Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày những người yêu di sản khắp nơi trong và ngoài nước cùng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ nhà thờ Chính tòa Bùi Chu 134 năm tuổi trước nguy cơ bị phá dỡ hoàn toàn.

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu: Báo cáo kiểm định mới chưa đủ tin cậy

bai cao | 10/07/2019, 19:16

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày những người yêu di sản khắp nơi trong và ngoài nước cùng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ nhà thờ Chính tòa Bùi Chu 134 năm tuổi trước nguy cơ bị phá dỡ hoàn toàn.

Trong suốt hai tháng qua, ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc hết sức to lớn của công trình liên tục được giới nghiên cứu khẳng định; một vấn đề quan trọng hàng đầu được quan tâm để làm cơ sở khoa học cho các phương án trùng tu hay hạ giải công trình chính là việc khảo sát kiểm định đầy đủ các bước và toàn diện để đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình (nếu có).

Về nguyên tắc, do nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là công trình cấp II theo quy định phân cấp hiện hành, lại là nơi tập trung đông người cùng lúc, nên bắt buộc phải có một báo cáo khảo sát kiểm định như trên, do một đơn vị tư vấn có chức năng và năng lực thực hiện, trước khi Tòa Giám mục Bùi Chu (Chủ đầu tư công trình) kết luận công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, không còn có thể sử dụng được.

Dựa vào báo cáo khảo sát kiểm định đó, chủ đầu tư mới tổ chức thiết kế các bước, tổ chức thẩm tra, rồi trình cơ quan chuyên môn xây dựng thẩm định (trong trường hợp này là Sở Xây dựng tỉnh Nam Định) và xin giấy phép xây dựng công trình.

Nhà thờ Bùi Chu nằm giữa khoảng sân thoáng rộng. Kiến trúc cổ kính, sơn màu thổ hoàng, lợp ngói tuyệt đẹp, dài 78 m, rộng 22 m và cao 15 m với đôi tháp chuông hai bên cao 35 m. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo thời điểm công trình được cấp phép xây dựng lần đầu tiên (tháng 12.2016), công tác khảo sát kiểm định này phải được thực hiện trước hoặc trong năm 2016. Tuy vậy cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa công bố hồ sơ báo cáo này, và có lẽ, qua các thông tin chính thức gần đây, đã có thể xác tín rằng chủ đầu tư chưa từng thực hiện công tác khảo sát kiểm định này.

Thông tin chính thức đầu tiên là thư của Tòa Giám mục Bùi Chu trả lời Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày 14.5.2019, trong đó có 02 số liệu lần đầu tiên được công bố: Ngọn tháp bị nghiêng 15 độ, và nền bị lún 70 cm. Sự bất hợp lý của hai số liệu này đã được nhiều chuyên gia chỉ ra, chúng tôi xin không nhắc lại.

Thông tin chính thức thứ hai được công bố trong bài phỏng vấn ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trả lờiVnExpressvề tranh luận việc bảo tồn hay xây mới nhà thờ Chánh toà Bùi Chu. Trong đó, ông Michael Croft có phát biểu sau chuyến khảo sát ngày 10.5:“Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này: Nền móng nhà thờ bị sụt lún khoảng 60-70cm”. Nhiều báo và trang mạng đã dẫn lại bài viết này. Tuy nhiên sau đó, câu phát biểu trên đã diễn đạt lại thành:"Không cần phải là người có chuyên môn về kiến trúc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này...".

                
   

Bài viết trên Thanh Niên online ngày25.5.2019

   

(Ảnh chụp màn hình ngày 7.10.2019)

   

Dù vậy,trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên (Bài "Bùi Chu là câu chuyện di sản và phát triển" ngày 25.5.2019) ôngMichael Croft lạinói:"Tôi nghĩ chưa cần có chuyên môn trong kiến trúc cũng có thể thấy những sụt lún, con số nhà thờ đưa ra là 60 - 70 cm”.

Với sự bất nhất trong thông tin chính thức thứ hai này, và qua lời phát biểu của ông Michael Croft “quan sát bằng mắt thường”,có thể nhận thấy số liệu độ lún 60 - 70 cm của nhà thờ Bùi Chu chưa đáng tin cậy.

Thông tin chính thức thứ ba được công bố mới đây trong bài“Trùng tu cục bộ hay toàn bộ nhà thờ Bùi Chu?”đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 24.6.2019, và nhất là bài phỏng vấn TS-KTS. Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng viện Bảo tồn di tích, đăng trên VnExpress.

