài ra, để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được xuất khẩu ra nước ngoài, 2 người đã bàn bạc và cùng làm thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Mặc dù văn bản của WHO chưa cấp chứng nhận test xét nghiệm đạt chất lượng nhưng Trịnh Thanh Hùng đã cung cấp để đăng tải văn bản này lên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH-CN và đăng bài báo thể hiện thông tin sai sự thật.

chu-ngoc-anh-3-.jpg
Ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN) - Ảnh: Internet

Cơ quan điều tra kết luận: "Việc khen thưởng, thông tin, tuyên truyền nêu trên góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu test xét nghiệm và Công ty Việt Á. Việc đề nghị khen thưởng cho Việt Á là không đúng đối tượng, thông tin tuyên truyền không đúng sự thật".

Như vậy, cơ quan điều tra kết luận các hành vi nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Công ty Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Việt Á, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trong vụ án này, ông Chu Ngọc Anh bị xác định đã nhận tiền “cảm ơn” là 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, ông Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD. Phan Quốc Việt cũng thỏa thuận ăn chia tiền từ hoạt động kinh doanh của Việt Á và đưa Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD.

Bài liên quan
Tổng giám đốc Việt Á chi tiền tỉ ‘cảm ơn’ nhiều quan chức
Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt đã chi tiền "cảm ơn" cho các cá nhân là lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Chu Ngọc Anh ký quyết định khen thưởng nhằm ‘đánh bóng test xét nghiệm của Việt Á’