Ngày 13.7, dàn quân nhạc Pháp đón chào ông Donald Trump đến Paris để dự “Bastille Day” (14.7). Tổng thống Pháp đã đón tiếp ông Trump thật long trọng với mong muốn Tổng thống Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Paris nghênh tiếp Tổng thống Donald Trump để thuyết phục về thỏa thuận biến đổi khí hậu

13/07/2017, 16:09

Ngày 13.7, dàn quân nhạc Pháp đón chào ông Donald Trump đến Paris để dự “Bastille Day” (14.7). Tổng thống Pháp đã đón tiếp ông Trump thật long trọng với mong muốn Tổng thống Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Cú bắt tay khiến ông Trump tái tím mặt của ông Macron - Ảnh: Reuters

“Bastille Day” là từ tiếng Anh chỉ ngày quốc khánh Pháp, kỷ niệm ngày người dân Pháp phá ngục Bastille năm 1789, tiền đề của cuộc Cách mạng Pháp. Hàng năm Pháp đều tổ chức duyệt binh vào ngày lễ này.

Trong ngày 14.7, hàng ngàn quân nhân Mỹ sẽ tham gia cùng với quân đội Pháp, kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất.

Pháp thường mời lãnh đạo nước ngoài dự “Bastille Day”, như năm 2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mời Tổng thống Syria Bashar Assad đến làm thượng khách dù Pháp đang "chống lưng" cho quân nổi dậy đòi lật đổ ông Assad.

Thượng khách thích linh đình, hào nhoáng, chủ nhà sẵn sàng chiều ý

Trước đó, ông Macron đã lên tiếng mời ông Trump trong cuộc điện thoại hồi tháng 6 nhưng vẫn chưa có xác nhận chính thức. Mãi cho đến gần đây, Nhà Trắng mới xác nhận ông Trump sẽ thăm Pháp trong 24 giờ.

Điện Elysée còn có một cách “chiêu dụ” ông Trump quay lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mà theo một quan chức Pháp gọi là “giải pháp bưu thiếp”. Ông Macron sẽ đưa ông Trump đến viếng mộ hoàng đế Napoleon. Và thay vì chiêu đãi dạ tiệc ở Dinh Tổng thống Pháp, Tổng thống Macron và đệ nhất phu nhân Brigitte sẽ mời ông Trump ăn tối tại nhà hàng trên nóc Tháp Eiffel tối 13.5. Đầu bếp nổi tiếng Alain Ducasse sẽ phụ trách bữa ăn cho hai nhà lãnh đạo.

Đó là một cách thể hiện thủ đô Pháp vẫn “chào đón” Tổng thống Mỹ, sau khi ông Trump từng tuyên bố “Paris không còn là Paris”, tiếp sau những vụ tấn công khủng bố.

Bà Laurence Nardon, Chủ nhiệm chương trình Mỹ thuộc Viện quan hệ quốc tế (IFRI, Pháp) nói: “Có lẽ đây là một cách rất thông minh để đối phó với một người ưa bắt nạt”.

Bà Nardon dẫn chứng việc ông Trump dự điệu múa kiếm khi thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 5, nói ông Trump rất thích những trò tôn vinh và cảnh hào nhoáng: “Tôi có thể nói Bastille Day cũng là điệu vũ kiếm của Pháp. Và vì ông ấy là người dễ nổi hứng, nó có thể dẫn đến một cuộc đối thoại tích cực”.

Từ "dám nói không" chuyển qua thành bạn thân nói thẳng với nhau

Việc ông Macron tiếp đón ông Trump long trọng là một bất ngờ vì ông Macron từng công khai thể hiện "thế bề trên" khi hai lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên hồi tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ. Lúc đó, báo chí quốc tế ghi nhận hai Tổng thống nhìn thẳng vào mắt nhau, dùng hết sức bắt tay nhau thật chặt "đến tím tái mặt".

Sau đó, ông Macron nói cú bắt tay này có chủ ý, nhằm chứng tỏ ông không phải là người dễ nhượng bộ, dù chỉ là một động tác biểu tượng.

Tổng thống Pháp sau đó còn trách việc ông Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bằng câu viết trên Twitter: “Hãy làm trái đất chúng ta vĩ đại trở lại”, nhại cương lĩnh tranh cử “Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.

