Trong khi vụ tránh chấp bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” vẫn chưa có hồi kết thì giới văn chương lại xôn xao bàn tán đến một “nghi án đạo thơ” khác. Người “gọi tên” lần này là nhà thơ Phan Huyền Thư.

Phan Huyền Thư có “đạo thơ” của Du Tử Lê hay không?

Một Thế Giới | 18/10/2015, 06:50

Trong khi vụ tránh chấp bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” vẫn chưa có hồi kết thì giới văn chương lại xôn xao bàn tán đến một “nghi án đạo thơ” khác. Người “gọi tên” lần này là nhà thơ Phan Huyền Thư.

“Sẹo độc lập” (NXB Lao Động - 2014) là tập thơ của tác giả Phan Huyền Thư, tác phẩm này cũng vừa được trao giải thưởng về hạng mục Thơ của Hội nhà văn Hà Nội hôm ngày 10.10.2015.
Tuy nhiên, trong Sẹo độc lập có một bài thơ mang tên Có lẽ đã chết vẫn tốt  hơn, với những câu mở đầu chính là nguyên nhân gây tranh cãi giữa người trong giới về tính nguyên bản trong thơ của Phan Huyền Thư khi đem so sánh với câu thơ trước đó mà tiền bối Du Tử Lê từng hạ bút.
Trong tác phẩm của mình, Phan Huyền Thư viết: "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển/ vì tôi là hạt muối buồn/ kết tủa từ cô đơn/ tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/ Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/ cào đến xước mặt hoàng hôn/ nàng tiên cá hát ru con/ mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ… (Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn). Trong khi đó nhà thơ Du Tử Lê có những câu: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã / hồn không đi sao trở lại quê nhà/ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...” (Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển).
Người phát hiện ra sự “bất thường” trong câu thơ của Phan Huyền Thư là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Trong một phát biểu của mình Lê Thiếu Nhơn nhận định “Cái này nếu khắt khe cũng gọi là đạo, vì bắt chước cách khởi ý. Khởi ý là một thao tác quan trọng. Nếu người có tự trọng phải ghi rõ thành đề từ. Nói đúng hơn, bài thơ của Phan Huyền Thư phải gọi là tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng từ câu thơ của người khác để triển khai ý niệm của mình. Hơn nữa, cả bài thơ dù dông dài vẫn không thoát khỏi câu thơ bao trùm của Du Tử Lê!”.
“Một nhà thơ phải viết một tác phẩm phái sinh, nghĩa là bản lĩnh sáng tạo đang chênh vênh. Cần phải xem lại chính mình. Tốt nhất nên tạm ngưng viết để tâm tư lắng đọng lại” - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kết luận.
Phan Huyen Thu co “dao tho” hay khong ?-hinh-anh-1
Bìa tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư 
Trong khi đó nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội lại đưa ra ý kiến hoàn toàn ngươc lại. Ông khẳng định: “Không có căn cứ nói Phan Huyền Thư đạo thơ. Sẹo độc lập là một tập thơ giá trị, có nhiều bài thơ là những trao đổi, đối thoại giữa Phan Huyền Thư với các bạn thơ... Việc một ý thơ nào đó giống nhau là chuyện thường thấy trong văn học nghệ thuật. Ví dụ,Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm có câu Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê giống hệt câu Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê trong Truyện Kiều. Hay nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng có ca khúc Chảy đi sông ơi nổi tiếng trùng tên với truyện ngắn Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp sáng tác trước đó”.
Ở một nhận định khác, nhà thơ Trương Nam Hương đưa ra quan điểm có tính “trung dung" hơn. Anh nói: “Nếu nói Phan Huyền Thư đạo thơ, cầm nhầm thơ thì nặng nề quá. Trước đây đã từng có lời một bài hát: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi dưới cây đàn ghita”, sau này là bài thơ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển của Du Tử Lê. Mô-tip này quá quen thuộc rồi, nên theo tôi khi làm thơ, dù ý tưởng có chợt đến với mình, nhà thơ cũng tỉnh táo nên tránh xa. Đọc thơ mới sáng tác mà người ta nghe giống giống ở đâu đó thì nguy lắm. Hết sức tránh đi lạc vào lối mòn của người khác đã đi”.
Một độc giả yêu thơ có tên là Thái Văn Tuấn cũng nêu ý kiến: “Có thể, Phan Huyền Thư đã nhập tâm và trùng ý với Du Tử Lê một cách ngẫu nhiên… Tuy nhiên, dù sao đó vẫn là một trùng lặp tối kị trong văn chương. Việc một tập thơ với ‘tai nạn’ nhỏ như vậy được chấm giải đặt ra vấn đề rất lớn về chất lượng hội đồng giám khảo giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội cũng như hội đồng biên tập của đơn vị xuất bản”.
Trước những dư luận xung quanh về vấn đề này, về phần mình, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã chính thức lên tiếng.Trong một phát biểu với báo chí chị cho biết: “Tôi đang liên lạc E-mail với tác giả Du Tử Lê. Ngày 13.11, chú Lê sẽ về Hà Nội ra mắt tập sách mới và tôi muốn chính tác giả Du Tử Lê lên tiếng sẽ khách quan hơn”.
Phan Huyen Thu co “dao tho” hay khong ?-hinh-anh-2
Nhà thơ Phan Huyên Thư
“Một câu thơ có vẻ giống nhau của hai tác giả khác nhau cũng giống như sự hao hao giống nhau của hai đứa con ruột thịt của họ khi để chúng đứng cạnh nhau. Điều đó khó có thể cho rằng chúng là anh chị em cùng một huyết thống hoặc một trong hai đứa trẻ bị bắt cóc, thất lạc nhau. Điều đó cũng càng không thể quy kết rằng cha mẹ của chúng đã từng có quan hệ gì "bất thường" cho dù họ có quen biết nhau hay không nếu không có sự kiểm chứng, thừa nhận của cả hai người hoặc của sự giám định ADN.
Tôi rất kính trọng nhà thơ Du Tử Lê nên nếu có viết ra một câu thơ gần giống được với câu thơ tài hoa của ông, đối với tôi cũng là niềm vinh hạnh. Trừ khi ông cảm thấy bị xúc phạm hoặc mất mát mà lên tiếng lúc đó tôi sẽ thưa chuyện lại với riêng ông. Còn với ai cho rằng tôi đã " đạo" câu thơ đó, tôi cũng vui vẻ cười và chắc chắn sẽ lặng im vì đó là quyền tối thượng của độc giả”.
Hiện tại nhà thơ Du Tử Lê, người có liên quan đến câu thơ gây tranh cãi trên vẫn đang định cư ở nước ngoài. Ông vẫn chưa có bất cứ phát biểu gì về sự việc đã nêu trên.
Tiểu Vũ (T/h)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Huyền Thư có “đạo thơ” của Du Tử Lê hay không?