Tượng vàng Oscar luôn là “món quà” đáng khao khát với mọi cá nhân hoạt động trong ngành nghệ thuật thứ bảy. Thế nhưng, ở kinh đô điện ảnh Mỹ, giải thưởng thường niên danh giá này cũng đi kèm vài yếu tố ‘luật bất thành văn’ khi tiến hành xét duyệt - bình bầu. Bên cạnh đó, còn tồn tại cả nỗi thất vọng do thiếu hụt sự công nhận xứng đáng cho những tác phẩm xứng đáng. Oscar 2017, đáng buồn thay, vừa cho thấy thực trạng tương tự.
Vậy rốt cuộc, ai là người quyết định việc bầu chọn ở đây? Những thứ ‘luật ngầm’ kia là gì? Nỗi thất vọng của Oscar bắt nguồn từ đâu?
Giới phê bình “nói một đằng” - Oscar “làm một nẻo”
Chiến thắng ‘áp đảo’ La La Land vừa dành được tại Oscar 2017, khiến không ít người mộ đạo điện ảnh nhớ lại vụ lùm xùm giữa tác phẩm Vertigo và Gigi ngày trước. Được đề cử cùng thời điểm, nhưng Gigi, một phim nhạc kịch kiểu “ăn theo” gây tranh cãi, nhận về 9 tượng vàng Oscar năm 1959. Trong khi Vertigo, tuyệt tác của ‘ông vua’ phim kinh dị Hitchcock, không có bất kì giải nào. Điều gây chỉ trích lớn nhất, chính là sự công nhận chất lượng nội dung ở 2 tác phẩm. Giới phê bình khi ấy “cưng chiều” bộ phim của Hitchcock nhiều hơn. Khán giả ra rạp cũng bị ấn tượng đặc biệt trước Vertigo.
Nghịch lý nói trên từng lặp lại rõ nét, khi Crash và Brokeback Mountain cùng nằm trong danh sách đề cử Phim truyện xuất sắc nhất, Oscar 2006. Crash “đánh bại” phim đồng tính của đạo diễn Lý An, nhưng dư luận thì một phen sôi sục bất bình. Đến nay, rất nhiều khán giả vẫn cho rằng, Brokeback Mountain mới xứng đáng là tuyệt phẩm điện ảnh hay nhất năm đó. Bản thân La La Land, “bom tấn” năm 2017 của hãng Summit Entertaiment, cũng đang bị xét đến như dẫn chứng tiếp theo cho khuynh hướng ‘đối trọng’ này. Báo chí và các nhà phê bình Mỹ đã từng lên tiếng phàn nàn về giá trị nội dung tác phẩm. La La Land, ngược lại, nhận được sự “o bế” không nhỏ từ Oscar.
Cũng có nhiều mùa giải Oscar, cánh phê bình nghệ thuật “về phe” hội đồng xét duyệt. Thế nhưng, 20 năm trở lại đây, nét đối nghịch trong chủ trương đánh giá tác phẩm của 2 phía cứ tái diễn liên hồi. Dẫu vậy đối với Oscar, “làn sóng” phê bình ra sao, có vẻ không thật sự là thành tố quyết định sau cùng.
Ai là người bầu chọn các giải thưởng tại Oscar?
Nếu bạn đang thắc mắc điều này, câu trả lời là: khoảng 7.000 thành viên thuộc Nghiệp đoàn Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Họ đều có học vị cùng địa vị cao trong xã hội. Thống kê 3 năm gần đây, số lượng người da trắng thuộc hội đồng xét duyệt phim Oscar chiếm tỉ lệ đến 89%. 73% tổng số hội viên là nam giới.
Bình bầu theo số đông là quy ước chung tại đây. Tuy nhiên, họ luôn chú trọng chọn lựa tác phẩm đáp ứng tốt yếu tố ‘chất lượng’ lẫn doanh thu. Trái lại, hội đồng thường tránh trao cúp cho các phim gây tranh cãi, mang đề tài “thách thức” hay chỉ thu hút lượng khán giả nhất định. Điều này giúp lý giải cụ thể hơn việc vì sao một số phim được giới phê bình khen ngợi hết lời, nhưng lại không “được lòng” hội đồng Oscar.
