Ê-va, người phụ nữ đầu tiên được mô tả trong Kinh thánh, cũng là người đầu tiên hứng chịu hàng loạt thành kiến xã hội. Những tư tưởng chỉ trích giờ đây hãy còn ám ảnh phụ nữ trên khắp thế giới. Giữa ‘dòng chảy’ văn hóa nghệ thuật đại chúng, dấu ấn sai lệch về Ê-va, về tính dục và nhân quyền, đã khởi nguồn như thế nào?

Phác họa nàng Ê-va từ góc nhìn văn hóa nghệ thuật: định kiến sắc dục và tội lỗi

nhu y | 05/09/2019, 09:15

Ê-va, người phụ nữ đầu tiên được mô tả trong Kinh thánh, cũng là người đầu tiên hứng chịu hàng loạt thành kiến xã hội. Những tư tưởng chỉ trích giờ đây hãy còn ám ảnh phụ nữ trên khắp thế giới. Giữa ‘dòng chảy’ văn hóa nghệ thuật đại chúng, dấu ấn sai lệch về Ê-va, về tính dục và nhân quyền, đã khởi nguồn như thế nào?

Câu chuyện Adam và Ê-va tại vườn Địa Đàng ‘ăn sâu’ vào tiềm thức không chỉ của người phương Tây. Ê-va, dẫu xuất hiện qua vài trang ngắn ngủi trong sách Sáng thế (quyển đầu tiên thuộc bộ Kinh Cựu Ước), nhưng tội ác nàng gây nên đã buộc phụ nữ phải hứng chịu suốt 2000 năm tiếp theo.

Từ địa hạt tôn giáo, Ê-va được xem như ‘nguồn cơn’ nảy sinh mọi nỗi bất công, sự kiềm hãm giá trị - quyền lợi phụ nữ. Nàng không ngừng bị công kích bằng vô số định kiến lệch lạc.

Thánh Paul (một trong 12 Tông đồ của Chúa) dùng Êva làm hình mẫu minh chứng cho hành vi phục tùng đàn ông ở phụ nữ. Theo đó, phụ nữ nên biết cách “giữ yên lặng” vì “Adam được Chúa tạo ra trước, sau đến Ê-va. Và khi Adam vô tội, Ê-va là kẻ mang tội lỗi”.

Vào giai đoạn trung cổ, cha xứ Bernard vùng Clairvaux, Pháp, từng công khai quở trách Êva trước nhiều con chiên - đàn ông lẫn phụ nữ - rằng, Ê-va “là ‘gốc rễ’ của tất cả điềm xấu, người mà nỗi ô nhục nay truyền xuống những phụ nữ khác”.

Dưới góc nhìn giáo điều cứng nhắc, Ê-va đơn thuần tồn tại như nhân vật tà ác, là ‘cái bóng’ cạnh Adam.

Nghịch lý thay, ‘người phụ nữ đầu tiên’ lại trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nổi tiếng trong văn hóa đại chúng cũng như nghệ thuật cổ kim. Nàng mang ấn tượng ngây thơ xen lẫn sắc xảo, một mỹ nhân đầy mê hoặc duy không kém phần khôn khéo và nguy hiểm.

Những mô tả chân dung Ê-va đã giúp chúng ta xây dựng khái niệm về vẻ đẹp con người, giới tính, và quan trọng nhất, về tư duy đạo đức. Quan điểm nguyên thủy liên quan đến hình ảnh Ê-va, trên thực tế, vẫn đang tác động đến gần như toàn bộ phạm trù văn hóa.

Cảnh một quả táo được đặt thận trọng vào tay một phụ nữ vóc dáng mỹ miều, hiện diện trên bức họa, tấm biển quảng cáo, hay một bộ phim có thể ngay lập tức khiến người xem liên tưởng đến nét hấp dẫn tội lỗi ở Ê-va.

‘Trái cấm’ - biểu trưng sắc dục

Dù không hề có tên gọi cụ thể trong Kinh thánh, quả táo của Ê-va từ lâu được biết đến như ‘trái cấm’ - danh từ ấn tượng ám chỉ những đam mê chết người, và vì lẽ đó, càng trở nên khó cưỡng. Loại trái cây có vỏ ngoài đỏ rực, sáng bóng cùng lớp nhân ngọt ngào ngụ ý cho sắc dục. Và Ê-va, thường được mô tả cạnh ‘trái cấm’, giúp nhấn mạnh thêm dấu ấn nhục cảm.