Nhưng rồi ông Macron đã thay đổi thái độ bằng cách tự gọi ông là bạn thân mới nhất “chịu nói thẳng” với ông Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Macron giành chỗ đứng cạnh Tổng thống Mỹ trong bức ảnh lưu niệm. Hai cặp vợ chồng nhà lãnh đạo Pháp - Mỹ cũng ngồi cạnh nhau khi dự buổi hòa nhạc tại Hamburg.

Kế hoạch quân nhạc chào đón ông Trump thăm Paris còn phản ánh phong cách ngoại giao mới của ông Macron là đề cao uy tín của Pháp với lãnh đạo nước ngoài và với dân Pháp.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Christophe Castaner nói đây là cách “xây cầu nối” với ông Trump, nhằm lôi kéo Mỹ trở lại với Thỏa thuận Paris 2015: “Đôi lúc Trump có những quyết định mà chúng tôi không đồng tình, ví dụ vụ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng chúng tôi có thể đối phó theo hai cách, chúng tôi có thể nói: “Chúng tôi sẽ không nói chuyện với ông” hoặc “Chúng tôi có thể chìa tay để đưa ông trở lại”.

Philippe Roger, tác giả cuốn sách Kẻ thù của Mỹ, lịch sử Pháp chống Mỹ hóa, từng nói: “Ông Macron phải cho dân Pháp thấy ông biết nói không với Mỹ, còn nếu Tổng thống Pháp bị ghi nhận là thân Mỹ thì đó là “nụ hôn của tử thần” với chính trị Pháp.

Nhưng nay ông Roger nói ông Macron đã thể hiện đến lúc cần phải nói chuyện với ông Trump: “Tôi nghĩ Macron hiểu rõ rằng với Trump, bạn phải hiện hữu, gặp ông ta, nói chuyện mặt đối mặt với ông ta. Với ông Trump, các đại sứ không hiện hữu. Điều duy nhất phải làm là ngồi cùng phòng và nói chuyện”.

Chiều 13.7, hai Tổng thống Pháp - Mỹ sẽ nói chuyện trong hơn 1 giờ tại Điện Elysée với chủ đề chính là chống khủng bố, chiến tranh ở Syria và Iraq, chiến dịch quân sự Pháp chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.

Một quan chức Dinh Tổng thống Pháp nói: “Vấn đề nào khiến chúng tôi bất đồng, như chống thay đổi thời tiết, chúng tôi sẽ nói thẳng với nhau. Nhưng các vấn đề như chống khủng bố thì chúng tôi chung chiến tuyến, cần sự hợp tác chặt chẽ và hành động chung”.

Các nhà ngoại giao Pháp nói rằng Tổng thống Macron lo ngại ông Trump cảm thấy bị dồn ép vào một góc. Ông Macron đã nhìn thấy một cơ hội tiềm năng để đè ép quan điểm Mỹ và nâng vai trò của Pháp (một nước có vũ khí hạt nhân và là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ) ở các vấn đề quốc tế, nhất là chuyện Syria và Trung Đông.

Pháp đang là lực lượng đóng góp lớn thứ nhì vào liên quân do Mỹ dẫn dầu để đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syia.

Ông Trump không có quyền lợi tài chính ở Pháp và chưa rõ ông biết gì về Pháp. Năm 2016, ông Trump nói vụ khủng bố tấn công Paris năm 2015 sẽ rất khác nếu công dân Pháp được phép mang súng.

Hai vị lãnh đạo Mỹ - Pháp rất khác nhau. Ông Trump chống toàn cầu hóa với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, trong khi ông Macron thân châu Âu và ủng hộ toàn cầu hóa. Nhưng hai ông có điểm chung là người “bên lề” dám thách thức chính trị Mỹ - Pháp.

Ông Trump chỉ thích người chiến thắng và dù ủng hộ nữ thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen (thua ông Macron ở cuộc bầu cử tổng thống Pháp tháng 5.2017) nhưng ông đã khen ngợi chiến thắng của ông Macron.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Czech, chiều ngày 19.1 (giờ địa phương), tại thủ đô Praha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt, làm việc với các đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Paris nghênh tiếp Tổng thống Donald Trump để thuyết phục về thỏa thuận biến đổi khí hậu