Một số nhà quan sát nhận định do chia rẽ lớn trong vài vấn đề cốt lõi, Mỹ và Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian làm việc mới có thể đạt một thoản thuận thương mại làm hài lòng cả hai bên.
Kết thúc vòng đàm phán thứ 11 tại Washington, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tổng kết 3 bất đồng chính còn tồn tại: Mỹ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, Trung Quốc tăng mua hàng Mỹ ở quy mô hợp lý, nội dung thỏa thuận thương mại không làm suy yếu chủ quyền lẫn phẩm giá Trung Quốc.
Phía Mỹ trước lúc vòng đàm phán kết thúc đã tăng thuế đánh vào 200 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. Tổng thống Donald Trump sau đó tiếp tục ra lệnh khởi động quá trình áp thuế lên số hàng hóa trị giá 325 tỉ USD còn lại.
Có một số dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị cho kịch bản thương lượng lâu dài. Tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 11.5 nhắc lại việc nền kinh tế châu Á này cần đến 15 năm đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Theo thông tin trước đó thì đàm phán Mỹ - Trung đạt tiến bộ về bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết bất cân bằng thương mại, mở cửa thị trường hơn nữa, trong khi những mối quan tâm mà Trung Quốc cho là cốt lõi vẫn chưa thể giải quyết. Nhưng một quan chức tài chính Mỹ lại cáo buộc chính Trung Quốc yêu cầu bàn lại điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Quan chức tài chính Mỹ nhấn mạnh sự kiên nhẫn của Tổng thống Trump có hạn. Nhà lãnh đạo Mỹ quyết sử dụng mọi cách trong tay nhằm đảm bảo Trung Quốc đàm phán thiện chí, tôn trọng thời hạn đặt ra.
Cựu tham tán thương mại Trung Quốc - Hà Vỹ Văn dự đoán phải tốn nhiều thời gian hơn dự kiến mới tìm ra giải pháp xử lý bất đồng. Mỹ - Trung rơi vào thời kỳ xung đột xen lẫn với đàm phán.
“Giờ đây mấu chốt là lúc nào Trung Quốc công bố biện pháp đáp trả? Gồm những biện pháp gì?”, theo cựu tham tán Hà.
Chuyên gia Lữ Tường thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cũng cho rằng đàm phán sẽ tiếp tục, tuy vậy rất khó đạt thỏa thuận khi giữa hai bên tồn tại khác biệt về căn bản.
Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc James Zimmerman tin tưởng đàm phán rồi sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận, nhưng ông đánh giá thỏa thuận này không phải “khúc khải hoàn” mà chỉ như một bước tiến bộ tốt cho cả hai.
Chủ tịch Phòng thương mại EU tại Trung Quốc Mats Harborn cho biết nhiều doanh nghiệp châu Âu hiện đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan mà Mỹ - Trung áp đặt với hàng hóa của nhau. Ông cảnh báo: “Tăng thuế suất lên đến 25% càng khiến thiệt hại mà công ty châu Âu phải chịu tăng lên, thiệt hại rồi sẽ lan ra toàn cầu. Họ đang quan sát một cách sợ hãi”.
Cẩm Bình (theo SCMP)