Đối với đề cử giải thưởng cá nhân (Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam/Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc,…), việc bỏ phiếu bầu lại mang tính ‘thức thời.’ Chẳng hạn, nhiều người cho rằng Emma Stone nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở Oscar 2017, chính là một “ưu ái” dễ thấy. Nỗ lực xây dựng hình ảnh tốt đẹp, cùng sự nghiệp diễn xuất đang thăng tiến ổn định của cô, đóng vai trò lớn để hội đồng bình bầu đưa ra quyết định trao giải.
‘Tính chính trị’ của Oscar
Việc bầu chọn từng hạng mục giải thưởng Oscar diễn ra trước đêm lễ khoảng 2 tuần. Thế nhưng, để cố gắng chiếm “cảm tình” các thành viên hội đồng xét duyệt, người được đề cử đôi khi tự thực hiện một số cuộc ‘vận động hành lang’ từ rất sớm.
Bạn có thể nghĩ: hệt như một cuộc vận động tranh cử? Quả vậy. Không ít nhà phê bình, nhà báo làm việc lâu năm cùng hội đồng Oscar đều có chung nhận định này. Động thái “đua tranh” giải thưởng bắt đầu khá sớm. Chúng tìm ẩn nơi những bữa tiệc gây quỹ, buổi trò chuyện công khai cho đến gặp gỡ cá nhân. Sasha Stone, một nhà biên tập và phê bình phim có thâm niên tại Mỹ, nhận xét: “Tôi không nghĩ mọi người nhận ra Oscar mang tính chính trị ra sao.”
Tài tử Eddie Redmayne, để “rinh” về cúp vàng Oscar năm 2015, từng tổ chức cả một chiến dịch vận động quy mô cho riêng mình. Redmayne cuối cùng vui mừng khôn xiết khi ‘vượt mặt’ Michael Keaton, có được giải thưởng danh giá ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Eddie Redmayne vui vẻ bên chiếc cúp vàng trong hậu trường lễ trao giải Oscar
Oscar: khi tác phẩm xuất sắc không dành được vị trí tương xứng
Tính ‘thức thời’ trong bầu chọn như đã đề cập phía trên, từng khiến không ít tác phẩm điện ảnh thú vị bị xem nhẹ, hay thậm chí phải chịu sự lãng quên dần theo năm tháng. Ví dụ gây tiếc nuối nhất về Oscar, phải kể đến The Shawshank Redemption. Năm 1995, bộ phim để “tuột” giải vàng ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất “vào tay” Forest Gump. Nhưng tuyệt tác được chấp bút bởi ‘thiên tài’ biên kịch Stephen King, đến nay vẫn là phim có rating bình chọn nội dung cao nhất trong lịch sử (9.4/10) theo IMDb.
Một số gợi nhắc trên làm dấy lên băn khoăn tương tự với Oscar 2017. La La Land được ví như một tác phẩm nhạc kịch giúp “xoa dịu” nỗi lo hiện thời của công chúng Mỹ về chính trị - thời cuộc nói chung. Tuy nhiên, phim có thật sự đủ chất lượng, đáng nhớ và đáng trân trọng, để sớm trở thành tâm điểm mùa giải năm nay? Trong khi Manchester by the Sea hay Arrival, dù nhận được vô số ngợi khen, lại không thể gây ‘hiệu ứng’ thật sự. Thậm chí tác phẩm chính kịch Moonlight được đánh giá là đặc biệt ấn tượng, dẫu đã mang về tượng vàng Oscar cho Phim truyện xuất sắc nhất, dường như vẫn chưa tìm thấy sự công nhận xứng đáng.
Tài tử Mahershala Ali đón nhận chiếc cúp Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với tác phẩm Moonlight
Như Ý (trích nguồn: BBC)