Những ngày trước Tết Tân Sửu 2021, Phạm Công Luận đã cho ra mắt hai cuốn sách mới: Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm và Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (tập II).
Nhân dịp này, tờ Người Đô Thị giới thiệu lời bạt nhan đề “Tìm về Sài Gòn – Gia Định thời quá khứ, hành trình khó khăn đầy thú vị” của Phạm Công Luận, như một cách phi lộ để độc giả tường minh những giá trị của hai tác phẩm được thực hiện công phu, cẩn trọng và “viết những điều nghiêm túc bằng cách thức dễ tiếp nhận, có cảm xúc” của “một người viết báo, lỡ bước đeo đuổi chủ đề Sài Gòn xưa từ mấy năm qua”, như tác giả tự sự.
Tôi không có quê hương ấp ủ một tuổi thơ để trở về theo chiều không gian. Nên khi viết cuốn sách về cuộc sống trăm năm qua của Sài Gòn – Gia Định này, đối với tôi, như được về quê hương bản quán bằng chiều thời gian. Đây là hành trình thú vị nhưng đầy thách thức, như lâu nay tôi vẫn gặp khi viết về chủ đề Sài Gòn xưa.
Tôi lớn lên trong xóm nhỏ ở một khu dân cư thuộc ngoại ô Sài Gòn, nay là quận Phú Nhuận. Trong xóm tôi đa số là người Nam, nhưng cũng có người Bắc, người Trung, người gốc Hoa, người lai Ấn. Từ nhà ra khỏi con hẻm, thấy ngay trường học Chánh Tâm, tiệm chạp phô và xe mì của người Hoa, quán bán cà ri dê của người Ấn.
Trước khi tôi sinh ra vài năm, ông chủ đất người Pháp vẫn đi thu tiền mướn mấy căn phố trên đường Capitaine Faucon (Trần Huy Liệu bây giờ). Sau năm 1965, còn có ông Mỹ dân sự sống với vợ bên khu chợ Ga, thỉnh thoảng cho kẹo đám con nít đi nhà thờ Nam. Tôi lớn lên, quen dần với cuộc sống phong phú đa dạng đó, ăn đủ các món Tây, Hoa, Ấn, Việt với Bắc Trung Nam, dùng nhiều món đồ có xuất xứ khắp nơi. Đời sống vật chất mỗi nhà tuy không thể so với ngày nay nhưng cũng được tiện nghi dần. Cuộc sống tinh thần càng thêm phong phú.
Trong mỗi nhà, ban đầu chiếc radio hay cái xe đạp là mơ ước lớn, rồi trở nên bình thường. Sau là mơ cái máy hát dĩa, máy nghe băng cối, xe máy Đức, xe Honda, xe ô tô… tùy theo khả năng chủ nhà. Lúc đầu là ở nhà thuê, sau tìm mua ngôi nhà mái lá vách ván, rồi nhà vách tường mái lợp tôn, rồi căn cư xá khang trang, biệt thự đơn lập hay song lập…
Sài Gòn không phải là cái nôi của cải lương, nhưng là nơi hình thành và là đất sống quan trọng nhất của nhiều đoàn cải lương lớn nhất xứ này.
Không có gốc gác ở đây, nhưng phở Sài Gòn được ưa chuộng không kém phở Hà Nội. Sài Gòn là nơi hội tụ nhiều món ngon vùng miền nhiều không kẻ xiết, càng lúc càng nhiều.
Không phải là nơi sinh ra chiếc áo dài, nhưng áo dài ở đây được cách tân, được biểu diễn, được đưa vào thơ ca nhạc họa và được nhiều nhà may có tiếng cắt may tuyệt đẹp. Ở đâu có sản phẩm tốt đẹp, mang đến thành phố này sẽ được cải tiến, gia giảm, nâng cấp, xa dần gốc gác bất chấp mong muốn chủ quan của người mang đến nhưng sẽ tạo được phiên bản Sài Gòn hấp dẫn và dễ dung nạp với số đông.