Sách Sáng thế viết, Ê-va, sau khi cắn một lần vào quả táo, đã “mang nó đến cho chồng, Adam, người tiếp theo ăn thử”. Một số học giả tôn giáo lại dùng từ “dụ dỗ” để diễn đạt hành động bị kết tội này.

“Adam and Eve” (1528) - Lucas Cranach the Elder

Trong phong trào nghệ thuật Phục hưng Bắc Âu (khởi phát vào cuối thế kỉ 15), họa sĩ gốc Đức Lucas Cranach the Elder nổi danh qua loạt tranh vẽ xuất chúng theo chủ đề phụ nữ khỏa thân. Ở tác phẩm chân dung bộ đôi Adam và Ê-va, hai nhân vật đứng bên dưới Cây Tri Thức, những quả táo mọc ra từ tán cây, ẩn hiện trên đầu đôi vợ chồng như một sự trêu ngươi. Đứng giữa khung tranh, Ê-va đang cầm một quả táo chín mọng. Đôi tay nàng chìa ra như muốn đem tặng nó cho chồng. Adam, với cánh tay đặt sau gáy, lại giữ gương mặt bối rối xen lẫn ngờ vực.

Theo cách Cranach diễn đạt bằng cọ, chẳng phải con rắn ma mãnh đã thì thầm vào tai Êva, hoặc quả táo đỏ ‘trêu ngươi’ là nguồn gốc cho những sai lầm. Chính Ê-va - người phụ nữ đẹp hút hồn, mới biểu thị đầy đủ mặt sáng tối của dục vọng.

Cánh mày râu đã không ít lần bất lực khi đứng trước Êva tuyệt sắc. Trong bức “The Rebuke of Adam and Eve” (‘Chúa trách phạt Adam và Ê-va’) của bậc thầy dòng tranh Baroque - Domenichino, hoàn tất năm 1626, Chúa và những tiểu thiên thần giáng thế để quở trách Adam. Người đàn ông đầu tiên nhún người, giơ ngang đôi tay, dáng điệu bực tức, ngượng ngùng. Tay Adam chỉ về phía Ê-va, như thể muốn đẩy toàn bộ tội trạng cho vợ.

“The Rebuke of Adam and Eve” (1626) - Domenichino

Hình ảnh Ê-va mô tả như một nhân vật gợi cảm, đầy cám dỗ, đến tận ngày nay vẫn được trông thấy phổ biến đến khó tin, ngay cả nơi một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang mục đích thách thức định kiến giới tính.

Đầu thế kỉ 21, dự án truyền hình ăn khách tại Mỹ “Desperate Housewives” từng được tán dương rộng rãi vì dàn sao đóng chính gồm những diễn viên nữ độ tuổi trung niên. Nhóm khán giả tiềm năng của series phim 18+ phần đông là phụ nữ. Thế nhưng tuyến nhân vật chủ chốt với vẻ ngoài lôi cuốn hoàn mỹ đến gần như rập khuôn, có vẻ chỉ để hấp dẫn nam giới.

Bên cạnh đó, ‘trái cấm’ được viện đến liên tục nhằm quảng bá cho sự khêu gợi sắc dục. Chẳng hạn, trên poster giới thiệu mùa 5 “Desperate Housewives”, dàn diễn viên nữ chính bán khỏa thân, cười mỉm, tạo dáng táo bạo đằng sau một hàng những quả táo chín đỏ.

‘Người dụ rắn’

Chủ thể gây tranh cãi không kém xoay quanh Êva chính là con rắn - kẻ đã thôi thúc nàng phạm lỗi. Thuở xưa, trong nghệ thuật, ‘rắn’ lại thường được mô tả như một ‘yêu nữ’ đầu người mình rắn. Dường như tư tưởng sai trái, độc ác đã được gán ghép cho phụ nữ từ trước khoảnh khắc Ê-va chủ động đặt quả táo vào tay Adam.

Bản tranh “The Fall of Man” (‘Sự sa ngã của Con người’) của Michelangelo, nay lưu giữ tại nhà nguyện Sistine - thành phố Vatican (một trong những thánh đường tôn giáo và nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới), ghi lại hình ảnh Adam vạm vỡ và vợ Êva cạnh một phụ nữ nửa người nửa rắn. Đôi tay người rắn vươn ra, níu chặt Ê-va. Cả 2 đều chạm nhau bằng tay trái - bàn tay ‘tội lỗi’ trong văn hóa phương Tây - càng minh chứng hành vi bị lên án.

