Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm. Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành vào trưa hoặc chiều.
Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Tập tục thả cá chép phóng sinh sau khi cúng là một nét đẹp văn hóa, ngụ ý "cá chép hóa rồng", cá chép vượt Vũ Môn.
Hơn thế, trong tâm thức người Việt, cá chép vượt Vũ Môn hay "cá chép hóa rồng" còn là biểu tượng của sự thăng hoa, của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục khó khăn để đi tới thành công, biểu trưng cho sức mạnh tiềm ẩn, hướng đến một tương lai tốt đẹp.
Xưa kia, vào ngày cúng ông Táo, người Việt còn có phong tục dựng cây nêu. Vì từ ngày 23 tháng Chạp cho tới đêm Giao thừa sẽ vắng mặt Táo quân dưới trần gian nên người xưa sợ ma quỷ quấy nhiễu, việc trồng cây nêu là một tập tục với ý nghĩa là để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng là ngày "hạ cây nêu".
Cây nêu ngày xưa là một cây tre cao khoảng 5-6 mét. Ở ngọn treo nhiều thứ như vàng mã, xương rồng, tỏi ớt, hình nộm, lá dứa, bầu rượu, cá chép giấy, cờ vải, khánh nhỏ…
Người ta tin rằng những vật nhiều màu sắc treo ở cây nêu, cộng thêm Tết tiếng động của khánh sẽ báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta còn treo thêm một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn với con cháu.
Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gắn với huyền tích "hai ông một bà" gồm vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp.
Trong quan niệm dân gian, ba vị Táo quân chính là những vị thần định đoạt phúc đức cho mỗi gia đình. Phúc đức này có được do việc ăn ở đúng đạo lý của gia chủ mà nên. Người xưa thường có bàn thờ Táo quân riêng, đặt gần bếp, khi cúng phải nổi lửa lên cho bếp cháy rực. Tuy vậy, giờ đây, người ta giản tiện đi và thường cúng ông Táo ngay tại bàn thờ gia tiên.
Mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp là để tiễn Táo quân lên trời chầu Ngọc Hoàng, bẩm báo về những chuyện đã xảy ra trong một năm qua ở dưới trần gian. Mâm cỗ thịnh soạn thể hiện mong muốn của người dân rằng Táo quân dùng cơm xong sẽ "ấm lòng", lên chầu sẽ bẩm tâu những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng và báo cáo nhẹ đi những điều không nên không phải của gia chủ.
Việc làm này ở một khía cạnh nào đó giúp con người sống tốt hơn, tự ý thức lại những việc làm tốt và chưa tốt trong năm cũ.
Gợi ý mâm cỗ cúng ông Táo
Lễ vật:
Lễ vật cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút.
Ngoài bộ mũ áo và đôi hia bằng giấy người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Mâm cúng:
Mâm cỗ mặn: 1 đĩa muối gạo; 1 con gà luộc hoặc thịt heo luộc; 1 tô canh, 1 đĩa rau xào, 1 đĩa giò và 1 đĩa xôi (hoặc bánh chưng).
Mâm cỗ ngọt: 1 đĩa (hoặc chén) chè kho, đĩa trái cây, trầu cau; đĩa trà thuốc và rượu và 1 bình hoa.
Ngoài ra thêm đĩa trầu cau và 3 chén nước (hoặc rượu)
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu gia đình nào có bàn thờ Táo quân ở bếp thì thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có thì có thể cúng thắp hương tại bàn thờ thần linh, tổ tiên.
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Công ông Táo cần được thực hiện trước giờ các Táo quân bay về trời - tức trước 12g trưa ngày 23 tháng Chạp.
Sau khi bày lễ, thắp hương và đọc văn khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông,... để đưa ông Táo lên chầu Trời.
Các khung giờ tốt để cúng ông Công ông Táo năm 2022 gồm:
Nếu cúng ngày 21 tháng Chạp, bạn nên cúng vào giờ Mão (5 – 7g), giờ Ngọ (11 – 13g), giờ Thân (15 – 17g), giờ Dậu (17 – 19g). Trong đó, giờ Ngọ là giờ Tốc Hỷ, là khung giờ tốt nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp. Cùng vào khung giờ này giúp gặp nhiều may mắn, niềm vui, hóa giải bệnh tật và xui xẻo cho các thành viên trong gia đình.
Nếu cúng ngày 23 tháng Chạp, bạn nên cúng vào giờ Thìn (7 – 9g) và giờ Tị (9 – 11g). Trong đó, giờ Thìn chính là giờ Tốc Hỷ, là thời điểm thích hợp nhất và mang lại nhiều may mắn cho gia đình.
Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (11 – 13g) cũng là khung giờ tốt để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Khung giờ này là thời điểm mà các Thần Bếp quy tụ cùng về trời nên rất linh thiêng, thích hợp để đưa ông Táo về trời và tốt nhất nên cúng trước 12h trưa. Tuy nhiên giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp Tết Tân Sửu trúng vào giờ Hắc đạo nên không quá tốt, bạn có thể chuyển sang cúng vào giờ Thìn (7 – 9g) hoặc giờ Tị (9 – 11g) nhé.