Ngày 15.4, báo Guardian đưa tin Tòa án hiến pháp Pháp đã ra phán quyết phê chuẩn đề xuất nâng tuổi nhận lương hưu tối thiểu từ 62 lên 64.
Hội đồng Bảo hiến Pháp, cơ quan hiến pháp quyền lực nhất, hôm 14.4 bác một số phần trong luật cải cách hưu trí của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron, song đồng ý với yếu tố gây tranh cãi nhất là tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Quyết định của Hội đồng Bảo hiến Pháp được đưa ra sau 7 giờ tranh luận giữa 9 thành viên. Cơ quan này cũng từ chối yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về luật tăng tuổi hưu do các nghị sĩ đối lập Pháp đưa ra.
Phán quyết này mở đường để chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron thông qua kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu ngay trong tuần sau. Luật lương hưu mới dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, động thái này có thể vấp phải phản ứng gay gắt từ người dân. Sau 3 tháng biểu tình, cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa kết thúc. Các công đoàn và các chính trị gia đối lập vẫn tiếp tục hối thúc chính phủ tạm hoãn việc tăng tuổi hưởng lương hưu lên 64, với các cuộc thăm dò cho thấy 2/3 công chúng Pháp phản đối biện pháp này.
Tổng thống Macron trước đó nói ông sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân với luật cải cách hưu trí. Ông đang trong nhiệm kỳ 2 và không thể tái tranh cử năm 2027. Kết quả một cuộc thăm dò ngày 19.3 cho thấy chỉ 28% người được hỏi ủng hộ ông Macron, thấp nhất kể từ cao điểm phong trào "Áo vàng" phản đối chính phủ năm 2018 - 2019.