Bà Nathalie Loiseau, Bộ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại châu Âu của Pháp, khẳng định nước này sẽ không để địa điểm họp chính thức của Nghị viện châu Âu chuyển từ thành phố Strasbourg (Pháp) sang thành phố Brussels (Bỉ).
Theo bà Loiseau: “Strasbourg phải giữ được vị trí của mình trong nền dân chủ châu Âu. Nó cũng là biểu tượng cho sự hòa giải Pháp-Đức. Mọi người thường nói rằng châu Âu quá phụ thuộc vào Brussels, châu Âu nên gần gũi hơn với các khu vực khác của nó”.
Hiện tại, thành phố Brussels là nơi nhiều tổ chức quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) đặt trụ sở và tổ chức các cuộc họp quan trọng như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu.
Trang tin Reuters cho biết các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) thường đến tham dự phiên họp toàn thể trong 1 tuần mỗi tháng tại Strasbourg. Các cuộc họp trù bị và không toàn thể sẽ diễn ra tại Brussels vào khoảng thời gian còn lại. Chuyện thay đổi địa điểm hàng tháng này đã làm chi phí họp hành đạt đến 114 triệu euro (124 triệu USD) mỗi năm.
Nhiều người chỉ trích đã kêu gọi bỏ cuộc họp ở Strasbourg, nhưng Pháp luôn phủ quyết bất cứ nỗ lực thay đổi nào. Nhiều nghị sĩ đã hy vọng mọi chuyện sẽ khác khi ông Emmanuel Macron, một người ủng hộ EU, đắc cử Tổng thổng Pháp.
Tuy nhiên, có vẻ như ông Marcon vẫn muốn giữ nước Pháp đứng ở vị trí hàng đầu và trung tâm trong hoạt động của EU, nên không chấp nhận chuyện bỏ họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, theo trang Express.
Ngoài chuyện họp Nghị viện châu Âu, bà Loiseau cũng đưa ra bình luận về tiến trình đàm phán để Anh rời khỏi EU (Brexit) thời gian qua. Bà ghi nhận đã có “những chuyện ồn ào tích cực” trước khi một cuộc họp thượng đỉnh của EU diễn ra tại Brussels để đánh giá kết quả của vòng đàm phán Brexit đầu tiên.
Theo bà Loiseau, Pháp vẫn rất chú ý đến vấn đề biên giới với Ireland. Bà cho biết: “Đây là lằn ranh đỏ mà 27 thành viên EU và nước Anh đặt ra”.
Vấn đề biên giới với Ireland đang là bế tắc trong đàm phán Brexit.Phía Ireland muốn Anh đảm bảo đường biên giới cứng sẽ không được tái thiết lập giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland thời hậu Brexit. Nước này yêu cầu Anh viết cam kết đối với tương lai các quan hệ kinh tế giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May từ chối đưa ra những cam kết mà Ireland yêu cầu, với lý do không thể đưa ra hứa hẹn khi không biết chi tiếttương lai quan hệ Anh-EU sẽ như thế nào.
Cẩm Bình (theo Reuters)