Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm để phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, ông đề nghị các sở ngành ở TP.HCM rà soát và đề xuất cụ thể với UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Hoạt động không cần thiết nên giảm để phòng dịch COVID-19

28/07/2020, 17:20

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm để phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, ông đề nghị các sở ngành ở TP.HCM rà soát và đề xuất cụ thể với UBND TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: HMC

Ngày 28.7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

TP.HCM cần xác định nguồn lây bệnh để phòng dịch

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng tình hình dịch bệnh trên thế giới đang gia tăng từng ngày với diễn biến khó lường, làm ảnh hưởng nặng nề đối với kinh tế các nước. Do đó, vì an toàn xã hội, mỗi người cần giảm sự “tự do” cá nhân, kiềm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả.

Ông Nhân cũng lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao. Mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đặc biệt, thành phố phải xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh đến từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả. Muốn phòng chống dịch hiệu quả thì phương châm phải là phòng dịch sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Sở Y tế cần làm rõ thông tin, nghiên cứu mới về việc vi rút gây bệnh COVID-19 đã biến thể sang chủng loại mới, có khả năng lưu trong không khí thời gian dài. Nếu thông tin này được xác thực thì nên có hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cuộc họp, hội nghị đông người, chú ý để thoáng khí, lấy gió tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa.

Đề cập việc có nên hạn chế loại hình hoạt động nào trong tình hình hiện nay, ông Nhân cho rằng các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm. Vì vậy, ông đề nghị các sở ngành rà soát và đề xuất cụ thể với UBND TP.HCM. Các cơ quan cần thực hiện cơ chế báo cáo thường xuyên để nắm bắt tình hình kịp thời.

Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: HMC

Gõ cửa từng nhà để xác minh người đến từ Đà Nẵng

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng đề nghị các sở ngành, quận huyện theo dõi sát diễn biến dịch, tiếp tục thông tin, truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng chống dịch chủ động, hạn chế sự lây lan nơi cộng đồng.

Ông Liêm yêu cầu các quận huyện chủ động rà soát, kiểm tra “đi từng ngõ, gõ từng nhà” xác minh trong cộng đồng dân cư những người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1.7 hiện có mặt trên địa bàn TP.HCM để áp dụng khai báo y tế. Các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cũng phải rà soát, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, khách du lịch từng đến Đà Nẵng.

Thành phố sẽ tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi nặng trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng và tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị mọi người nghiêm túc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng. Sở Y tế phải kích hoạt các bộ tiêu chí an toàn trong từng ngành, lĩnh vực và vận dụng linh hoạt trong tình hình mới. Sở Công Thương nắm bắt các hoạt động liên quan, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong mọi tình huống xảy ra; tuyên truyền để người dân biết, hiểu, an tâm và không ồ ạt tích trữ hàng hóa không cần thiết.

“Các sở ngành, quận huyện luôn phải trong tư thế sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch, bố trí lực lượng trực 24/7 để tiếp nhận các chỉ đạo mới từ Trung ương, thành phố và triển khai kịp thời”, ông Liêm nói.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 26.7, TP.HCM có 4.907 người về từ Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 1.7 đến nay được ghi nhận và áp dụng cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.359 người, hiện đã có 167 mẫu kết quả âm tính.

Thành phố cũng đã tổ chức hoạt động kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa đối với chuyến bay, chuyến tàu đến từ Đà Nẵng, bao gồm khai báo y tế đầy đủ, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe hành khách, nếu phát hiện có yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh của Đà Nẵng sẽ được cách ly tập trung và xét nghiệm.

Dừng tất cả tuyến vận tải cố định đến Đà Nẵng

Thông tin tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết Sở đã ban hành công văn hỏa tốc về tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc trong phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó, Sở yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, Sở sẽ tạm dừng hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch đi và đến Đà Nẵng, trừ các trường hợp đặc biệt.

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của các xe hợp đồng, xe du lịch có hành trình qua TP.Đà Nẵng thì không được dừng - đỗ để đón, trả khách. Còn các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch không qua TP.Đà Nẵng thực hiện bình thường.

Thời gian áp dụng trong vòng 15 ngày kể từ ngày 28.7.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Hoạt động không cần thiết nên giảm để phòng dịch COVID-19