"The Fall of Man" (1512) - Michelangelo

Trước kỉ nguyên mỹ thuật Phục hưng khi hình mẫu ‘xà tinh’ có thể tìm thấy trên vô số tác phẩm tranh và điêu khắc, trước cả những gì diễn ra trong Kinh thánh, rắn đã tồn tại, lần này, như một nữ thần quyền năng trong không ít nền văn minh cổ xưa - đặc sắc, tiêu biểu là văn minh Do Thái cổ.

Đặt ở cùng bối cảnh, rắn và phụ nữ quả thật có thể tạo nên cảm nhận độc đáo.

Công chúng yêu nhạc quốc tế hẳn khó quên được tiết mục của Britney Spears tại sự kiện MTV Video Music Awards năm 2001, khi nữ nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu cùng một con trăn bạch tạng. Diện trang phục như một người khiển rắn thực thụ, Spears trông quyến rũ, tự tin thể hiện cái tôi mạnh mẽ. Ấn tượng kiêu hãnh của cô, một nữ thần mê hoặc hàng triệu người xem qua sóng truyền hình, đến nay vẫn được ví như ‘điểm son’ trong làn sóng nữ quyền và tự do tính dục.

Britney Spears biểu diễn tại lễ trao giải MTV Video Music Awards 2001

Sự gợi cảm ‘tội lỗi’

Màn trình diễn của Spears năm nào gợi nhớ đến một tác phẩm mỹ thuật đậm chất Trung cổ vẽ bởi họa sĩ John Collier. Năm 1887, Collier hoàn thành bức “Lilith”, mô tả chân dung một phụ nữ tóc vàng dáng hình tuyệt mỹ, quấn quanh mình một con rắn khổng lồ. Lilith được xem như bản thể khác sinh ra từ Ê-va, trực diện, hay mang tính ‘phản kháng’ rõ rệt đối với chủ trương kỳ thị phụ nữ.

Trong văn học Do Thái, Lilith - một phù thủy xinh đẹp, được mô tả là vợ đầu của Adam, người xuất hiện trước Ê-va. Theo truyền thuyết, nàng luôn đòi hỏi sự bình quyền, và rời bỏ Adam khi không thể tìm thấy tình yêu tương xứng. Xét trên nền tảng văn hóa truyền thống lẫn đương đại, Lilith trở thành biểu tượng phác họa nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi, độc lập cho phụ nữ.

"Lilith" (1887) - John Collier

Giờ đây, ‘bóng dáng’ Lilith phản ánh nơi khá nhiều tác phẩm phim ảnh nổi bật: tổ tiên dòng dõi ma cà rồng trong series truyền hình “True Blood” (2008-2014), Quý bà Satan trong “The Chilling Adventures of Sabrina” (2018 đến nay), nhân vật nữ chính Leeloo trong dự án phim giả tưởng “The Fifth Element” (1997).

Một đề cử phim đặc biệt lý thú về Êva, Lilith và giá trị phụ nữ, phải kể đến “Killing Eve” ra mắt trên kênh BBC (Anh) từ năm 2018. Tác phẩm tâm lý giật gân xoay quanh Villanelle - một nữ sát thủ máu lạnh do minh tinh Jodie Comer thủ vai.

Jodie Comer trong “Killing Eve”

Sức hấp dẫn của series phim nằm ở mối liên hệ kịch tính, trúc trắc giữa tuyến nhân vật xấu và tốt. Cái thiện và ác tiếp diễn phức tạp trong những hình mẫu phụ nữ đa sắc thái hiện diện trước ống kính. Như tựa đề “Killing Eve” (‘Giết nàng Ê-va’), bộ phim chứa đựng một ẩn dụ hoàn hảo về câu chuyện ‘khai sinh nhân loại’ của Êva, về tất cả nỗi khổ đau, kỳ thị, thiên vị cũng như bao sự xuyên tạc nó đã và đang kéo theo.

Như Ý (nguồn: CNN, Artsy)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phác họa nàng Ê-va từ góc nhìn văn hóa nghệ thuật: định kiến sắc dục và tội lỗi