Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa khẳng định chủ trương của TP.HCM hoàn toàn không phải dọn dẹp vỉa hè, lòng đường để thu phí. Việc thu phí sử dụng tạm lòng lề đường, vỉa hè đã có từ trước.

Ông Lê Văn Khoa: Không có chuyện TP.HCM dọn vỉa hè để thu phí

Phan Diệu | 05/07/2017, 19:07

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa khẳng định chủ trương của TP.HCM hoàn toàn không phải dọn dẹp vỉa hè, lòng đường để thu phí. Việc thu phí sử dụng tạm lòng lề đường, vỉa hè đã có từ trước.

Ngày 5.7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.

Nhiều đại biểu bức xúc vụ vỉa hè

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân), việc lập lại trật tự lòng lề đường được lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt, thế nhưng đến nay lại tái xuất hiện tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè nên người dân rất bức xúc.

Đặc biệt, việc cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè khiến nhiều người nghi ngờ TP dẹp để thu tiền. Do đó, đại biểu này cho rằng lãnh đạo TP cần phải có giải thích rõ ràng về chủ trương này, cũng như tính toán mức thu phù hợp với từng địa bàn, và công khai minh bạch trong vấn đề này.

“Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã từng khẳng định nhiều lần việc lập lạitrật tự lòng đường, vỉa hè phải thực hiện song song với việc đảm bảo kế sinh nhai cho người bán hàng rong. TP cũng thường xuyên đốc thúc các quận huyện bố trí các địa điểm kinh doanh buôn bán cho người bán hàng rong.

Thế nhưng, đến nay có rất ít quận huyện quy hoạch phố hàng rong và một số quận, huyện quy hoạch phố hàng rong nhưng còn trên giấy. Vấn đề quy hoạch phố hàng rong hiện chỉ mới quận Tân Bình làm được, còn nhiều nơi vẫn tồn tại trên giấy, ví dụ như ở quận 1. Vì sao chưa làm được? Tắc ở đâu?”, bà Trâm hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Diệp Hồng Di đánh giá công tác lập lại trật tự lòng, lề đường được tổ chức thành các đợt cao điểm như vừa qua chưa phải là giải pháp lâu dài. Để thực hiện tốt vấn đề này, TP cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn và xác định rõ đối tượng tuyên truyền, tránh trường hợp người vi phạm không tiếp cận được các thông tin tuyên truyền. “TP cần duy trì việc lập lại trật tự lòng, lề đường một cách thường xuyên chứ không ra quân theo đợt rồi đâu lại vào đấy.”

Đại biểu này cũng tiết lộ rằng có một thực trạng xảy ra là hiện nay, tại một số chợ, khi lực lượng ra quân giải tỏa lấn chiếm, nhiều hộ kinh doanh buôn bán cho rằng có đóng thuế “hoa chi” nhưng vẫn bị lực lượng chức năng giải tỏa. Người dân bức xúc cho rằng một bên thu tiền, một bên không cho bán hàng.

TP.HCM không có chủ trương dẹp vỉa hè để thu phí

Trả lời đại biểu về ý kiến TP.HCM dẹp vỉa hè để thu tiền, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa khẳng định chủ trương của TP.HCM hoàn toàn không phải dọn dẹp vỉa hè, lòng đường để thu phí.

“Đối với vấn đề thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè đã có từ lâu chứ không phải khi lập lại trật tự lòng, lề đường vỉa hè TP mới đề xuất như một số báo, đài thông tin. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải có trình dự thảo đề xuất phương án tăng phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè nhưng hiện tại UBND TP có chủ trương chưa thực hiện”, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, về bình diện chung, kể cả các nước cũng vậy, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường được phép vào mục đích sinh lợi thì phải có nghĩa vụ nộp lại một phần cho nhà nước.

