Dũng sinh ra ở Đà Lạt, cuống nhau rã tàn vào đất đá nơi đây, nên với Dũng, Đà Lạt là máu thịt, không thể dứt rời. Hơn 50 năm rong ruổi, Dũng thuộc từng viên đá, bãi rêu, biết khi nào đà lạt đổ mưa, mùa nào Hồ Xuân Hương có bồ công anh mọc lẻ, dã quỳ dày nhất ở đâu, và ở đâu có thể thấy sương loang trùm lấy đất trời Đà Lạt… dân nhiếp ảnh khắp nơi kháo nhau, tới Đà Lạt nhất định phải “lùng cho ra” Phạm Anh Dũng.

Phạm Anh Dũng, người thuộc lòng dáng hình Đà Lạt

Một Thế Giới | 04/03/2016, 19:01

Dũng sinh ra ở Đà Lạt, cuống nhau rã tàn vào đất đá nơi đây, nên với Dũng, Đà Lạt là máu thịt, không thể dứt rời. Hơn 50 năm rong ruổi, Dũng thuộc từng viên đá, bãi rêu, biết khi nào đà lạt đổ mưa, mùa nào Hồ Xuân Hương có bồ công anh mọc lẻ, dã quỳ dày nhất ở đâu, và ở đâu có thể thấy sương loang trùm lấy đất trời Đà Lạt… dân nhiếp ảnh khắp nơi kháo nhau, tới Đà Lạt nhất định phải “lùng cho ra” Phạm Anh Dũng.

