Nhà phân tích Andy Critchlow của công ty cung cấp thông tin về thị trường năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts đưa ra nhận định bi quan về tương lai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sau khi Qatar quyết định rời khỏi vào đầu năm sau.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi ngày 3.12 thông báo nước này rời OPEC để tập trung sản xuất khí đốt chứ không phải vì căng thẳng chính trị với các quốc gia Ả Rập trong khu vực. Sắp tới tổ chức xuất khẩu dầu mỏ sẽ có một cuộc họp quan trọng tổ chức tại Vienna (Áo).
Theo ông Critchlow: “Đây là chuyện lớn. Trong 20 năm theo dõi thông tin về OPEC tôi chưa từng nghĩ đến sẽ có gì lớn hơn chuyện này, một rủi ro mang tính hệ thống với tương lai OPEC”.
Critchlow thừa nhận khi so sánh với nhiều thành viên OPEC khác thì Qatar không phải là nhà xuất khẩu dầu lớn, tuy nhiên tổng sản lượng năng lượng của họ cũng không nhỏ với khả năng sản xuất hơn 6 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2022.
Không những vậy, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này với vị thế một trong những nước sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới thì cũng có thể được xếp vào danh sách nhà cung cấp năng lượng toàn cầu quan trọng.
Nhà phân tích Critchlow còn nhấn mạnh đến cách tiếp cận khôn khéo của Qatar trong đàm phán chính sách năng lượng với các đối thủ trong khu vực vài năm gần đây. Ông khen ngợi phía Doha thường xuyên đóng vai trò “cây cầu ngoại giao” trong OPEC.
“OPEC không thực sự tồn tại nữa. Nó biến thành một tổ chức với hai thành viên: Nga vàẢ Rập Saudi”, theo nhà phân tích Critchlow. Nga không phải thành viên OPEC nhưng là nhà sản xuất dầu thô lớn có quan hệ chặt chẽ với tổ chức xuất khẩu dầu mỏ.
OPEC cùng các đối tác được kỳ vọng sẽ dàn xếp một đợt cắt giảm nguồn cung trong cuộc họp Vienna cuối tuần. Kỳ vọng này xuất hiện sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman nhất trí tiếp tục kiềm chế sản xuất.
Ông Ayham Kamel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Đông - Bắc Phi thuộc trung tâm phân tích rủi ro chính trị Eurasia, đánh giá OPEC vẫn “sống” nhưng không còn như trước.
“Tác dụng liên kết về ngoại giao của tổ chức đã kém hiệu quả đi nhiều. Iran thì không được hỏi ý, Ả Rập Saudi tự ý hành động với Nga rồi cố gắng kêu gọi thành viên khác đi theo”, Kamel nhận xét.
Cẩm Bình (theo CNBC)