Ngay cả khi bị can Thanh cư trú ở nước không có hiệp định dẫn độ, Việt Nam vẫn có thể yêu cầu quốc gia đó đưa bị can về nước theo nguyên tắc “có đi có lại”.
Ngày 16-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định truy nã trong nước và quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh. Hiện chưa có thông tin chính xác bị can đang cư trú ở đâu nhưng nhiều người quan tâm: Nếu phát hiện ông Thanh đang ở nước ngoài thì nhà nước Việt Nam có dẫn độ bị can này về Việt Nam được hay không, dẫn độ thế nào?
Dẫn độ liên quan chủquyền quốc gia
Dẫn độ tội phạm là một thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến quan hệ giữa các quốc gia. Đây là việc đưa một cá nhân đã có hành vi phạm tội theo luật hình sự của một quốc gia trở về quốc gia đó để tiến hành xét xử hoặc để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Việc dẫn độ tội phạm một mặt tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó bao gồm sự tôn trọng đối với chủ quyền quốc gia. Mặt khác còn phải theo những nguyên tắc đặc thù như nguyên tắc không dẫn độ công dân mình (trong trường hợp công dân phạm tội ở nước ngoài nhưng đang lẩn trốn tại nước mình), không dẫn độ đối với tội phạm chính trị (khi nước mà người đó đang lẩn trốn và được yêu cầu dẫn độ coi hành vi của người này là “hoạt động chính trị”…
Do việc yêu cầu dẫn độ và dẫn độ người phạm tội liên quan đến việc thực thi chủ quyền quốc gia của mỗi nước nên trước tiên phải dựa trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ giữa hai nước hoặc các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (gọi chung là “thỏa thuận dẫn độ”).
Ngoài ra, một số phương thức khác có thể thực hiện tùy thuộc vào quan hệ cụ thể giữa các nước liên quan.
Hai khả năng cho việc dẫn độ bị can Thanh
Vì chưa rõ nơi bị can Thanh cư trú nhưng trên cơ sở luật pháp, có thể đặt ra những tình huống sau:
Giả sử bị can này đang cư trú tại một nước mà giữa Việt Nam và nước đó có hiệp định dẫn độ hoặc hiệp định tương trợ tư pháp, trong đó có quy định về thủ tục này thì yêu cầu dẫn độ, điều kiện, thủ tục và quy trình dẫn độ sẽ thực hiện theo quy định của các thỏa thuận dẫn độ đó.
Nếu bị can này đang cư trú tại nước mà Việt Nam không có hiệp định dẫn độ (Canada, Mỹ, Australia…) thì việc này không đơn giản. Bởi lẽ nhà nước Việt Nam không có cơ sở pháp lý để đề nghị/yêu cầu nước mà bị can đang cư trú thực hiện việc dẫn độ. Dù rằng công ước về chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc 2003 có đặt ra vấn đề dẫn độ đối với tội phạm tham nhũng nhưng người phạm tội cũng chỉ bị dẫn độ về nước nếu như cả hai nước đều coi hành vi phạm tội đó là hành vi phải bị trừng trị.
Thành viên Interpol sẽ hỗ trợ bắt giữ
Nguyên tắc chủ quyền quốc gia không cho phép một nước thực thi quyền bắt giữ một người ngay cả khi có đầy đủ dấu hiệu phạm tội trên lãnh thổ của một nước khác. Cách khác, việc bắt giữ sẽ phải do nước mà bị can đang lẩn trốn tự nguyện bắt giữ hoặc trên cơ sở một lệnh truy nã quốc tế, thường sẽ do Interpol của nước có yêu cầu dẫn độ yêu cầu.
Cụ thể, nếu cơ quan điều tra của Việt Nam có đầy đủ căn cứ hoặc có cơ sở để nghi ngờ bị can Thanh trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam thì lệnh truy nã quốc tế sẽ được gửi đến tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để truy tìm, bắt và dẫn độ nghi phạm.
Cần lưu ý rằng với tôn chỉ tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên, Interpol không phải là một lực lượng cảnh sát quốc tế mà là một tổ chức liên chính phủ hoạt động nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm quốc tế. Do đó, Interpol không có chức năng trực tiếp điều tra hay bắt giữ nghi can khi có yêu cầu. Việc bắt giữ người bị phát lệnh truy nã là công việc của cảnh sát các quốc gia, Interpol chỉ hỗ trợ, giúp đỡ và đề nghị các nước thành viên giúp đỡ trong việc đạt được mục tiêu chung. Nói cách khác, thông qua vai trò hỗ trợ của Interpol, một nghi can có thể bị bắt giữ và việc này hoàn toàn tùy thuộc vào quy định pháp luật cụ thể của nước đó.
Kế đến, sau khi cảnh sát quốc gia được yêu cầu bắt giữ bị can Thanh thì vấn đề dẫn độ sẽ đặt ra. Vì không có thỏa thuận dẫn độ nên muốn đưa bị can Thanh về Việt Nam có thể dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”. Đây là nguyên tắc dựa trên cơ sở quan hệ giữa hai nước, sự tin cậy, thiện chí và sự cam kết khả năng dẫn độ trong tương lai với những trường hợp tương tự. Nói cách khác, dù không có thỏa thuận dẫn độ nhưng hai nước đã từng có hợp tác thực hiện thủ tục này thì Việt Nam có thể dựa vào đó để đề nghị giúp đỡ tương tự.
Thường thì việc đề nghị dẫn độ trên nguyên tắc “có đi có lại” sẽ được thực hiện bằng con đường ngoại giao giữa hai chính phủ. Tuy nhiên, trên cơ sở chủ quyền quốc gia, việc có dẫn độ người bị bắt hay không lại tùy thuộc vào quyết định của nước đã bắt giữ bị can Thanh.
Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển đến Interpol
Ngày 19-9, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thông tin liên quan đến vụ việc khởi tố ông Trịnh Xuân Thanh và bắt tạm giam với nguyên bốn lãnh đạo cấp cao của PVC. Theo thông báo phát đi, những người bị bắt, khởi tố là do liên quan đến những thua lỗ của giai đoạn 2011-2013, còn từ năm 2014 đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVC ổn định, bước đầu có kết quả.
Cùng ngày, TTO dẫn nguồn từ một lãnh đạo của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an cho biết lệnh truy nã quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển đến tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol).