Theo ông Tống Anh Hào, phần mềm trợ lý ảo là một công cụ trợ giúp đắc lực cho việc xét xử các vụ án; và trước mắt do thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án sử dụng.

Phần mềm trợ lý ảo – cánh tay đắc lực cho các thẩm phán

Thu Anh | 18/07/2022, 18:58

Theo ông Tống Anh Hào, phần mềm trợ lý ảo là một công cụ trợ giúp đắc lực cho việc xét xử các vụ án; và trước mắt do thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án sử dụng.

Ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao chất lượng xét xử của tòa án

Đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án “Xây dựng tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của TAND tối cao, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng việc tham gia nhiều hơn vào các giao dịch trực tuyến trên không gian mạng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần có các phương pháp mới, toàn diện hơn trong việc phòng ngừa, đấu tranh, thu thập chứng cứ, xét xử, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo ông Dũng, chuyển đổi số tòa án với trọng tâm là xây dựng tòa án điện tử tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng ở mọi nơi, mọi thời điểm thông qua nền tảng số, dịch vụ số như nộp đơn khởi kiện, cung cấp chứng cứ trực tuyến...

bea181398107f8c337c1a1c349c5d588.jpg
Ngành tòa án đang đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng CNTT - Ảnh: Internet

Bên cạnh việc mang lại lợi ích cho người dân, CNTT còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các thẩm phán. Theo đó, TAND tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai áp dụng phầm mềm trợ lý ảo cho thẩm phán với mục đích đưa trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và văn bản có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.

Ngoài ra, điều này còn góp phần bảo đảm việc áp dụng, thống nhất pháp luật; giúp cho phần mềm trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các thẩm phán.

Trao đổi với báo chí, ông Tống Anh Hào - nguyên Phó chánh án, Thẩm phán TAND tối cao, Tổ trưởng Tổ biên tập nội dung cho phần mềm “Trợ lý ảo” cho biết một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án là phải nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ tòa án, nhất là các thẩm phán.

Xuất phát từ những yêu cầu nói trên, Chánh án TAND tối cao đã chỉ đạo xây dựng phầm mềm “Trợ lý ảo thẩm phán”, ứng dụng công nghệ 4.0 để giúp tất các thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể.

Ngoài ra, ông Hào cho biết công nghệ này còn hướng dẫn thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp các thẩm phán ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, được dư luận xã hội đồng tình.

ong-tong-anh-hao.jpg
Ông Tống Anh Hào (nguyên Phó chánh án, Thẩm phán TAND tối cao) - Ảnh: N.A

Bước đột phá trong ứng dụng CNTT

Theo sự chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao, phần mềm trợ lý ảo của thẩm phán có những nội dung cụ thể, bao gồm chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ; hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể; giới thiệu những bản án, quyết định của tòa án tương tự để tham khảo; hỗ trợ thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; đưa ra đoán định tư pháp.

Cụ thể, ông Tống Anh Hào phân tích rằng trợ lý ảo xây dựng công cụ tìm kiếm văn bản pháp luật; để thuận tiện cho việc tra cứu, các luật được xấp xếp thành “cây tri thức”. Trong đó, có các Luật hình sự, dân sự, hành chính, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Thông tư liên tịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

“Trong mỗi điểm, khoản, điều của Luật nếu có văn bản liên quan sẽ được chú thích, chỉ dẫn ngay tại đó để giúp thẩm phán hiểu đúng vấn đề, áp dụng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật. Trợ lý ảo giúp tìm kiếm án lệ nhanh chóng, thuận lợi theo nội dung cần tìm”, ông Hào chia sẻ.

Đặc biệt, ông Hào nhấn mạnh tới việc trợ lý ảo có thể cung cấp cho các thẩm phán tất cả các văn bản tố tụng mẫu, nhất là những bản án mẫu đối với mỗi loại vụ việc cụ thể nhằm hỗ trợ thẩm phán soạn thảo các văn bản tố tụng nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, trợ lý ảo còn giúp thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ án cụ thể, trợ lý ảo sẽ đưa ra những nội dung chủ yếu thẩm phán phải thực hiện đối với mỗi loại vụ việc cụ thể.

Đối với ngành tòa án, trợ lý ảo được coi là bước đột phá trong việc ứng dụng CNTT hỗ trợ thẩm phán. Theo đó, ngành toà án yêu cầu bảo đảm 100% các thẩm phán trong hệ thống tòa án sử dụng phần mềm trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng.

tro-ly-ao(1).png
Trợ lý ảo được coi là bước đột phá trong việc ứng dụng CNTT hỗ trợ thẩm phán

Tuy nhiên, phần mềm trợ lý ảo là một công nghệ mới bắt đầu triển khai nên việc áp dụng tại hệ thống tòa án sẽ không tránh khỏi những khó khăn.

Ông Tống Anh Hào chia sẻ: “Hiện nay trình độ về tin học, khả năng sử dụng máy vi tính của các thẩm phán không đồng đều; trợ lý ảo mới bắt đầu triển khai sử dụng nên thẩm phán thực hiện các thao tác trên máy tính chưa thật sự thành thạo…”.

Ông Hào cho rằng phầm mềm trợ lý ảo phải xây dựng trong thời gian nhiều năm, hiện nay đang thực hiện giai đoạn 1 và còn nhiều nội dung đang triển khai, cũng như sẽ hoàn thiện trong thời gian tới. Trên tinh thần vừa sử dụng vừa hoàn thiện, TAND tối cao đã chính thức đưa phần mềm này vào hoạt đông từ đầu tháng 4.2022. Hiện nay, hầu hết các thẩm phán trong cả nước đã sử dụng phần mềm này trong công tác xét xử.

Trong tương lai, ông Hào đặc biệt lưu tâm tới việc sẽ mở rộng cho mọi cơ quan tổ chức và cá nhân sử dụng phần mềm trợ lý ảo này.

Theo ông Tống Anh Hào, trợ lý ảo có 5 nội dung. Ở giai đoạn 1, trợ lý ảo thực hiện 3 nội dung, gồm Chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ áp dụng; Hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể; Giới thiệu những bản án, quyết định của tòa án tương tự để tham khảo.

Giai đoạn 2 năm 2022, TAND tối cao đang triển khai tập trung 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, hoàn thiện và phát triển các nội dung đã xây dựng tại giai đoạn 1. Trong đó, chỉnh sửa bổ sung các chỉ dẫn pháp luật nhằm bảo đảm đầy đủ và chính xác, thường xuyên cập nhật kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật mới. Hoàn thiện và bổ sung hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể, phấn đấu sẽ hướng dẫn đầy đủ việc xử lý các tình huống pháp lý mà các thẩm phán đang cần. Bổ sung việc giới thiệu các bản án, quyết định của tòa án.

Thứ hai, xây dựng phần mềm Hỗ trợ thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng, trong đó giúp thẩm phán soạn thảo văn bản tố tụng, xây dựng kế hoạch giải quyết án với một số loại án cụ thể.

Giai đoạn 3 là giai đoạn nâng cao trợ lý ảo.

Bài liên quan
Tòa án sẽ sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán
TAND Tối cao yêu cầu triển khai áp dụng thống nhất phần mềm Trợ lý ảo cho Thẩm phán trong hệ thống Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phần mềm trợ lý ảo – cánh tay đắc lực cho các thẩm phán