Trang phục của người Sài Gòn, đặc biệt là chiếc áo dài phụ nữ phát triển dần từ nguyên mẫu xứ Bắc, được duy trì và phát triển, cải tiến trong khi miền Bắc trong thời chiến tranh trước 1975 bị xếp lại. Phụ nữ nơi đây thử các loại guốc dép, từ guốc vông, guốc ngù ngà, guốc cao gót, guốc Bắc…
Đàn ông Sài Gòn một thời nào đó, có người dám bê xà rông của người Khơ me miệt dưới để bận cho thoải mái, hoặc bận bộ pyjama ra ngồi tiệm nước, cảm thấy lịch sự hơn quần đùi áo thun lá và thoải mái hơn bận bộ đồ áo sơ mi quần dài Tây. Họ dùng thử không ngần ngại ai chê cười, đến lúc nào đó mới định hình được món đồ phù hợp nhất.
Sự cởi mở, chuộng cái mới khiến sản phẩm mới được mang đến chào mời, buôn bán phát triển, không sợ bảo thủ, không sợ bị chê bai.
Từ trăm năm qua, người Sài Gòn đã chớm hưởng thụ nhiều thứ vui tinh thần: nghe diễn thuyết, đọc sách báo, nghe hát dĩa và nghe băng nhạc, xem phim, sáng tác tranh và sưu tầm tranh... Món ăn tinh thần nào cũng hình thành hệ thống dịch vụ đi kèm. Người Sài Gòn không hề lạc hậu với thế giới trong thưởng thức các thành tựu văn hóa tinh thần, dù có bị bưng kín vẫn tìm cách thưởng thức. Tính cầu tiến, ham cái mới luôn sôi sục, không phải chỉ người trẻ mà người có tuổi vẫn dám xài, dám thể nghiệm những canh tân cải cách, những sản phẩm mới lạ.
Tất cả những điều đó thúc giục tôi đi sâu tìm hiểu những điều gì tạo nên cuộc sống đời thường của người Sài Gòn – Gia Định trăm năm qua, kể từ khi bắt đầu thế kỷ XX với vài chục ngàn người Việt sống chung với người Pháp, Hoa, Ấn… Sau đó, là chặng đường đời qua bao biến động từ các cuộc chiến, khủng hoảng kinh tế, các cuộc viện trợ… ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Nhiều cuộc di dân biến Sài Gòn – Gia Định cũ thành siêu đô thị đông đúc hơn chục triệu dân, làm thay đổi rất lớn về mọi mặt. Các vật dụng, các mô thức đó tác động vào cuộc sống thường ngày qua trăm năm, hình thành một thứ gọi là tính cách đô thị Sài Gòn và con người Sài Gòn.
Rất tiếc, với độ nén chặt của vùng đất bộn bề đa dạng này, những cố gắng để viết cuốn sách này chỉ như là cuộc phiêu lãng lướt trên bề mặt những gì đã qua. Từ cảm nhận cá nhân, tìm hiểu qua tài liệu và lời kể, ít ra trong tôi đã hình dung được phần nào những gì người thân đã khuất của tôi, ông bà cha mẹ và những người thân thuộc khác ở Phú Nhuận, Bình Thạnh, Chợ Lớn và Khánh Hội… đã từng trải qua trong một thế kỷ 20 đầy biến động, để chia sẻ với những ai cùng quan tâm.
Xin trân trọng cám ơn quý độc giả, những người đã cùng tôi đồng hành trên hành trình tìm về đời sống muôn màu của vùng đất Sài Gòn – Gia Định thời quá khứ qua cuốn sách này, cũng như qua các cuốn sách khác tôi đã viết cùng chủ đề.
“Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa”
Cuốn này, cùng cuốn “Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa” (tập I) ra mắt đầu năm 2020, xem như trọn bộ hai cuốn, là tập hợp những bài viết mà tác giả Phạm Công Luận đã sưu tầm, tuyển chọn, cảm thấy đều là những bài viết thú vị, giàu cảm xúc hoặc lạ lùng nhất, dồi dào tư liệu nhất trong khoảng hơn 200 tờ báo Xuân từ khoảng thập niên 1940 đến 1975.
Trong đó, có bài từ các tờ báo Hương Gió Việt xuân Mậu Tý 1948; Ánh Sáng, Điện Báo xuân Canh Dần 1950; Sài Gòn Mới, Thành Chung xuân Nhâm Thìn 1952; Mới, tiếng Chuông xuân Quý Tỵ 1953… đến các tờ báo khác như Chọn Lọc, Tin Sớm xuân Bính Ngọ 1966; Sống, Tiếng Nói Dân tộc xuân Kỷ Dậu 1969; Sóng Thần, Tuổi Ngọc xuân Quý Sửu 1973…
Tác giả Phạm Công Luận cho biết, các bài viết trên báo xuân, lâu nay luôn là “của để dành” của các cây bút vì tính tự sự cao, bộc bạch nhiều nỗi niềm sâu kín chưa có dịp viết ra, tiết lộ một câu chuyện độc đáo lạ kỳ đã từng nghe thấy trên đường đời... Phần văn xuôi trong cuốn sách có mảng bài viết về thời chống Pháp, về đời sống trong những ngày tản cư, câu chuyện ăn Tết từ thành phố Hà Nội đến nông thôn của những tác giả gốc Bắc xa xứ mang đến nhiều tư liệu hay lạ và xúc động.
“Trong đó, bài viết Quê ngoại của họa sĩ Tạ Tỵ khiến người đọc rưng rưng dõi theo chuyến hành trình khó khăn của hai mẹ con về chơi Tết, thăm ông ngoại đang già yếu ở một vùng quê biển nghèo nàn xứ Bắc của một mùa xuân xa xưa thập niên 1940. Rất mừng vì công ty sách Phương Nam đã xin phép được gia đình của ông để có thể đăng bài viết đặc sắc này”, Phạm Công Luận chia sẻ.
Mảng bài viết “truyền thống” trên báo Xuân xưa, “Tết trong tù”, luôn sinh động, đậm tình người, tình yêu tổ quốc và ý chí vượt qua khó khăn đợi ngày tự do đi tiếp con đường kháng chiến.
Mảng bài viết về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa đầy yêu thương, lạc quan và trào lộng, nhiều thú vui thế tục... về chuyện đời sống thời khủng hoảng kinh tế, thú vui đá gà, tục gọi hồn...
Mảng bài “đường rừng” đặc sắc, huyền hoặc và thu hút độc giả thời đó, đọc lại vẫn hay.
“Bài viết Về một mùa viết về hoa cỏ rất mơ mộng và lãng mạn trên báo Tuổi Ngọc xuân Quý Sửu 1973 khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn ra góc nhìn khác về nhà văn ẩn cư Ngụy Ngữ, thường viết về chiến tranh và xã hội. Bài được ông cho phép đăng và giúp biên tập lại vài chỗ…”, Phạm Công Luận kể.
Cuốn tuyển tập phần II này có thêm phần thơ Tết, là những bài đặc sắc mà cô trưởng ban biên tập Phương Nam Book kể rằng đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì thơ hay, lắng đọng và trữ tình. Một số bài có hơi thở hiện đại nhưng vẫn truyền đạt được cảm xúc.
Được sáng tác trong thời chiến, nhiều bài buồn man mác nhưng hào sảng, chân thật, không làm dáng, không bi lụy... Là những bài được viết trong tâm trạng khắc khoải, mong chờ, nhiều hy vọng, nao nức trước không khí Tết và thiên nhiên ngày xuân. May mắn là tác giả Phạm Công Luận đã liên lạc được một số nhà thơ còn sống để xin phép đăng, trong đó nhờ sự giúp đỡ của nhà thơ Trần Văn Nghĩa ở Phan Rang (có bài trong sách).
“Tôi mong cuốn “Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa” (tập II) này sẽ là cuốn sách đáng đọc dịp Tết, sẽ như một tiếng vọng đẹp hay mùi hương trầm, có thể đưa chúng ta về cuộc sống một thời của cha ông trong mùa xuân này, tạm quên những bộn bề chật đầy tâm trí sau một năm kỳ lạ vừa qua”, Phạm Công Luận bày tỏ.
Đặng Phạm