Nguyễn Quý Túc và Gerd Symanek có lẽ là một trong số ít những cặp đôi đồng tính may mắn ở Việt Nam có được sự chấp nhận và chia sẻ của gia đình. Sự ủng hộ đó bắt đầu nguồn từ tình yêu của những người làm cha mẹ. Bác Nguyễn Quý Thắng và người bạn đời của mình, cô Bùi Thị Nam đã trải qua nhiều khó khăn từ chính câu chuyện của người con trai út của mình, anh Quý Túc để dần trở thành hai thành viên nhiệt tình của PFLAG.

PFLAG - Khi tình yêu thương thay đổi định kiến

Một Thế Giới | 16/01/2015, 15:00

Nguyễn Quý Túc và Gerd Symanek có lẽ là một trong số ít những cặp đôi đồng tính may mắn ở Việt Nam có được sự chấp nhận và chia sẻ của gia đình. Sự ủng hộ đó bắt đầu nguồn từ tình yêu của những người làm cha mẹ. Bác Nguyễn Quý Thắng và người bạn đời của mình, cô Bùi Thị Nam đã trải qua nhiều khó khăn từ chính câu chuyện của người con trai út của mình, anh Quý Túc để dần trở thành hai thành viên nhiệt tình của PFLAG.

Chuyện buồn cũ
Bác Thắng và cô Nam phát hiện ra người con trai út của mình là người đồng tính trong một sự hụt hẫng không tránh khỏi. Một tình yêu xuyên biên giới vừa chớm nở giữa Túc và một doanh nhân người Đức tên Gerd Symanek đã kéo đến những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa hai người mỗi khi Gerd có cơ hội đặt chân đến Việt Nam. Bằng tất cả những linh cảm của người làm bố mẹ, hai bác đã cảm nhận được những sự thay đổi của con mình trong những cử chỉ và hành động nhỏ nhặt nhất. Họ đã hỏi. Và khi người con thú nhận sự thật vào một đêm khuya giữa tháng 3 năm 2013, họ không thể làm gì hơn ngoài khóc. "Quy luật làm cha, làm mẹ mà", bác Thắng chia sẻ. 
PFLAG
 
