Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) vừa khuyến cáo giới chức Papua New Guinea rằng 48 người lao động Trung Quốc quay lại làm việc có thể có kết quả dương tính với COVID-19 vì họ được tiêm vắc xin.
“Mất khoảng 7 ngày để tạo kháng thể. Nếu họ phải xét nghiệm lại thì nên thực hiện vào 7 ngày sau khi tiêm chủng”, MCC cho hay. Công ty con của MCC tại Papua New Guinea là Ramu NiCo cũng khẳng định dương tính là phản ứng bình thường do tiêm vắc xin chứ không phải nhiễm bệnh.
Đáp lại, David Manning - quan chức phụ trách phòng chống dịch của Papua New Guinea đã chặn chuyến bay chở khoảng 150 lao động Trung Quốc đến Port Moresby vào ngày 20.8, đồng thời yêu cầu một lời giải thích rõ ràng. Ông cho biết: “Tôi đề nghị Đại sứ Trung Quốc giải thích việc này. Làm sao mà 48 lao động MCC lại được tiêm vắc xin”.
Trong thư gửi Đại sứ Trung Quốc, quan chức Manning nói rõ Papua New Guinea không công nhận bất cứ loại vắc xin COVID-19 nào chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lẫn cơ quan chức năng các quốc gia khác công nhận.
Vụ việc làm dấy lên lo ngại Công ty Ramu NiCo tìm cách lách quy định kiểm dịch với người nhập cảnh và cố gắng thử nghiệm vắc xin phi pháp tại Papua New Guinea. Phía Đại sứ Trung Quốc Tiết Băng từ chối bình luận cụ thể, nhưng khẳng định rằng họ không tiến hành bất cứ thử nghiệm nào ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này.
Trung Quốc hiện có 5 ứng viên vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng, gồm 4 loại dùng vi rút bất hoạt cùng 1 loại dùng công nghệ tái tổ hợp vector vi rút. Thử nghiệm được tiến hành ở Indonesia, Bangladesh, Brazil, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng Ả Rập Saudi với quy mô nhỏ hơn mức thông thường, nên sắp tới họ sẽ phải tìm thêm nhiều quốc gia khác.
Mới đây, Trung Quốc cấp bằng sáng chế cho sản phẩm của Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh hợp tác với Công ty CanSino phát triển.
Nước này trước đó từng tuyên bố sẽ thử nghiệm vắc xin trên quân nhân và người lao động làm việc cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng không nêu rõ sẽ tiến hành tiêm chủng với người lao động ra nước ngoài.
Cẩm Bình (theo SCMP)