Các trường đại học Trung Quốc nên hướng tới việc đào tạo một thế hệ mới trung thành với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và có tư duy đổi mới cùng với việc ham học hỏi, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết vào ngày 19.4.
“Năm nay sẽ đánh dấu 100 năm thành lập đảng Cộng sản (Trung Quốc)… nhu cầu của đảng và nhà nước đối với giáo dục đại học, đối với kiến thức và khoa học và tài năng lớn, là cần thiết hơn bao giờ hết”, ông Tập nói trong chuyến đi đến Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
Ông nói thêm rằng mục đích của hệ thống giáo dục của Trung Quốc là đào tạo "những người củng cố và kế thừa" chủ nghĩa xã hội.
Trong chuyến đi ngày 19.4, ông Tập đã ca ngợi Đại học Thanh Hoa về truyền thống đào tạo những sinh viên “vừa hồng vừa chuyên”, một cụm từ nổi tiếng dưới thời Mao Trạch Đông. Trường đại học sẽ kỷ niệm 110 năm thành lập vào ngày 25.4 sắp tới.
Chính phủ Bắc Kinh đã coi đổi mới là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch 5 năm mới được công bố vào tháng trước. Kế hoạch 5 năm mới xác định bảy lĩnh vực được ưu tiên tài trợ cho nghiên cứu, bao gồm trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử, mạch tích hợp, khoa học não bộ, di truyền và công nghệ sinh học, y học lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, khám phá lòng đất, biển, không gian và địa cực.
Tài liệu kế hoạch chi tiết nhấn mạnh rằng sự sáng tạo và khả năng tự cung cấp công nghệ là vấn đề cốt lõi trong chiến lược “phát triển những lợi thế mới” của Trung Quốc khi đối mặt với sự gia tăng thù địch và áp lực từ các nước phương Tây lớn mạnh.
Ông Tập đã dành bốn năm ở độ tuổi 20 để học tại Đại học Thanh Hoa, sau sáu năm lao động ở vùng nông thôn Sơn Tây, tây bắc Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Thanh Hoa năm 2002, khi đó ông là chủ tịch tỉnh Phúc Kiến.
Đại học Thanh Hoa sau đó trở thành một cơ sở quyền lực quan trọng của ông Tập, nơi ông đã chọn lựa nhân tài để bổ sung vào các vị trí chủ chốt.