Ông Salvador Nasralla, ứng viên tổng thống của đảng Liên minh đối lập chống độc tài, đã kêu gọi quân đội Honduras nổi loạn, không thực hiện lệnh thiết quân luật, tiếp sau những vụ biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống.
Theo Reuters ngày 3.12 (giờ địa phương) hàng ngàn thanh niên xuống đường biểu tình ở thủ đô Tegucicalpa và bày tỏ sự ủng hộ ông Nasralla, một ngôi sao bình luận thể thao trên truyền hình ra ứng cử tổng thống và đã cáo buộc chính phủ Honduras “âm mưu dàn xếp kết quả bầu cử”.
Hình ảnh TV cho thấy các cuộc biểu tình phản đối tương tự nổ ra ở nhiều thành phố lớn khác của Honduras.
Cùng ngày 3.12, phát biểu tại một ngã tư gần địa điểm tái kiểm phiếu, ông Nasralla kêu gọi quân đội bất tuân lệnh chỉ huy của họ, và kêu gọi người ủng hộ ông tiếp tục phản đối hòa bình. Ông nói: “Tôi kêu gọi toàn thể anh em binh sĩ nổi loạn chống lại chỉ huy của anh em. Anh em nên là một phần của nhân dân”.
Hồi đầu tuần trước, ông Nasralla dường như đã thắng cử bất ngờ trước đương kim Tổng thống Juan Orlando Hernandez, nhưng rồi cuộc kiểm phiếu bị kéo dài, không tuyên bố người trúng cử.
Ngày 3.12, ủy ban bầu cử (TSE) nói sẽ sớm công bố người trúng cử, một khi họ kết thúc cuộc kiểm lại khoảng 1.000 phiếu bầu bị nghi không hợp lệ. Dự kiến việc kiểm lại gần 6% phiếu bầu kéo dài đến ngày 4.12 (giờ địa phương).
Ông Nasralla đề nghị cuộc kiểm lại phiếu mở rộng đến 5.000 điểm bầu cử khác, nhưng TSE (thuộc đảng Quốc gia cầm quyền) bầu cử không đồng ý.
Tổ chức các nước liên Mỹ (OAS) ra tuyên bố đề nghị TSE không nên hạn chế việc kiểm lại phiếu, và nói đề nghị của ông Nasralla là có thể thực hiện được.
Trước đó, hàng trăm người bị bắt trong những cuộc biểu tình bạo lực khiến ít nhất 3 người chết. Chính phủ ra lệnh thiết quân luật từ ngày 1.12.
Ông Nasralla đã kêu gọi người ủng hộ về nhà treo quần ngoài cửa sổ rồi gõ nồi chảo từ lúc 18 giờ, thời điểm bắt đầu lệnh thiết quân luật.
Lệnh thiết quân luật (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng) mở rộng quyền cho quân đội và cảnh sát bắt bất kỳ người nào vi phạm giờ giới nghiêm, kể cả quyền bắt nhà báo. Quân đội cũng lãnh nhiệm vụ giải tán những hoạt động chặn vây cầu đường và các cơ quan công quyền.
Honduras là một trong những quốc gia có tỉ lệ án mạng cao nhất thế giới, và đang chật vật phòng chống các băng nhóm ma túy gây bạo lực, khiến có làn sóng di dân sang Mỹ.
Tổng thống Hernandez, 49 tuổi, từ khi nhậm chức năm 2014 đã quyết để quân đội triệt phá các băng nhóm bạo lực. Ông nhận được sự ủng hộ của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, ông Nasralla là một trong những nhân vật nổi tiếng ở Honduras, và có sự ủng hộ của cựu Tổng thống Manuel Zelaya, một lãnh đạo cánh tả từng bị lật đổ hồi năm 2009.
Bích Ngọc (theo Reuters)