Trong phát biểu của mình, TS-KTS. Hoàng Đạo Cương cho biết các thông tin như sau:

     
  • Viện đã mời các chuyên gia bảo tồn nhiều kinh nghiệm, cán bộ lâu năm và đơn vị có chức năng liên quan cùng tham gia khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng kỹ thuật nhà thờ.
  •  
  • Thời gian đo đạc là 2 ngày, phân tích số liệu 7 ngày.
  •  
  • Về tình trạng kỹ thuật, theo ông Cương, sân phía ngoài do bị bồi đắp nên cao hơn cốt nền nhà thờ 70 cm, làm kiến trúc mặt ngoài nhà thờ bị biến đổi.
  •  
  • Tháp chuông bị nghiêng khoảng 2 độ và có nguy cơ sụp đổ. Hệ tường bao quanh đóng vai trò chịu lực xuất hiện hàng chục vết nứt và có hiện tượng nghiêng, vặn. Nguyên nhân do nền móng không ổn định và liên kết bằng vữa vôi bị thoái hoá.
  •  
  • Theo đơn vị đánh giá kiểm định thì nhà thờ đã xuống cấp ở mức báo động, là công trình có nhiều thành phần ở tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ (loại C trong bốn mức đánh giá công trình xuống cấp A, B, C, D).

Như vậy, lần đầu tiên (?), có một đơn vị có chức năng liên quan cùng tham gia khảo sát; độ lún của công trình lúc này lại được diễn giải theo lý do nền sân phía ngoài bị bồi đắp nên cao hơn cốt nền nhà thờ 70 cm; độ nghiêng của tháp chuông được xác định lại là 2 độ chứ không còn nghiêng 15 độ như lời của Giám mục Bùi Chu; và theo đơn vị đánh giá kiểm định này thì mức độ nguy hiểm của nhà thờ xếp loại C, đã xuống cấp ở mức báo động, là công trình có nhiều thành phần ở tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ.

Từ các thông tin trên, chúng tôi có thể đưa ra các ý kiến như sau:

     
  • Công trình không bị lún 70 cm như lời Toà Giám mục Bùi Chu, mà “độ lún” ở đây lại được diễn giải một cách rất khiên cưỡng là do nền chung quanh tôn cao, nên công trình xem như “lún xuống” 70 cm.
  •  
  • Đơn vị đánh giá kiểm định xếp loại công trình nhà thờ Bùi Chu có mức độ nguy hiểm cấp C, nên theo TCVN 9381:2012 chỉ có thể kết luận: “Khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ”. Hoàn toàn không thể đồng tình với ý kiến của TS-KTS. Hoàng Đạo Cương cho rằng: “Nhà thờ đã xuống cấp ở mức báo động, là công trình có nhiều thành phần ở tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ”. Hai kết luận này rất khác xa nhau.
  •  
  • Với thời gian đo đạc chỉ là 2 ngày, có thể nhận thấy không thể đủ thời gian đo được độ lún, độ nghiêng, hay tốc độ lún, tốc độ nghiêng của công trình theo các tiêu chuẩn TCVN 9360:2012; TCVN 9398:2012; TCVN 9399:2012; TCVN 9400:2012. Để có được các số liệu này, cần thời gian hàng mấy tháng mới có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất,"đơn vị chức năng đánh giá kiểm định”như lời giới thiệu của TS-KTS. Hoàng Đạo Cương trong bài phỏng vấn, theo tìm hiểu của chúng tôi, là Công ty cổ phần tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội, chỉ được phép thực hiện công tác khảo sát kiểm định cho công trình từ cấp III trở xuống (theo thông tin công bố năng lực hoạt động tổ chức trên website Bộ Xây dựng tại thời điểm 14:00 ngày 01.7.2019 http://hdxd.xaydung.gov.vn/cqlhdxd/xem-thong-tin-nha-thau/nha-thau-3217.html?fbclid=IwAR1glrj_-I9TwvWijd8cVwqRPPYSIEHzWS9tdFhVF1ymNbU-bmLHa1w2uJ0 ), trong khi nhà thờ chính toà Bùi Chu là công trình cấp II. Như vậy, toàn bộ báo cáo khảo sát kiểm định của đơn vị tư vấn này có dấu hiệu không hợp lệ, vi phạm Điều 66a - Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16.7.2018 của Chính phủ.

Từ đó chúng tôi cho rằng: các số liệu khảo sátkiểm định mà Viện Bảo tồn di tích trình Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch chưa thực hiện đúng quy định pháp luật nên không có giá trị pháp lý, và do vậy, các phương án đề xuất của Viện cũng không có đủ cơ sở để xem xét đánh giá.

Như vậy, qua ba lần các thông tin chính thức được công bố trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy rằng từ chủ đầu tư cho đến các cơ quan chức năng như UNESCO hay Viện Bảo tồn di tích đều chưa có được (hoặc không muốn có?) một báo cáo kiểm định nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng đối với nhà thờ Chính toà Bùi Chu.

