Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, đương kim Chủ tịch HĐND TP.Hội An (Quảng Nam) cho rằng giải quyết bài toán giữ gìn các ngôi nhà cổ, đừng để nó hỏng, đừng để nó sụp, đổ nát chính là giữ gìn cuộc sống của người sống trong di tích, bảo vệ sinh mạng của người ta.
Hội An là di sản sống
Là người có công lớn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nhà cổ Hội An từ lúc đương chức Chủ tịch thành phố này, ông Nguyễn Sự cho biết: “Việc quản lý khu di sản Hội An, đặc biệt là nhà cổ trong di tích là điều mà từ trước đến giờ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An rất quan tâm. Trong tất cả toàn bộ mục tiêu phát triển mà Hội An đặt tới là làm sao để giữ gìn, bảo vệ nguyên vẹn các di tích, đặc biệt là khu phố cổ”.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có 1.107 nhà cổ nằm trong khu vực bảo vệ nguyên trạng. Trong đó, đến nay có khoảng 82 ngôi nhà cổ đã và đang nằm trong dự án hỗ trợ bảo vệ khẩn cấp. Tất nhiên, những nhà cổ này đều có người sinh sống trong đó.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, đương Chủ tịch HĐND TP.Hội An- Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Nói như ông Sự: “Khu phố cổ Hội An là một di tích sống. Con người gắn bó với từng ngôi nhà. Số phận, sinh mạng của họ gắn bó với ngôi nhà. Do đó, giải quyết bài toán giữ gìn các ngôi nhà cổ, đừng để nó hỏng, đừng để nó sụp, đổ nát chính là giữ gìn cuộc sống, bảo vệ sinh mạng của người ta”.
Bàn đến câu chuyện bảo tồn, tu bổ nhà cổ, ông Nguyễn Sự nói: “Đã là nhà cổ thì nó sẽ xuống cấp. Nó như ông già trăm tuổi rồi, không thể khỏe mạnh được; thỉnh thoảng trái gió trở trời, đau lưng nhức mỏi phải vào bệnh viện chứ không như thanh niên mạnh khỏe. Nếu chúng ta không chăm sóc kỹ lưỡng và theo dõi một cách thường xuyên thì bản thân người già dễ bị đột quỵ, bị ngã và dễ qua đời. Với nhà cổ cũng phải chăm sóc như người nhà vậy”.
Nhìn vào hiện nay có thể thấy rằng Hội An đã thành công trong việc này. Chính ông Sự tự hào rằng "tình trạng sụp đổ nhà lâu nay không xảy ra tại Hội An". Vậy họ đã làm bằng cách nào?
Nguyên Bí thư Hội An nói: “Trước hết là phải làm sao để những người sống trong di tích phải gắn bó với di tích với tư cách họ là chủ nhân của nó, coi di tích là gia sản của họ nhưng đồng thời gắn bó với tư cách là một tài sản văn hóa”.
“Khi họ gắn bó như vậy thì vừa giữ gìn cho nó không làm biến dạng di tích đồng thời sẽ có trách nhiệm chống đỡ trước nguy cơ sụp đổ. Khi quá mức của họ thì sẽ báo với chính quyền”.
“Về phía nhà nước thì thường xuyên nắm các di tích, phân loại một cách rõ ràng những tiểu mục dễ sụp đổ để trùng tu. Phương án đầu tiên là phải giành nguồn ngân sách để hỗ trợ trùng tu (có nhà hỗ trợ ít nhất hỗ trợ 35%, có nhà hỗ trợ 100%)”.
Ông Sự nói “phải biết cụ thể từng ngôi nhà. Hiện có 21 nhà đang xuống cấp nặng. Không phải không có tiền sửa mà vì những ngôi nhà này là nhà chung như nhà tộc họ, từ đường. Hôm nay (30.9) thành phố sẽ đi khảo sát để mời những người đó lại họp bàn. Việc này không phải do cái chuyện nhà cổ ở Hà Nội sụp đổ vừa rồi mà đây là việc làm thường xuyên ở Hội An”.
Ngôi nhà tại số 7 Trần Phú, TP.Hội An đang xuống cấp trầm trọng. |
Ở Hội An, khi mưa gió thì các di tích yếu đều được chống đỡ. Đối với những nhà cổ có nguy cơ sụp đổ, cách bảo tồn khác mà ông Sự đưa ra là hạ giải. Ông cho rằng: “Nhà cổ mà sụp xuống là hỏng luôn. Nên hạ giải cũng là một cách bảo tồn. Thứ nhất là bảo đảm tính mạng người dân, thứ hai là bảo đảm được di tích còn lại. Ví dụ như cái cột nhà nó mục 1/3, thì vẫn giữ lại 2/3, rồi thay 1/3 đó bằng gỗ mới, như vậy là vẫn giữ lại được cái căn bản của di tích. Giống như đau răng, đau răng nào nhổ cái nấy chứ không phải nhổ cả hàm răng. Đừng có nghĩ có tiền là thay hẳn cái cũ đi. Vì 100 năm sau chưa chắc nó được như vậy, nó vẫn là cổ giả”.
Văn hóa phải phục vụ con người
Theo ông Nguyễn Sự, hiện vẫn có rất nhiều sự vô lý trong các văn bản luật, nghị định về quản lý di sản, nhất là "di sản sống" như phố cổ Hội An. Ông kể: “Cách đây 3 năm, tôi đã từng nói với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khi họ vào khảo sát tại Hội An, rằng cái luật Di sản nó đi trên trời trong khi nhân dân và di sản đang ở dưới đất”.