“Ở TP.HCM có duy trì một số điểm cho phép đậu xe có thu phí ở lòng đường. Vừa rồi, Sở Giao thông vận tải có trình cho UBND TP về mức phí thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường vì mức thu hiện nay đã lạc hậu quá rồi. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP có kết luận tạm thời chưa bàn đến việc nâng phí vì TP.HCM đang lập lại trật tự đô thị. Cũng xin nói thêm, chỗ nào có thể tạo điều kiện cho người dân kinh doanh thì TP không thu tiền, còn cái nào sử dụng vỉa hè thu lợi như tổ chức bãi giữ xe để lấy tiền thì khác”, Phó chủ tịch UBND TP thông tin thêm.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX - Ảnh: P.D

Không thể cứ dọn dẹp vỉa hè mãi được

Liên quan đến vấn đề lập lại trật tự lòng, lề đường, ông Lê Văn Khoa cho biết quan điểm xuyên suốt của UBND TP là phải làm kiên trì, lâu dài nhằm mục đích tạo sự tự giác. Kết quả này phải đến trong thời gian dài chứ không phải làm theo kiểu chiến dịch hoặc đánh trống bỏ dùi.

“Tôi cho rằng nếu người dân đồng thuận thì việc tổ chức lòng lề đường, vỉa hè mới tốt được; bởi lực lượng chức năng vừa mỏng, vừa ít sẽ không có đủ điều kiện làm tốt công tác này. Vì vậy, chúng tôi mong muốn người dân trước hết giữ trật tự vỉa hè, lòng đường, không vứt rác bừa bãi sau đó tiến tới tự quản. Người dân mới là nhân tố tạo thắng lợi”, ôngLê Văn Khoa nói.

Để thực hiện, ông Khoa cho hay UBND TP đã phân cấp cho các quận huyện; phường xã thực hiện. Việc này nhằm mục đích truy trách nhiệm, nơi nào làm tốt thì biểu dương, nơi nào làm không tốt thì phê phán, xử lý. TP cũng nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho lực lượng làm công tác lập lại trật tự đô thị.

“Trong điều kiện cụ thể của TP.HCM hiện nay thì không thể đuổi mà phải xây và chống, bởi vì sau gánh hàng rong là số phận của cả gia đình và chủ trương của TP là không đẩy đuổi. Chúng ta chống ở đây là chống hành vi lấn chiếm lòng lề đường một cách trái phép để sử dụng cho bản thân và vụ lợi trái phép, ảnh hưởng đến tài sản tính mạnh của người khác.

Thế nhưng, muốn chống như vậy thì chúng ta phải xây, tức là quy hoạch và cải tạo các chợ truyền thống để đưa người dân vào buôn bán; cũng như nghiên cứu tổ chức cho người bán hàng rong được phép kinh doanh buôn bán trong một khung giờ nhất định. Sau khung giờ này nếu người dân vi phạm sẽ bị xử lý”, ông nhấn mạnh.

Về phần mình,Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không phải là mô hình hay vì không thể có lực lượng đi dọn dẹp hoài được.

“Mô hình ra quân dọn dẹp chỉ là tức thì, trước mắt chứ không thể lâu dài. Tôi cũng cho rằng đó không phải là mô hình hay vì chúng ta không thể có đủ lực lượng. Chúng ta không nên ra đường lập lại trật tự lòng lề đường vì như vậy là phản cảm. Hơn nữa cơ quan chính quyền làm được mấy lần, làm được bao lâu?”, bà Tâm nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TP cũng nhận định việc lập lại trật tự lòng lề đường sẽ bền vững khi dân cùng thực hiện với chính quyền. Riêng đối với vấn đề sinh kế đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, phải sắp xếp cho người dân.

“TP đặt ra vấn đề này là đúng đắn, lòng lề đường dùng vào mục đích gì phải rõnhưng đừng ảo tưởng sẽ lập lại trật tự trong một ngày, một tháng, một năm. Không có chuyện này đâu”, bà Tâm nhấn mạnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Lê Văn Khoa: Không có chuyện TP.HCM dọn vỉa hè để thu phí