Luxshare Precision Industry Co Ltd (Trung Quốc) bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Catcher Technology Co Ltd (Đài Loan) và săn trộm lực lượng lao động để giành được đơn đặt hàng từ Apple.

Đài Loan buộc tội công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại, giành đơn đặt hàng từ Apple

Sơn Vân | 15/07/2022, 23:20

Luxshare Precision Industry Co Ltd (Trung Quốc) bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Catcher Technology Co Ltd (Đài Loan) và săn trộm lực lượng lao động để giành được đơn đặt hàng từ Apple.

Hôm 15.7, các công tố viên Đài Loan cho biết điều này và buộc tội 14 người.

Đài Loan đã và đang đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn chặn những hoạt động mà họ coi là hoạt động ngầm và bất hợp pháp của các công ty Trung Quốc nhằm đánh cắp bí quyết, săn trộm nhân tài. Đây là điều mà chính quyền Đài Loan coi là mối đe dọa với sức mạnh công nghệ của hòn đảo.

Các công tố viên ở thành phố Tân Bắc (Đài Loan) cho biết sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm rưỡi, họ đã phát hiện ra rằng Luxshare Precision Industry Co Ltd (Trung Quốc) nhắm mục tiêu đến đối thủ cạnh tranh từ Đài Loan là Catcher Technology Co Ltd để nhanh chóng thâm nhập vào chuỗi sản xuất của Apple và giành được đơn đặt hàng”.

Luxshare Precision Industry Co Ltd đã dụ nhóm nghiên cứu và phát triển của Catcher Technology Co Ltd có trụ sở tại Trung Quốc với lời hứa trả lương cao và đánh cắp bí mật kinh doanh từ công ty Đài Loan, khiến họ thiệt hại lớn. Luxshare Precision Industry Co Ltd đang làm điều này để có thể nhanh chóng xây dựng nhà máy và sản xuất hàng loạt vỏ cho iPhone, iPad cùng các sản phẩm khác”, các công tố viên tuyên bố.

Luxshare và Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Các công tố viên Tân Bắc hiện đã buộc tội 14 người liên quan đến vụ án vì vi phạm lòng tin và lấy bí mật thương mại để sử dụng ở nước ngoài, họ nói thêm.

"Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để điều tra những trường hợp như vậy để duy trì sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp Đài Loan và đảm bảo tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp", các công tố viên Tân Bắc nói thêm.

Catcher Technology Co Ltd, công ty sản xuất vỏ iPhone và iPad, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện và tối ưu hóa việc bảo vệ bí mật thương mại cùng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời sẽ điều tra bất kỳ điều gì vi phạm quyền và lợi ích của họ. Công ty đang hợp tác với phía điều tra.

dai-loan-buoc-toi-cong-ty-trung-quoc-danh-cap-bi-mat-thuong-mai.jpg
iPad Air được trưng bày tại Apple Store trên Đại lộ số 5 ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters

Hôm 26.5, Cơ quan điều tra Đài Loan cho biết chính quyền đảo này đã đột kích 10 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ săn trái phép các kỹ sư chip và tài năng công nghệ khác.

Đây là cuộc điều tra với các công ty Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền tối cao về chip của Đài Loan.

Là quê hương của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất hành tinh) và chiếm phần lớn công suất sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, Đài Loan đã đẩy mạnh chiến dịch chống lại việc săn tài năng bất hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà đảo này coi là mối đe dọa với chuyên môn về chip của họ.

Cơ quan điều tra cho biết đã đột kích 10 công ty Trung Quốc hoặc các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của họ hoạt động tại Đài Loan mà không có sự chấp thuận. Gần 70 người đã bị triệu tập để thẩm vấn ở một số thành phố gồm cả Đài Bắc và Tân Trúc - trung tâm bán dẫn của Đài Loan.

"Việc các công ty Trung Quốc săn trộm bất hợp pháp tài năng công nghệ cao của Đài Loan đã ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh quốc tế của chúng tôi và gây nguy hiểm cho an ninh của chúng tôi", văn phòng Cơ quan điều tra Đài Loan tuyên bố.

Cơ quan điều tra Đài Loan cho biết công nghệ là rất quan trọng với an ninh của đảo này và kêu gọi mọi người "cảnh giác cao độ" với các hoạt động như vậy của Trung Quốc.