Ông Sự ví dụ: “Một di sản mà quy định không được kinh doanh buôn bán gì trong đó thì đó là đối với Huế, Mỹ Sơn… Nhưng với Hội An thì khác. Cái nhà tôi đang sống đây, anh bảo tôi không kinh doanh buôn bán gì chẳng lẽ tôi nhìn tôi chết đói”.
“Văn hóa, đầu tiên là phải vì con người và phục vụ con người đã. Mà văn hóa vì cái văn hóa theo nghĩa của luật Di sản thì có nghĩa là để người dân chết đói, như vậy không còn văn hóa nữa”.
“Người dân sống với giá trị của cha ông để lại như một sự trọng thị, một sự biết ơn với thế hệ tiền nhân với tư cách là người giữ di sản. Nhưng người ta phải biến cái giá trị đó thành tài sản của người ta để sống. Mà tôi nói thật, luật anh làm kiểu đó thì họ ngó họ chán họ phá thôi chứ ai giữ”.
Bên trong một ngôi nhà cổ xuống cấp. |
Một rắc rối đối với di sản đặc thù như Hội An hiện nay liên quan đến nghị định số 15/2013/NĐ-CP và 70/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, với quy định của hai nghị định này thì người dân sống trong các nhà cổ ở Hội An nếu muốn sửa sang một công trình gì đó hay xây thêm công trình phụ đều phải có hồ sơ gửi ra Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xin phép, nếu được đồng ý mới được làm.
Ông Nguyễn Sự nói thẳng: “Cảm giác như quy định ở trên trời, không có gì thực tiễn. Họ sửa chữa một công trình vệ sinh, họ lát viên gạch phải chạy ra Bộ. Không hiểu nổi cái nghị định này như thế nào. Tôi cho đó là cách hành dân tốt nhất, là cách khiến dân ta thán nhiều nhất và cũng là cách làm cho dân khổ nhanh nhất nếu người ta ở trong di tích. Và, cũng là cách làm cho người ta không còn yêu di sản của cha ông nữa bởi vì một di sản mà hành người ta quá”.
“Bài học rất đắt giá cho chúng ta là làng cổ Đường Lâm. Khi người dân không tha thiết nữa thì bản thân anh đừng cầu mong rằng anh dùng cái gì để quản lý. Không ai quản lý tốt nhất di sản bằng những người sống ở di sản. Di sản thấm vào máu họ rồi, cái hơi hám của con người ở đó đã thâm nhập vào trong từng bờ hồi, những hoa văn họa tiết ở đó. Anh có sống ở đó đâu, có biết từng hơi thở đó đâu mà ký cho cho phép hay không đối với người ta”.
“Một văn bản, nghị định sống được khi nó giải quyết được bài toán thực tiễn và phù hợp với cuộc sống. Bởi vì cuộc sống là tiếng nói trọng lượng nhất thẩm định. Nên nghị định mà không phù hợp thì nên bỏ”, ông Sự nhấn mạnh.
Một đoàn khách Trung Quốc đang tham quan nhà cổ Hội An. |
Rồi ông Sự kể lại chuyện cũ: “Khi Hội An chưa được UNESCO công nhận là di sản thì chúng tôi làm quy chế quản lý gửi ra ngoài nớ 5 lần 7 lượt, mời các giáo sư tới họp bàn với nhau nhưng không ra quy chế được. Mà không có quy chế quản lý Hội An thì UNESCO không công nhận”.
“Lúc đó tôi làm chủ tịch thành phố, tôi quyết định ký ban hành quy chế kẹp vào hồ sơ trình UNESCO. Sau họ kiểm tra quy chế đó thấy quá tốt và công nhận Hội An là di sản văn hóa. Đến nay quy chế đã thay đổi nhiều lần nhưng vẫn là Hội An ban hành”.
“Quy chế do Hội An ban hành, anh cho là “không đúng thẩm quyền”, nhưng nó đúng với thực tiễn, nó quản lý được cả di sản này thì nó tốt hay nó xấu? Sai với quy định của trên thì tôi chấp nhận, nhưng cuộc sống bây giờ cần những quy định trúng với thực tiễn”, ông Sự nói.
Ông cựu Bí thư ví dụ: “Nhà của người ta đó, của ông bà để lại, luật thừa kế, luật công dân…người ta có quyền hết. Bây giờ anh lại quy định (sửa phải xin phép hai Bộ) như thế thì quá bất hợp lý. Họ xây thêm thì anh cấm được nhưng nửa đêm họ lên tháo đi cái cột thì làm gì họ. Vì vậy, đừng để người ta khổ vì di tích mà thành ghét di tích”.
Một ngôi nhà cổ xuống cấp được hạ giải để tu bổ lại. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi năm có trung bình 200 ngôi nhà ở Hội An xin được sửa chữa các hạng mục, trong đó có 100 nhà cổ nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt (nghĩa là sửa gì cũng phải xin phép 2 bộ Xây dựng và Văn hóa-Thể thao-Du lịch). Nếu mà theo quy định thì không biết Bộ có giải quyết kịp cho những nhu cầu thế này không. |
Hiện tại, thành phố Hội An đang "linh hoạt" cho phép người dân sửa những hạng mục nhỏ trong nhà cổ. Người dân muốn sửa gì thì làm đầy đủ hồ sơ rồi gửi đến văn phòng một cửa, khi được Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thẩm định và chấp nhận thì dân được phép sửa.