Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho biết mức độ hạnh phúc của tất cả các nhóm dân tộc ở khu vực phía tây Tân Cương đang tăng lên và Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục "giáo dục" người dân nhận thức đúng đắn về đất nước.
"Cảm nhận chung là lợi ích, hạnh phúc và sự yên ổn của người dân thuộc tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương tiếp tục tăng lên", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập phát biểu trong hội nghị đảng Cộng sản về Tân Cương cuối tuần qua.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh phải giáo dục người dân Tân Cương hiểu biết về đất nước Trung Quốc và hướng dẫn "tất cả các dân tộc hình thành quan điểm đúng đắn về đất nước, lịch sử, dân tộc”. Ông nói: "Thực tiễn đã cho thấy chiến lược quản lý Tân Cương của đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới là hoàn toàn đúng đắn và công tác dân tộc của chúng đã thành công, nên đây phải là cách tiếp cận lâu dài”.
Tuyên bố của ông Tập được đưa ra sau khi Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) tuần trước đã công bố báo cáo tiết lộ khu vực Tân Cương (Trung Quốc) có hơn 380 cơ sở bị nghi là các cơ sở "giáo dục cải tạo" người dân tộc thiểu số.
Thông qua phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh, lời kể của nhân chứng, điều tra của ASPI tiết lộ có tổng cộng 380 địa điểm cải tạo được xây dựng từ năm 2017. Ít nhất 61 cơ sở được xây mới và mở rộng trong khoảng thời gian từ tháng 7.2019 đến tháng 7.2020. Ngoài ra, 14 cơ sở khác vẫn đang được xây dựng, trong khi khoảng 70 cơ sở đã bị dỡ bỏ hàng rào hoặc tường bao.
Theo ASPI, số lượng các “cơ sở giáo dục” được thống kê trong điều tra này là nhiều hơn 40% so với tổng số cơ sở đã biết. Báo cáo chỉ ra rằng khoảng một nửa trong số 60 cơ sở đã được mở rộng gần đây có mức độ an ninh cao hơn, cho thấy sự thay đổi về bản chất chiến dịch của chính quyền trung ương chống lại các nhóm thiểu số ở Tân Cương. Khoảng 70 trại dường như đã giảm bớt kiểm soát an ninh, với hàng rào bên trong và tường bao quanh bị phá bỏ. 8 trại có thể đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
Liên Hợp Quốc hiện ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tháng 8 đã lặp lại tuyên bố rằng tất cả những người được đưa tới các “trung tâm giáo dục lại” ở Tân Cương đã hoàn thành “cải tạo” và đã tự do tham gia vào thị trường lao động mặc dù các nhóm nhân quyền và các gia đình người Duy Ngô Nhĩ cho biết việc “giam giữ” các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương vẫn tiếp diễn.
Trong sách trắng mới được công bố hồi giữa tháng này, Trung Quốc đã ca ngợi thành công của các chương trình dạy nghề và việc làm ở Tân Cương, đồng nghĩa với cải thiện cuộc sống ở khu tự trị.
Sách trắng cho hay công tác đào tạo ở các trung tâm đào tạo nghề gồm dạy viết và nói tiếng phổ thông Trung Quốc, đào tạo tay nghề lao động và phổ cập các kiến thức về cuộc sống đô thị. Sau khi được đào tạo, người dân ở Tân Cương đã bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc làm việc trong các nhà máy.
Hoàng Vũ (theo Reuters)