"Đà Lạt chưa đi đã nhớ"
Phạm Anh Dũng bén duyên với nhiếp ảnh chỉ mới được 2 năm, khoảng thời gian ngắn đến mức khiến người ta ngạc nhiên. Bởi những bức ảnh về Đà Lạt của Dũng quá nổi tiếng với cộng đồng mạng, nên ai cũng nghĩ Dũng phải là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu, đeo đuổi nghề lâu năm với bề dày thành tích đáng nể. Hỏi Dũng, anh cười thật hiền: “Cái thời người ta đồn Đà Lạt hết sương rồi, Đà Lạt hết thông, hết đẹp rồi, anh buồn và có chút ấm ức. Nghĩ, Đà Lạt mình vẫn còn rất đẹp nên anh tập tành chụp hình để “minh oan” cho Đà Lạt. 
Rồi mê nhiếp ảnh lúc nào không biết luôn”. Phạm Anh Dũng là vậy, mộc mạc, dung dị, nhiệt tình như cái cách Đà Lạt đẹp suốt bốn mùa để đãi cho thỏa lòng du khách. Không khí ướt dầm vì Đà Lạt đổ mưa suốt đêm qua, Phạm Anh Dũng ngồi im đốt thuốc, sương trong veo chưa kịp ráo trên vai áo, Dũng vừa xong một chuyến “săn” sương. Gặp khách, Dũng tắt thuốc rồi cười, ánh mắt sâu thăm thẳm, Dũng nói: “Mùa này Đà Lạt hay mưa bất chợt, những cơn mưa rất nhẹ, lây rây, lất phất như sương, như bụi. Sáng ra đã thấy mưa đọng trên những trảng cỏ xanh bất tận, chiếu lấp lóa dưới ánh mặt trời, thông ướt mưa thơm lừng mùi nhựa, lãng mạn không chịu nổi”. Dũng thường trở nên mơ màng, ngây ngất khi kể về vẻ đẹp của thành phố lạnh, như một người say. 
Da Lat, Ho Xuan Huong, doi thong hai mo, thung lung Tinh Yeu
Ảnh của Dũng tuy mộc mạc nhưng có sức quyến rũ rất riêng. 
Cũng phải thôi, Đà Lạt chuốc người ta bằng chất men cay nồng của khói sương hư ảo, thứ men ủ từ hương sắc của trăm ngàn loài hoa rực rỡ cả đất trời, và thứ men ấm từ tình người. Phạm Anh Dũng hồn nhiên: “Anh mê vùng đất này lắm, nên từ nhỏ đến lớn anh chưa bao giờ rời khỏi mảnh đất này quá lâu. Đà Lạt chưa đi đã nhớ mà em”. 
Đà Lạt chưa đi đã nhớ, Dũng yêu những mảng sương loang, ánh đèn đêm trải khắp các vùng đồi, yêu đôi má con gái hồng rực lên trong nắng, và yêu những giọt mồ hôi người nông dân mới ứa ra đã lạnh, rớt xuống cho đất cằn nở hoa. Quê đã hóa tâm hồn Phạm Anh Dũng, nên những bức ảnh của anh chỉ là những khoảnh khắc rất đời thường, thậm chí có những khung cảnh không có gì nổi trội nhưng vẫn cuốn hút người xem một cách rất lạ kỳ. 
Là người trồng rau cặm cụi làm việc bên hàng rào hoa dã quỳ cháy hết mình đến cạn kiệt, là mảnh trăng lẻ ngó xuống mái nhà gỗ giữa sương lam, là Đà Lạt mơ ngủ giữa một vùng mây trắng… Ảnh của Dũng luôn có sức quyến rũ đến mê mỵ. Và Phạm Anh Dũng đã thành công. Sức hút từ những bức ảnh tuyệt đẹp về Đà Lạt của Phạm Anh Dũng góp phần đưa du khách đến với thành phố trong sương. Dũng - một người đàn ông bé nhỏ, bằng chính tâm hồn nồng hậu của mình, đã khiến rất nhiều người khao khát được một lần tận mắt nhìn thấy quang cảnh như tranh mà Dũng đã dày công chụp lại. Anh lại cười, mắt lấp lánh những tia hạnh phúc: “Mùa dã quỳ, anh đăng hình dã quỳ vàng rực, bà con khoái quá, cuồng chân muốn đi, tới Đà Lạt là gọi cho anh nói: “Tại mấy bức hình của anh đã quá, tụi em kiềm không được phải xách gói đi”. Chỉ cần nhiêu đó thôi, anh đã thấy vui vô cùng. Mình đã làm được một vài điều nhỏ bé cho quê hương”. 
Người "thuộc lòng" Đà Lạt
Trước khi đến với nhiếp ảnh, Dũng đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành du lịch tại Đà Lạt. Nên người đàn ông này tận tường tất cả các ngóc ngách của thành phố ru hồn người cũng là điều không có gì khó hiểu. Anh tâm sự: “Ngày trước mình còn sức thì rong ruổi theo chân du khách, giới thiệu về vẻ đẹp của Đà Lạt, nay thì bằng một cách khác, mang Đà Lạt đến gần hơn với những người phương xa. Anh may mắn, mới bắt đầu nhiếp ảnh một thời gian ngắn đã có người biết tới. Nhưng anh còn phải học hỏi rất nhiều”. 
Da Lat, Ho Xuan Huong, doi thong hai mo, thung lung Tinh Yeu
Tác phẩm Khúc cua. 
Chưa từng qua trường lớp, không được dạy một ngày nào về nhiếp ảnh, một mình Dũng tự mày mò. Và trong nhiếp ảnh, kỹ thuật vốn dĩ chỉ là một phần hỗ trợ, cái chủ yếu chính là đôi mắt và tâm hồn. Dũng yêu Đà Lạt như máu thịt, nên tình yêu của anh tự nhiên mà hòa vào ảnh, khiến những điều bình thường bỗng trở nên tha thiết, đẹp và thật đến nao lòng. Gọi Phạm Anh Dũng là “người thuộc lòng dáng hình Đà Lạt” cũng không ngoa vì Đà Lạt có gì Dũng biết hết. Dũng thuộc từng viên đá, bãi rêu, biết khi nào Đà Lạt đổ mưa, mùa nào hồ Xuân Hương có bồ công anh mọc lẻ, dã quỳ dày nhất ở đâu, và ở đâu có thể thấy sương loang trùm lấy đất trời Đà Lạt… Dân nhiếp ảnh khắp nơi kháo nhau, tới Đà Lạt nhất định phải “lùng cho ra” Phạm Anh Dũng. Ngồi nói chuyện với Dũng mà điện thoại đôi ba lần cắt ngang, người hỏi Dũng nghỉ khách sạn nào cho hợp lý, dân nhiếp ảnh nhờ Dũng đưa đi tìm cảnh đẹp, và có người đơn giản chỉ muốn được mời Phạm Anh Dũng một ly cà phê ấm vì quá mê ảnh của anh… 
Một ngày săn ảnh của Phạm Anh Dũng thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. Dũng nói: “Mùa này Đà Lạt nắng sớm, muốn nhìn thấy sương lãng đãng bồng bềnh phải đi giờ đó. Khi ánh sáng đang dần xua đi bóng tối, nắng xuyên qua mây tạo nên những đường ray nắng, đẹp lắm em ơi”. Dũng kể, có khi anh “chạy theo mặt trời” mà bất chấp tất cả. Đến lúc thấy toàn thân tự nhiên lành lạnh lạ kỳ, mò mẫm mới biết vắt rừng đã bu khắp người anh mà hút máu. Anh lại cười: “Lần đó, thằng bạn đi chụp chung với anh bắt ra dùm tới mười mấy con vắt, nghĩ lại thấy ghê thiệt. Nhưng mặt trời dần lên cao, thì nắng cũng biết chạy đó em, phải chạy theo, chụp liên tục, vẻ đẹp đó mê lắm, dứt ra không được”. Dũng như một con ong, cần mẫn với đam mê, dịu dàng với cái đẹp. 
Dũng nói, cái đẹp rồi sẽ mất đi, như khoảnh khắc của hoa quỳnh, thanh tao diệu kỳ, nhưng tàn nhanh và rồi tan biến hẳn. Nên Phạm Anh Dũng chưa bao giờ ngơi nghỉ, hầu như anh ôm máy ảnh chạy suốt ngày. Dũng nín thở chờ con nhện giăng tơ, ràng rịt lấy nhánh hoa lau bạc trắng, lặng ngắm sương tan trên cánh 10 giờ mỏng mảnh, bất chấp hiểm nguy leo cao thật cao để có được một góc nhìn bạt ngàn dã quỳ vàng rực… Một cách nhìn nào đó, thấy Phạm Anh Dũng cũng như hoa, cháy hết mình, nở khô cả nhựa sống chỉ để mang lại cái đẹp cho người, cho đời. Toát lên ở Phạm Anh Dũng là sự say mê tưởng như chẳng bao giờ cạn. 
Từ ánh mắt lấp lánh khi nói về vùng đất anh đã sinh ra, từ cử chỉ, điệu cười đắm say với những khoảnh khắc rất nhỏ, những rung động, thay đổi của thiên nhiên, con người. Phạm Anh Dũng nhạy cảm như cái cách những bức ảnh của anh quyến rũ người xem. Dũng là con của Đà Lạt, và Dũng là một nghệ sĩ.
Hồ Ngọc Giàu / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Anh Dũng, người thuộc lòng dáng hình Đà Lạt