Những số liệu được đưa ra cho đến lúc này từ chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đều hoàn toàn cảm quan, thiếu cơ sở, và chỉ để cố gắng hướng dư luận đến sự đồng tình tháo dỡ, xoá sổ hoàn toàn Nhà thờ Bùi Chu - một di tích kiến trúc tôn giáo và văn hoá quan trọng bậc nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đối với chúng tôi, bằng chuyên môn của mình trong điều kiện hết sức hạn chế cả về thời gian và sự hỗ trợ ủng hộ ít ỏi từ phía Toà Giám mục Bùi Chu, cho đến lúc này có thể đưa ra các số liệu và nhận định như sau:

1. Về độ lún công trình:Hoàn toàn không có cơ sở để xác định được độ lún công trình tại thời điểm này, vì một lý do rất đơn giản: Không thể nào tìm lại được cao độ nền của nhà thờ Bùi Chu tại thời điểm xây dựng hoàn thành (năm 1885), nên không thể biết được công trình đã lún bao nhiêu so với cao độ hoàn thiện ban đầu.

2. Về tốc độ lún và lún lệch của công trình:Cho đến thời điểm hiện tại, qua các kết quả khảo sát 3D và theo dõi quy luật vết nứt biến dạng của các cấu kiện, bộ phận công trình, có thể nhận thấy công trình không còn lún (tốc độ lún bằng 0), độ lún lệch của công trình rất không đáng kể (điều này có thể nhìn thấy rõ ràng qua độ thẳng của sống mái, mặt bằng mái, và trên tường chung quanh công trình không có vết nứt xiên nguy hiểm nào từ các góc cửa, góc giao nhau giữa cột - dầm).

Hình mặt đứng bên, kết quả phân tích mô hình 3D của nhóm SHV.

(Độ nghiêng: lệch 1.20tháp bên phải và 10tháp bên trái)

3. Về độ nghiêng:Tương tự như độ lún, hoàn toàn không có cơ sở để xác định được độ nghiêng công trình tại thời điểm này, do không thể nào tìm lại được kết quả quan trắc nghiêng của nhà thờ Bùi Chu tại thời điểm xây dựng hoàn thành (năm 1885), nên không thể biết được công trình đã nghiêng bao nhiêu so với ban đầu.

Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát 3D, có thể nhận thấy các tháp chuông có lệch so với phương thẳng đứng từ 0.32 đến 1.4 độ (tuỳ vị trí). Điều đặc biệt là phương lệch của các tháp chuông không cùng một phía, mà nghiêng đều về phía nhau ở cả hai bên và trước sau.

Như vậy có thể nhận định các tháp chuông không bị nghiêng vặn như đánh giá của Viện Bảo tồn di tích. Trên các tường tháp chuông cũng không có sự xuất hiện các vết nứt xiên nguy hiểm tại các vị trí cột - dầm giao nhau.

Theo nhận định của chúng tôi, độ nghiêng đều này so với phương thẳng đứng có thể do sai số công nghệ xây dựng những năm trước 1885 không có các thiết bị đo đạc hiện đại, và với chiều cao tháp chuông tương đương một toà nhà hơn 8 tầng hiện nay, hệ giàn giáo tre nứa và biện pháp định vị bằng quả dọi thời kỳ đó không thể đảm bảo độ thẳng đứng tuyệt đối của tháp chuông được.

Hình mặt đứng hướng Nam, kết quả phân tích mô hình 3D của nhóm SHV.

(Độ nghiêng: lệch góc khối tháp chuông và tường sau)

4. Tốc độ nghiêng:Có thể khẳng định công trình không còn nghiêng (tốc độ nghiêng bằng 0) qua quy luật các vết nứt của công trình như đã phân tích trên.

5. Bậc nguy hiểm của công trình:Công trình có bậc nguy hiểm từ B - C. Trong đó bộ phận nguy hiểm không phải là nền móng hay kết cấu chịu lực, mà có thể là bộ phận bao che hoàn thiện, cụ thể hơn ở đây là các cấu kiện trần, một số cấu kiện tường…

Các cấu kiện, bộ phận này hoàn toàn có thể sửa chữa gia cố được với kinh phí thấp hơn rất nhiều lần so với xây mới. Đối với cao độ nền nhà thờ hiện thấp hơn sân chung quanh do cao độ sân đường bị bồi đắp theo thời gian, có thể xây dựng hệ thống thu và thoát nước quanh chu vi công trình, đảm bảo công trình tuyệt đối không bị úng ngập.

Hình mặt đứng hướng Bắc, kết quả phân tích mô hình 3D của nhóm SHV.

(Phần sân phẳng, gân đỉnh mái phẳng, cấu trúc chịu lực ổn định)

Điều cuối cùng chúng tôi muốn minh định, những gì chúng tôi lên tiếng và mong được Toà Giám mục Bùi Chu lắng nghe đón nhận, không gì hơn ngoài tình yêu của chúng tôi với ngôi Thánh đường của chính Giáo phận Bùi Chu, mà ngay từ lúc này, đã là một di sản vô giá không ai và không cách gì có thể có lại được, phục dựng lại được nếu mất đi.

Nhóm tác giả kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, bảo tồn di sản(ThuộcSave Heritage VietNam -Bảo vệ Di sản Việt Nam, viết tắt SHV) - Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu: Báo cáo kiểm định mới chưa đủ tin cậy