Theo Phan Văn Anh Vũ, việc thành lập và tham gia vào các công ty chỉ với mục đích duy nhất là để kinh doanh bất động sản.
Sáng 5.1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ cùng 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Trả lời câu hỏi của luật sư về việc thành lập 5 công ty như hồ sơ vụ án thể hiện, Phan Văn Anh Vũ bày tỏ sự hoang mang vì đã bị quy kết với ý đồ thâu tómđất trên địa bàn Đà Nẵng… Một lần nữa, Phan Văn Anh Vũ khẳng định bản thân là người đi mua và không hiểu thâu tóm nghĩa là sao. Việc thành lập và tham gia vào các công ty chỉ với mục đích duy nhất là để kinh doanh bất động sản.
Theo lời trình bày tại tòa của Vũ, việc có 5 công ty là để có thể phân loại các dự án bởi một Công ty CP Xây dựng 79 không thể làm từ 5 -7 dự án, cũng không phù hợp với quy hoạch từng thành phố. Cùng với đó, ngân hàng cho vay chỉ có hạn mức, một công ty chỉ có thể được vay 30-50 tỉ đồng, nếu một mình mà làm tới 5-7 dự án sẽ vượt quá hạn mức, do đó phải thành lập nhiều công ty để có thể vay nhiều vốn.
Với việc thành lập 5 công ty, bị cáo Vũ khẳng định không phải để luồn lách trốn thuế mà chỉ để phuc vụ mục đích kinh doanh, đóng ngân sách cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Ngoài ra, bị cáo Vũ cũng thắc mắc khi các nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố trước đã ủng hộbị cáo mà đến nay lại mang bị cáo ra xét xử trước tòa.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2015, Phan Văn Anh Vũ đã đứng tên và nhờ người thân đứng tên thành lập, tham gia góp vốn và trực tiếp điều hành hoạt động của 5 doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 đều do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT.
Các bị cáo tại phiên xét xử - Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, Công ty TNHH I.V.C do Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch HĐTV, Phan Minh Cương làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty TNHH Minh Hưng Phát do Nguyễn Quang Thành làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Ngày 29.8.2016, Công ty TNHH Minh Hưng Phát đổi tên thành Công ty TNHH Phú Gia Compound do Phan Minh Cương làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty; có 3 thành viên góp vốn gồm Phan Văn Anh Vũ, chiếm 80% cổ phần; Phan Minh Cương, chiếm 16% cổ phần; Lê Viết Bảo Duy, chiếm 4% cổ phần.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc do Phan Thị Anh Đài (chị gái Phan Văn Anh Vũ) làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty; 3 cổ đông sáng lập gồm Phan Văn Anh Vũ, chiếm 60% cổ phần; Phan Thị Anh Đài chiếm 20% cổ phần; Nguyễn Quang Thành chiếm 20% cổ phần.
Trước câu hỏi của luật sư liên quan đến quan điểm về hai tội danh bị truy tố, Vũ nói bản thân mình thì không sao, dù sao cũng 30 năm rồi, nhưng cái oan là cho các lãnh đạo; bị cáo hứa với HĐXX những lời trình bày tại tòa là đúng sự thật.
Đà Nẵng đã “vận dụng sáng tạo”
Trong những phần xét hỏi trước đó, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh thừa nhận việc ký 6 văn bản như cáo trạng quy kết, song ông Minh giải thích việc giảm10% tiền sử dụng đất chỉ áp dụng khi nộp một lần trong vòng 30 hoặc 60 ngày. Quy định cho chuyển đổi tên người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng kèm theo điều kiện các bên phải hoàn thành nghĩa vụ, chính sách với thành phố.
Trong phần xét hỏi, ông Minh cũng liên tục khẳng định vụ việc xảy ra hơn 10 năm trước, đã được các cơ quan trung ương thống nhất không xem xét xử lý kỷ luật với tập thể Ban cán sự đảng UBND TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2010 và 2011-2015.
Theo lời ông Minh, khi Thanh tra Chính phủ kiểm tra những sai phạm, UBND TP cũng có giải trình gửi Thanh tra Chính phủ, Chính phủ... Sau đó, Uỷ ban Kiểm tra có báo cáo 191 về chủ trương giảm 10%, trong đó nói “có sai sót nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả”. Và ông Minh cũng cho rằng các chính sách của Đà Nẵng giai đoạn đó là “sự sáng tạo”.
Nhã Thanh