Cơ quan này không nêu tên các công ty đang bị điều tra, cho biết thêm họ bao gồm những hãng thiết kế mạch tích hợp và sản xuất linh kiện điện tử.

Đài Loan đã mở các cuộc điều tra với khoảng 100 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ săn trộm tài năng công nghệ bất hợp pháp, một quan chức Đài Loan cấp cao nói với Reuters vào tháng 4.

Cuộc tranh giành nhân tài kỹ thuật chip của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu đạt được khả năng tự chủ trong lĩnh vực chip tiên tiến, đặc biệt là sau cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump trước đây ở Mỹ.

Luật Đài Loan cấm Trung Quốc đầu tư vào một số bộ phận chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm cả thiết kế chip, và yêu cầu xem xét các lĩnh vực khác như đóng gói chip. Điều đó khiến các công ty chip Trung Quốc rất khó hoạt động hợp pháp trên đảo này.

Đài Loan phạt nặng Foxconn vì đầu tư vào hãng chip Trung Quốc

Chính quyền Đài Loan đang xem xét phạt gã khổng lồ công nghệ Foxconn lên tới 25 triệu Tân đài tệ (835.600 USD) vì khoản đầu tư của họ vào Tsinghua Unigroup, tập đoàn chip Trung Quốc, mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Hai nguồn tin cho biết thông tin này hôm 15.7.

Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vừa cho biết đã trở thành cổ đông của Tsinghua Unigroup thông qua khoản đầu tư 5,38 tỉ nhân dân tệ (797 triệu USD) của một công ty con tại Trung Quốc là Foxconn Industrial Internet Co Ltd.

Khoản đầu tư này được thực hiện khi Đài Loan cảnh giác với tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và đề xuất các luật mới để ngăn chặn “Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ”.

Foxconn đã không tìm kiếm sự chấp thuận trước của chính quyền Đài Loan trước khi thực hiện khoản đầu tư và các nhà chức trách tin rằng công ty đã vi phạm luật điều chỉnh mối quan hệ của đảo này với Trung Quốc, một người quen thuộc với vấn đề nói với Reuters.

Người này cho biết thêm: “Các nhà quản lý đang cân nhắc xem liệu có phạt Foxconn khoản tiền phạt tối đa có thể, là 25 triệu Tân đài tệ, do quy mô đầu tư lớn vào Trung Quốc hay không”.

Foxconn đã nhắc tới một hồ sơ trước đó trên sàn chứng khoán, nói rằng họ sẽ chuyển các tài liệu cho Ủy ban Đầu tư của Cơ quan Kinh tế Đài Loan trong tương lai gần.

Một nguồn tin thứ hai cho biết Foxconn có thể bị phạt từ 50.000 đến 20 triệu Tân đài tệ nếu đầu tư mà không được chấp thuận của chính quyền Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ lưỡng khoản đầu tư và đưa ra quyết định sau khi nhận được đơn đăng ký của công ty.

"Có khả năng một sự phê duyệt sẽ được đưa ra. Nếu không, Foxconn sẽ phải rút khoản đầu tư", người này cho biết.

Luật Đài Loan quy định chính quyền có thể cấm đầu tư vào Trung Quốc "dựa trên việc xem xét vấn đề an ninh hòn đảo và phát triển ngành". Những người vi phạm luật có thể bị phạt nhiều lần cho đến khi khắc phục xong.

Nổi tiếng là nhà lắp ráp iPhone chính cho Apple, Foxconn rất muốn sản xuất chip ô tô nói riêng khi mở rộng sang thị trường xe điện. Foxconn đang tìm cách mua lại các nhà máy sản xuất chip khi tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đang làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất hàng hóa từ ô tô đến điện tử.

Đài Loan cấm các công ty xây dựng các xưởng đúc tiên tiến nhất ở Trung Quốc để đảm bảo không bị khai thác công nghệ tốt nhất của mình.

Bài liên quan
Trung Quốc sợ Elon Musk dùng internet vệ tinh Starlink giúp Đài Loan như Ukraine, Tesla bị ảnh hưởng
Bắc Kinh lo sợ một viễn cảnh mà trong đó hàng ngàn vệ tinh Starlink được triển khai để giám sát Trung Quốc hay nói một cách nhạy cảm hơn là hỗ trợ Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan buộc tội công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại, giành đơn đặt hàng từ Apple