Những giọt nước mắt rơi theo những dự định, những mong mỏi, những kì vọng cho đứa con hết mực ngoan ngoãn rồi cũng nhạt nhòa theo một thời gian ngắn sau. Hai bố con đã ngồi xuống nói chuyện đường hoàng sau đêm ấy. Bố khuyên con hãy "sống bình thường" và đừng nghĩ ngợi điều gì cả. Người làm bố mẹ không bao giờ muốn đánh mất đứa con mình đã mang nặng đẻ đau. Mất con, là những bữa cơm gia đình mất theo, là niềm vui mất theo, là sức khỏe mất theo.
Thế nên, hai bác đã dang đôi tay níu giữ người con của mình lại. Họ vẫn san sẻ tình thương của mình đủ đều cho 3 đứa con trai và 1 đứa con gái, nếu không nói là có một chút thiên vị với người con út này. Những cuộc gọi cho con những đêm làm về trễ, hay những lời khuyên chân thành về cách chọn bạn là những minh chứng rõ rệt cho tình thương ấy. 
Không chỉ dừng lại ở mức thương yêu và đồng tình, hai bác còn chấp nhận và ủng hộ hết mực tình yêu mới của Túc. Họ luôn cố sức và hy vọng mình có thể đi cùng những bước chân con, giúp con lựa chọn những bước đi, những con đường đúng đắn. Hai bác đã gặp gỡ Gerd và gia đình của anh để chia sẻ từng phút vui buồn trong tình cảm của con. Bác Nam nhớ rõ từng món cá mà Gerd yêu thích. Bác Thắng chẳng giấu được niềm vui khi Gerd khoanh tay cúi chào mỗi lần gặp mặt. Gia đình Gerd thì luôn mong mỏi ngày được trở lại Việt Nam.
Trong quá trình trò chuyện, hai bác có phần không dấu đi niềm tự hào của mình khi kể về con và cuộc sống hiện tại của anh Túc. Niềm tự hào ấy giản đơn và dịu dàng như niềm tự hào của bất kì các bậc bố mẹ nào khi thấy đứa con của mình thành nhân.
Với những gì đã trải qua, bác Thắng bảo trong cuộc sống này thì không thể biết thế nào là đủ. Nhưng gia đình bác cứ tự toát lên một sự đủ mà chỉ những ai biết hài lòng với những gì mình có mới hiểu được. Đó là cái đủ đơn giản khi bữa cơm mỗi tối lại có vợ chồng con cái quay quần bên những nụ cười hết mực.
PFLAG
 Gerd Symanek (rìa trái)
Chuyện buồn mới
Đáng tiếc là những nụ cười như thế, không phải ở gia đình của người đồng tính nào cũng có.Điều đó cũng đã khiến hai bác không khỏi vướng bận. "Không phải ai cũng được như con mình".
Ban đầu, vì muốn tìm hiểu thông tin, hai bác đã đến với những cộng đồng, những trang web dành cho các bậc phụ huynh của người đồng tính (PFLAG). Rồi không biết từ khi nào, hai bác trở thành những người chia sẻ. Những kinh nghiệm mà họ có được đã góp phần an ủi và dẫn lối cho nhiều hoàn cảnh. Hiện thực bao giờ cũng đẹp hơn nếu chúng ta biết chấp nhận. 
Nói về những người con bị xua đuổi bởi chính gia đình mình, bác Thắng ví von họ như những đứa bé mà bố mẹ đón trễ sau giờ tan học. Chúng lạc lõng, hoang mang và yếu ớt đến độ chẳng làm được gì hơn là khóc.
Còn cô Nam chia sẻ về nỗi buồn khi trong những chuyến đi các tỉnh, nói về vấn đề giới. "Trong hội trường có 200 em mà chỉ có một bậc phụ huynh". Số lượng phụ huynh ở đó tỷ lệ thuận với số lượng tình cảm mà các bạn nhận được từ những người thân thuộc với mình.Chính gia đình mình đã không chấp nhận được thì trong cộng đồng và xã hội, các cá nhân đồng tính không cách nào tránh khỏi sự kì thị và ghẻ lạnh.
Với những khó khăn đó, hai bác Thắng và Nam lại càng hết mình vì hoạt động cho cộng đồng LGBT Việt. Những khi bận rộn bác Thắng tình nguyện ở nhà chăm nom các việc cơm nước để bác Nam có thể hết mình vì cộng đồng, vì mong mỏi mang niềm vui riêng lan rộng khắp và xóa đi những định kiến vốn có.
Khi chiến dịch "Tôi đồng ý 16+" cổ vũ cho quyền lợi của những người đồng tính về hôn nhân cùng những quyền đi kèm như quyền nuôi con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng thất bại, hai bác không dấu đi sự thất vọng của mình. Đó không còn đơn thuần là sự thất vọng khi phải dứt lòng để đứa con yêu quý của mình bỏ hết tất cả để bắt đầu những bước đi lạ lẫm trên một đất nước xa xôi, vì chỉ như thế con mình mới được kết hôn và mới được sống một cuộc sống viên mãn với con người thật của mình. Sự thất vọng ấy lớn lao hơn nhiều. Đó là sự thất vọng về phúc lợi của cộng đồng LGBT bị bỏ dở. Đó là sự thất vọng về hạnh phúc không vẹn tròn.
Chuyện vui sẽ đến?
Hai bác Nam và Thắng hiện đang giúp anh Túc chăm lo những bước cuối cùng cho thủ tục xuất ngoại. Buồn vui cứ lẫn lộn. Buồn vì xa con, vì cuộc sống cộng đồng bao năm mà mình gầy dựng phải chịu một vết nứt. Nhưng cũng vui vì con mình đang hướng đến nơi mà hạnh phúc của nó được chấp nhận.
Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội xây dựng một gia đình hạnh phúc như thế ở Việt Nạm. Có lẽ con đường để đến bác ái và công bằng sẽ còn khá dài phía trước. Thế nên, hai bác luôn hy vọng sẽ ngày càng có nhiều phụ huynh biết thông cảm và chia sẻ với con mình, với cộng đồng, và công sức của hai bác sẽ không dễ dàng mà tan vào sông biển.  
Theo Attitude Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PFLAG - Khi tình yêu thương thay đổi định kiến